Nữ xạ thủ Đại đội Hồng Gấm trên mặt trận mới

Thứ ba, 13/03/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Sáng 22-2-1972, dưới chân dốc Ba Hầm, ranh giới giữa huyện Ba Tơ và H. Đức Phổ (Quảng Ngãi), Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm chính thức được thành lập. Đây là Đại đội nữ đầu tiên thành lập ở miền Nam trong các thời kỳ chống giặc ngoại xâm. 65  thiếu nữ mới mười chín đôi mươi đã nhất tề  xung phong gia nhập Đại đội nữ. Từ đó, cái tên Hồng Gấm đã trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù... 35 năm sau ngày giải phóng, Đại đội nữ Hồng Gấm đã vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý  Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mân (trú xã Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi) luôn tự hào là người của Đại đội Hồng Gấm ấy.

Nhắc đến những năm tháng chiến đấu ở Đại đội nữ Hồng Gấm anh hùng, chị Mân vào tủ lặng lẽ mang ra một xấp giấy khen gần 40 năm rồi mà vẫn mới tinh. Đó là giấy khen của cấp trên đối với nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mân đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Những tấm ảnh đen trắng chụp chân dung một thiếu nữ, khi vừa tròn 14 tuổi đã tham gia cầm súng vào chiến trường. Khẩu AK oằn một bên vai...

Chị Mân cùng đồng đội ở Đại đội Hồng Gấm ra thăm lăng Bác. 

Giải phóng, chị Mân tiếp tục lên Tây Nguyên, tham gia chiến trường K (Campuchia). Khi chuyển ngành và trở về địa phương, chồng động viên chị: "Cố gắng cống hiến cho xã hội. Công việc ở nhà anh gánh vác cho". Cũng là bộ đội, anh là người dễ dàng thông cảm với công việc của vợ. Được địa phương giao cho nhiệm vụ chuyên trách dân số, gia đình và trẻ em, Hội chữ thập đỏ... vậy là chị suốt ngày quần quật với công việc không tên tuổi. Nhưng chị nghĩ, so với những năm tháng sống và chiến đấu trong rừng núi, sự cực khổ bây giờ có xá chi. Hằng ngày, chị thường xuyên đến thăm 13 hũ gạo tình thương đặt tại các máy xay xát trong xã. Thấy chị nhiệt tình, không quản nắng mưa, những chủ lò gạo đã ủng hộ hết mình. Có nguồn gạo thường xuyên, chị tổ chức đến tận nhà trao cho các gia đình nghèo khó để góp phần vượt qua khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hợi, 83 tuổi, già yếu, nhưng lại phải gánh thêm một đứa con gái bị thần kinh. Vậy là chị trở thành người thường xuyên kêu gọi mọi người hỗ trợ cho gia đình bà Hợi vượt qua khó khăn. Vợ chồng ông Nguyễn Mạnh đã ở tuổi 80, hoàn cảnh quá nghèo khó. Không có người nuôi dưỡng, sống trong căn nhà cũ nát. Hũ gạo tình thương của chị đã góp phần giúp đỡ vợ chồng ông Mạnh qua những khó khăn, gian bếp thêm ấm vì hoàn cảnh ông bà đã có bàn tay chia sẻ.

Chị còn vận động gây quỹ giúp trẻ em nghèo vượt khó. Xã Phổ An là một địa phương nghèo. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, chị đã gây quỹ được hơn 36 triệu đồng. Một xã nghèo mà vận động được số tiền như chị đã là một kỳ công lớn.

 Chị Mân với những tấm ảnh thời bộ đội.

Cũng như nhiều đồng đội khác trong Đại đội Hồng Gấm, chị chuyển ngành rồi phải về hưu, nhận lương "một cục". Giờ đây, mỗi tháng chị chỉ nhận được phụ cấp 830.000 đồng từ chế độ thương binh. Vậy nhưng, chị vẫn miệt mài đi làm công việc xã hội và lấy đó làm lẽ sống và niềm vui.  Chị trở thành điển hình trong việc tổ chức mô hình chăm sóc trẻ em được triển khai tại địa phương. Đó chính là thời điểm chị phải chạy ngược chạy xuôi để đẩy con tàu dự án tăng tốc. Cứ mỗi xóm tổ chức một bếp ăn cho các cháu. Ngoài số lương thực dinh dưỡng cố định, các bà mẹ còn góp thêm thực phẩm vào nồi cháo tập thể. Kết thúc dự án, đại diện 31 tỉnh thành đã được Ban tổ chức dự án đưa đến tham quan và học tập mô hình chăm sóc sức khỏe  trẻ em dựa vào cộng đồng tại xã Phổ An...

Nhắc đến công việc, chị vội vàng bỏ dở cuộc trò chuyện, tất tả đạp xe đến các máy xay xát để kiểm tra hũ gạo tình thương, chuẩn bị cho đợt cấp gạo mới cho hộ nghèo, cố gắng vượt hơn 700 kg gạo đã vận động vào năm 2011. Đối với chị, làm điều này vì đơn giản: "Mình từng là người lính. Người lính thì từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ".

Lê Văn Chương