Nữ họa sĩ đầu tiên ở đất Đà thành
(Cadn.com.vn) - Người phụ nữ đầu tiên hoạt động mỹ thuật trên đất Đà thành là nữ họa sĩ Maria Mộng Hoa. Từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Maria Mộng Hoa từng có một studio tranh nghệ thuật tại đường Độc Lập, cạnh hãng Hàng không Việt Nam, TP Đà Nẵng. Bà từng được báo chí từ Nam chí Bắc như Annam nouveau, Trung Bắc Tân Văn, Tiếng Dân Ngộ Báo, Phụ Nữ…một thời ca ngợi. Họa sĩ Maria Mộng Hoa tên thật là Nguyễn Thị Phi Phụng, sinh năm 1913 tại Quảng Trị, mất năm 1986. Cha bà là Nguyễn Khắc Nhân, một họa sĩ hoàng gia triều Thành Thái, và ba người anh Nguyễn Phi Hỗ, Nguyễn Phi Long và Nguyễn Phi Hùng đều là họa sĩ nổi tiếng ở Huế. Họa sĩ Maria Mộng Hoa từng dự cuộc triển lãm mỹ thuật đại hội toàn quốc tại Huế (năm 1931, được thưởng huy chương vàng và nhất hạng kim bội). Năm 1933-1934, bà mở phòng triển lãm hội họa thường xuyên cùng với người anh tại Huế. Năm 1935, bà dự triển lãm hội họa do chính phủ Nam triều và Pháp quốc tổ chức tại tòa Khâm sứ Huế….
Trước khi chính thức chuyển gia đình vào sinh sống tại Đà Nẵng, họa sĩ Maria Mộng Hoa đã là chủ nhân của một phòng vẽ và nhiếp ảnh ở gần cửa Thượng Tứ tại cố đô Huế, bên cạnh các phòng vẽ vang bóng một thời của các họa sĩ Thư Lang, Duy Hinh, Lê Vinh, Tuấn Cathy, Ngọc Duy, Quang Hy, Bá Thiệu... Trong một bài trả lời phỏng vấn Nguyễn Ngu Í in trên tạp chí Bách Khoa vào năm 1962, họa sĩ Maria Mộng Hoa cho biết: “Ngay thuở ấu thơ, trên tay tôi bao giờ cũng cầm sẵn một cục than để mà nguệch ngoạc vẽ lên tường. Và khi thực thụ đứng trước giá vẽ, tôi vừa thấy khó khăn, lại vừa ham thích... Tôi trau dồi nghề vẽ đoạn đầu từ năm 14 tuổi đến năm 18. Vừa học vẽ, vừa đọc sách về lịch sử mỹ thuật, về các môn phái hội họa của những thế kỷ trước. Lúc đầu, tôi ở nhà vẽ và nhờ người giúp việc làm mẫu, nhưng bị các anh tôi chỉ rõ những chỗ hỏng và khuyên tôi chớ nên ngồi nhà mà vẽ, mà phải đi ra ngoài trước đã, chừng ấy tôi mới nay xách giá vẽ lên lăng, mai trở về đồng nội... Và thiên nhiên càng làm tôi ham mê hội họa”.
Chân dung họa sĩ Maria Mộng Hoa. |
Hồi đó, studio của họa sĩ Maria Mộng Hoa được xem là một xưởng vẽ sang trọng bậc nhất Đà Nẵng. Nơi đó, vừa dành cho việc trưng bày thường xuyên tác phẩm của họa sĩ, và cũng là nơi bà dạy vẽ. Tranh của bà đa phần là tranh phong cảnh, chân dung truyền thần màu phấn tiên (pastel), đôi khi cũng có tranh lụa hoặc chất liệu khác. Theo lời kể của họa sĩ Phan Trần, người có thời gian phụ việc cho họa sĩ Maria Mộng Hoa: “Trước năm 1975, hầu hết các phòng vẽ tại Đà Nẵng đều là nơi vẽ tranh chân dung hoặc phong cảnh sao chép theo ảnh. Chỉ riêng xưởng vẽ của bà Maria Mộng Hoa trưng bày tranh mang tính sáng tạo nghệ thuật (tương tự các Art Gallery ngày nay). Ngoài những tranh thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, thỉnh thoảng bà dành thời gian vẽ tranh như một thú vui tiêu khiển. Trong đó, có nhiều tranh về phong cảnh Đà Nẵng, Hội An, chùa Cầu... được nhiều khách vãng lai ưa thích. Bà Maria còn là một người yêu thơ, nhạc nên tranh của bà luôn có nét mềm mại, lãng đãng”.
Sau tháng 4-1975 cả gia đình họa sĩ Maria Mộng Hoa sang định cư ở Mỹ. Về sau, trong số cháu con, có một người cháu ngoại của họa sĩ là Mina Hồ Mộng Nhã Uyển (1971) nối tiếp sự nghiệp mỹ thuật, được nhiều người biết tiếng. Năm 18 tuổi, Nhã Uyển đã có cuộc triển lãm tranh lụa thành công ở Sài Gòn (1989).
Trần Trung Sáng