“Nữ thuyết khách” đại án Việt Á tiếp tục “dính chàm” với cựu Chủ tịch NXB Giáo dục
Để tạo điều kiện cho 2 công ty “cánh hẩu” trúng nhiều gói thầu cung cấp giấy in với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục) đã chỉ đạo nhân viên tiết lộ thông tin về thông số kỹ thuật, khối lượng hàng hóa cần đấu thầu. Đáng nói, một số hợp đồng cung cấp giấy in sách của NXB Giáo dục Việt Nam được xác định cao hơn 1,7 lần giá nhập khẩu trực tiếp, với số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng. Thông qua đó, 2 công ty “cánh hẩu” nói trên đã “lại quả” cho ông Nguyễn Đức Thái gần 25 tỷ đồng.
3 “nước cờ” của ông cựu chủ tịch để được “lại quả” gần 25 tỷ đồng
Ngày 23-9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, vừa ban hành Kết luận điều tra vụ án: “Đưa, nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (viết tắt: NXB Giáo dục) và các đơn vị có liên quan. Theo đó, CQĐT đề nghị truy tố bị can Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch HĐTV, cựu Giám đốc NXB Giáo dục) về tội: “Nhận hối lộ”; bị can Tô Mỹ Ngọc (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng) và bị can Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát) cùng về tội: “Đưa hối lộ”.
Ngoài ra, còn 5 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu trưởng ban Kế hoạch Marketing NXB Giáo dục), Đinh Quốc Khánh (cựu phó phòng in NXB Giáo dục), Phạm Gia Thạch (cựu thành viên HĐTV NXB Giáo dục), Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải (đều là cựu Phó giám đốc NXB Giáo dục).
Theo kết luận điều tra, việc mua giấy để phục vụ in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của NXB Giáo dục. Trước năm 2017, NXB Giáo dục đều áp dụng hình thức chào giá khi mua giấy để phục vụ in sách giáo dục. Năm 2017, Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐTV NXB, có quyền quyết định trong việc mua sắm giấy in phục vụ in sách giáo khoa.
Theo đề nghị của Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh nên Nguyễn Đức Thái chỉ đạo nhân viên thực hiện 3 nhóm hành vi sai phạm. Thứ nhất, lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh trái quy định của Luật Đấu thầu để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực. Thứ hai, tiết lộ thông tin về thông số kỹ thuật, khối lượng hàng hóa trước thời điểm phát hành hồ sơ dự thầu giúp các công ty nêu trên có lợi thế so với các công ty đối thủ. Thứ ba, hợp thức hóa thủ tục đấu thầu để tạo điều kiện cho 2 công ty được cung cấp giấy in cho NXB Giáo dục.
Nhờ có sự tạo điều kiện của ông Thái, từ năm 2018 đến năm 2021, các công ty của bà Tô Mỹ Ngọc đã tham gia và trúng 13 gói thầu với tổng trị giá 2.101 tỷ đồng. Còn công ty Minh Cường Phát của ông Nguyễn Trí Minh được tham gia và trúng 5 gói thầu với tổng số tiền 209 tỷ đồng. Từ việc tạo điều kiện cho 2 công ty trúng thầu, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục đã nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng từ Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh.
Được biết, cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ xác định NXB Giáo dục Việt Nam có nhiều "bất thường, chưa đảm bảo công bằng, hiệu quả kinh tế" khi lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa, theo phương thức chào hàng cạnh tranh. Trong đó, Công ty CP Giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83% số lượng giấy của NXB, tương đương gần 1.900 tỷ đồng. Kiểm tra xác suất một số hợp đồng cung cấp giấy in của Cty Phùng Vĩnh Hưng, Thanh tra Chính phủ thấy giá giấy in cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp, tương ứng số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng.
“Nữ thuyết khách” đại án Việt Á tiếp tục “dính chàm”
Trong vụ án xảy ra tại NXB Giáo dục, có 1 bị can cũng gây nhiều chú ý đó là cựu trưởng ban Kế hoạch Marketing Nguyễn Thị Thanh Thủy, người trước đó bị tuyên 30 tháng tù về tội: “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” trong “đại án” Việt Á.
Theo hồ sơ vụ án Việt Á, Nguyễn Thị Thanh Thủy đã lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để can thiệp, tác động lãnh đạo Bộ Y tế tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á trong quá trình cấp số đăng ký lưu hành chính thức kit xét nghiệm cũng như móc nối cho công ty nước ngoài mua 1 triệu test của Cty Việt Á.
Cụ thể, lợi dụng mối quan hệ cá nhân, khoảng giữa tháng 3-2020, Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty SNB Holdings) đã chủ động gặp Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) để thỏa thuận, đề nghị được làm đại lý cấp 1 độc quyền xuất khẩu kit xét nghiệm COVID-19. Việt đồng ý sẽ chi cho Thủy 40% giá trị test xuất khẩu nhưng đổi lại Thủy phải giúp Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành chính thức kit xét nghiệm COVID-19. Mục đích việc Phan Quốc Việt thỏa thuận và chi 40% giá trị test là vì bà Thủy "có mối quan hệ cá nhân, có thể can thiệp, tác động giúp Công ty Việt Á thuận lợi trong việc được cấp số đăng ký lưu hành chính thức, cấp chứng chỉ CE, CFS đủ điều kiện xuất khẩu kit xét nghiệm.
Tiếp đó, Thủy và Linh thông qua một người thân biết được thông tin Công ty C.L sẽ ủng hộ Chính phủ Việt Nam hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch trị giá 1 triệu USD. Cả hai đã nhờ người thân này trao đổi với lãnh đạo công ty đề nghị mua 1 triệu USD kit xét nghiệm do Việt Á sản xuất. Công ty C.L đã đồng ý đề nghị trên với điều kiện phải có thư cảm ơn của Chính phủ Việt Nam hoặc đại diện Chính phủ Việt Nam có mặt tại buổi lễ tiếp nhận ủng hộ. Tuy nhiên, do Việt không thể thực hiện điều kiện của Công ty C. đưa ra nên đã thống nhất chi 40% giá trị hợp đồng để Thủy can thiệp, tác động đến lãnh đạo các bộ, ngành. Sau đó, Nguyễn Thị Thanh Thủy lợi dụng mối quan hệ cá nhân trực tiếp liên hệ, can thiệp Nguyễn Thanh Long (khi đó là thứ trưởng thường trực Bộ Y tế) nên ông Long mới đồng ý có mặt tại buổi lễ trao kit xét nghiệm Công ty C.L ủng hộ Chính phủ Việt Nam. Sau buổi lễ, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo nhân viên chuyển hơn 8 tỷ đồng cho nhân viên công ty của bà Linh và bà Linh đã chia lại 2 tỷ đồng cho Nguyễn Thị Thanh Thủy.
NGUYỄN QUANG