Khi niềm tin bị biến thành “con tin”

Thứ tư, 07/02/2024 17:53
Trong các mối quan hệ và đời sống xã hội, niềm tin luôn là nền tảng để cùng hướng đến mục tiêu tốt đẹp. Thế nhưng, trong cuộc sống vẫn xảy ra chuyện “cây khế chết tươi, người chết đứng” chỉ vì niềm tin của người này bị thao túng, biến thành “con tin” trong tay kẻ khác. Trong khuôn khổ bài viết này xin được điểm lại vài chi tiết liên quan đến một số vụ án nổi cộm, như: Vụ “chuyến bay giải cứu”; Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á...

Trục lợi trên nỗi sợ tha nhân

Trở lại vụ án “Chuyến bay giải cứu”, từ ngày 11 đến ngày 28-7-2023, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm đối với 54 bị cáo liên quan đến vụ án: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đại án “này, có đến 21 bị cáo từng là cán bộ, cán bộ cấp cao phạm tội “Nhận hối lộ”; 5 cán bộ phạm các tội “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bộ sản phẩm kit xét nghiệm mang tên Việt Á, sự khởi đầu cho hành trình trục lợi trên sự thống khổ của người dân trong đại dịch COVID-19.
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Chuyến bay giải cứu”.

Theo bản án sơ thẩm, hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát hết sức phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân. Những công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài bị mất việc làm, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn nên mong muốn sớm được trở về quê hương. Theo đó, đã có gần 2.000 chuyến bay và đưa hơn 120.000 người về nước với mức chi phí rất đắt, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận chọn giải pháp an toàn là về nước. Song, họ đâu ngờ rằng bản thân đã bị lợi dụng để trục lợi bởi những người đảm nhiệm chức trách, ngay trong tình cảnh ngặt nghèo ấy.

Các bị cáo trong vụ án đã câu kết trục lợi chính sách đúng đắn, nhân đạo của Nhà nước, tạo ra “liên minh lợi ích” để kiếm tiền trong sự khó khăn cùng cực của người dân. Rất nhiều bị cáo trong vụ án từng là “công bộc của dân” được tin tưởng trao cho các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước, được “ăn lương” Nhà nước nhưng lại đã lợi dụng kẽ hở để trục lợi từ chính sách, để vụ lợi, tham nhũng, lừa đảo. Họ đã phản bội niềm tin của nhân dân. Vụ án xảy ra được coi là vết nhơ trong bức tranh đại cục khi toàn xã hội chung tay vượt qua nỗi khổ, niềm đau do đại dịch COVID- 19 gây ra.

Tòa nhà Times Square - nơi diễn ra các cuộc họp của lãnh đạo SCB và bà Trương Mỹ Lan mỗi khi cần “rút ruột” ngân hàng.

Vạn Thịnh Phát và những con số “khủng”

Với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị khác, Cơ quan CSĐT đã đề nghị truy tố 86 bị can về 6 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, riêng bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn bị đề nghị truy tố các tội danh “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Đưa hối lộ” và thêm vào đó là tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc phát hành trái phiếu.

Vụ án Vạn Thịnh Phát đã “phát lộ” những con số “khủng” nhất từ trước đến nay: thiết lập một hệ sinh thái với quy mô 1.000 công ty con để thực hiện các hành vi phạm pháp; số tiền bị “rút ruột” hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB (tương đương khoảng 10,7% GDP của Việt Nam năm 2022); kỷ lục về số tiền bị chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của SCB; kỷ lục về số nhà đầu tư bị lừa đảo là 42.000 trường hợp…

Trương Mỹ Lan đã dùng SCB làm “kênh huy động vốn” cho cá nhân mình và cùng các đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB - vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào. Ngoài ra, thông qua việc phát hành trái phiếu, Trương Mỹ Lan đã lừa đảo, chiếm hàng chục ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, từ năm 2018 đến 2020, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông qua các công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu. Từ đó, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.

Phan Quốc Việt bên bộ sản phẩm kit xét nghiệm Việt Á, sản phẩm do Cty Việt Á chiếm đoạt sở hữu bất hợp pháp.

Sự trần trụi của câu nói: “Tớ cảm ơn”

Trong 20 ngày diễn ra phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ án Cty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH&CN và các đơn vị liên quan, dư luận xã hội một lần nữa dấy lên sự phẫn nộ về sự tha hóa của một số cán bộ cấp cao cũng như ở địa phương. Quá trình phạm tội, hành vi của các bị cáo rất ranh ma, kín đáo nhằm trục lợi trên sự thống khổ của người dân. Điều đó đã làm xói mòn niềm tin của người dân đối với công cuộc phòng chống đại dịch COVID- 19 mà Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện.

Trong vụ án này, Phan Quốc Việt (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Việt Á) được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu thông đồng với một số cán bộ thuộc Bộ KH&CN, Bộ Y tế (trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long) để “chiếm đoạt” sản phẩm nghiên cứu kit xét nghiệm do Bộ KH-CN quản lý thành tài sản của Cty Việt Á. Chưa hết, với sự “giúp đỡ” của cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Bộ KHCN công bố Cty Việt Á được cấp phép và đủ năng lực sản xuất kit xét nghiệm.

Khi đã có đủ “bùa hộ mệnh”, Cty Việt Á tổ chức sản xuất kit xét nghiệm và nâng khống giá thành từ khoảng 143.500 đồng/kit lên 470.000 đồng/kit mà vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá. Từ đó, Cty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Cty Việt Á hưởng lợi bất chính hơn 1.200 tỷ đồng, là số tiền chênh lệch giá bán.

Để “trả ơn”, Phan Quốc Việt trích 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng để hối lộ cho các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc, Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) cùng nhiều người khác, tùy theo mức độ “giúp đỡ” cho Cty Việt Á. Trong đó, riêng ông Nguyễn Thanh Long được hối lộ 4 lần, tổng cộng 2,25 triệu USD.

Bộ sản phẩm kit xét nghiệm mang tên Việt Á, sự khởi đầu cho hành trình trục lợi trên sự thống khổ của người dân trong đại dịch COVID-19.

Qua diễn tiến phiên tòa cũng như cáo trạng được công bố, dư luận xã hội khó có thể cắt nghĩa rõ ràng về câu nói: “Nếu tình hình tốt…” của Việt lúc hối lộ 200.000 USD cho ông Chu Ngọc Anh. “Tụi em mới có được ít thanh toán, ghé cám ơn anh... Nếu tình hình tốt, em sẽ ghé thăm anh tiếp”, Việt nói cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khi đó đáp: “Tớ cám ơn Việt”. Những câu nói ngắn gọn ấy đủ cho thấy sự tham lam trơ trẽn của những cán bộ tha hóa, biến chất.

Để có cái nhìn khái quát về vụ Việt Á, xin mượn ý của một vị ĐBQH phát biểu tại nghị trường, rằng: Vụ án Việt Á không chỉ dừng lại ở việc gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn làm thất thoát, lãng phí cái quý giá, quan trọng hơn đó là niềm tin của nhân dân. Họ vô cảm trước nỗi mất mát của đồng bào mình, biến mình thành con thiêu thân lao vào đống lửa kim tiền. Nhưng trong chớp mắt, họ trở thành phạm nhân vì những đồng tiền lót tay đầy mưu hèn, kế bẩn của Việt Á.

QUANG PHÚC