Nữ văn sĩ Svetlana Alexievich - một Dostoesky không hư cấu

Thứ sáu, 25/12/2015 09:23

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-12, dưới sự tổ chức của Liên hiệp các Hội VHNT và Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, nhà văn Nguyên Ngọc đã có buổi nói chuyện với giới văn nghệ sĩ và những người yêu thích văn học ở Đà Nẵng về nhà văn Svetlana Alexievich (1948)- người vừa nhận giải Nobel Văn học 2015. Với lối nói chuyện hóm hỉnh, nhà văn Nguyên Ngọc đã cung cấp thêm một số thông tin khá thú vị về nữ văn sĩ 67 tuổi người Belarus này...

Nhà văn Nguyên Ngọc nói chuyện với văn nghệ sĩ Đà Nẵng và những người yêu văn học
về nhà văn Svetlana Alexievich- nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 2015. Ảnh: P.Thủy

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, việc Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao Giải Nobel Văn học năm 2015 cho nữ nhà văn Svetlana Alexievich là hoàn toàn xứng đáng. Đây cũng là lần đầu tiên, Giải Nobel Văn học được trao cho một nhà văn chuyên viết thể loại văn học không hư cấu (tạm dịch). Bà được xem là một trong số những nhà văn có giọng văn đặc biệt - đa giọng điệu, phức điệu. Với thể loại tiểu thuyết không hư cấu này, bà đã góp phần sáng tạo ra một thể loại văn học mới, phá vỡ ranh giới giữa các thể loại khác.

Trước khi trở thành nhà văn, Svetlana Alexievich là một nhà báo. Bằng những cuộc hành trình đi và viết ấy, bà sớm nhận thấy được cái “chật chội” của thể loại  báo chí. Theo đó, ngôn ngữ báo chí không thể mô tả được hiện thực rộng lớn cùng những vấn đề sâu sắc, rộng lớn của đời sống xã hội. Đấy chính là lý do bà tìm đến văn học. Trong các tác phẩm của bà, nhà văn Nguyên Ngọc đặc biệt nhấn mạnh đến 5 tác phẩm nổi tiếng, gây chấn động dư luận không chỉ trong nước Nga mà còn cả thế giới, đó là: “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”, “Những nhân chứng cuối cùng” (hay Chiến tranh dưới con mắt trẻ em), “Những quan tài thiết”, “Lời nguyện cầu”, “Kết thúc của con người đỏ” (còn dịch: “Thời đại Second-hand” hay “Thời giải mê”). Ngoại trừ tác phẩm “Lời nguyện cầu” nói về thảm họa hạt nhân Chernobyl, 4 tác phẩm còn lại đều nói về đề tài chiến tranh.

Nói về tác phẩm “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết: Tác phẩm này được bà viết xong năm 1982 nhưng phải đến năm 1985 mới được xuất bản, trong đó có một số đoạn đã bị kiểm duyệt từ phía nhà xuất bản, một số đoạn do chính bà tự kiểm duyệt. Tác phẩm này được nhà văn Nguyên Ngọc dịch năm 1987. Tuy nhiên, đến năm 1988, khi nữ văn sĩ này sang Việt Nam, gặp bà, ông mới biết mình chỉ mới dịch được 200/450 trang của bản gốc. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, tạo hóa đã ban cho người phụ nữ một thiên chức thiêng liêng, đó là thiên chức sinh sản, chức năng tạo nên một con người cho xã hội. Thế nên, góc nhìn của họ vị tha, nhân văn hơn. Cũng theo nhà văn Nguyên Ngọc, người đàn ông khi nhìn và kể về chiến tranh thường bằng lý trí, còn phụ nữ thì nhìn, kể về chiến tranh bằng sự rung cảm và xúc cảm. Cũng chính vì thế, sự thật về chiến tranh qua góc nhìn của phụ nữ thật hơn, con người hơn, đau thương hơn. Bằng cách viết đa giọng điệu của mình, “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” của Svetlana Alexievich đã phơi bày cho ta thấy một bộ mặt thật khác của chiến tranh... Trong 5 tác phẩm vừa nêu trên, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng tác phẩm “Kết thúc của con người đỏ” (hay “Thời đại Second-hand”, “Thời giải mê”) có thể được xem là tác phẩm quan trọng nhất của bà. Các tác phẩm của bà sở dĩ chấn động dư luận và vượt lên dư luận bởi nó đã “động” đến một vấn đề cơ bản, lâu dài và hết sức sâu sắc của nhân loại. Theo đó “cái ác không đến từ tổ chức xã hội mà nó đến từ bên trong mỗi một con người”. Vì vậy, “con người phải biết sợ chính mình”... Vì thế, ông cho rằng, việc người ta ví bà như là một Dostoesky không hư cấu quả không sai...

Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết, nhà văn Svetlana Alexievich rất chú ý quan sát đến lời nói sinh động của con người trong cuộc sống. Bà tự ví mình là người phụ nữ “lỗ tai”. Bà cho rằng, lời nói là một phần hết sức quan trọng trong đời sống con người. Cũng theo bà, văn học chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của lời nói sinh động của con người trong cuộc sống. Nhiều người trong giới chuyên môn đánh giá và cho rằng bà là người sáng tạo ra một loại “tiểu thuyết lời nói”. Điều này được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”. Tác phẩm này được lấy nguyên liệu từ những cuộc phỏng vấn của bà với hàng trăm phụ nữ từng tham gia trong chiến tranh Thế chiến thứ II.

Thông qua buổi trò chuyện, một thông điệp khác mà nhà văn Nguyên Ngọc gửi đến cho những người sáng tác đó chính là không ngừng sáng tạo, đột phá và khai phá...

P.Thủy