Nửa chặng đường năm thu hút đầu tư 2020: Dịch chuyển giữa “tâm bão”

Thứ năm, 18/06/2020 09:08

Dịch bệnh Covid-19 được ví như cơn bão quét qua làm suy giảm dòng chảy đầu tư toàn cầu. Tuy vậy, tại một số điểm đến an toàn như Việt Nam, dòng vốn đầu tư vẫn mang đến tín hiệu lạc quan. Nhìn lại nửa chặng đường thực hiện chủ đề Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2020 của Đà Nẵng vẫn có những điểm sáng, làm tiền đề quan trọng.

Đà Nẵng sẽ nhắm đến thu hút những nhà đầu tư lớn, sản xuất công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, Đà Nẵng không tổ chức được Tọa đàm mùa Xuân (diễn đàn đầu tư qui mô lớn) như dự định vào đầu tháng 3. Tuy vậy, các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư đã chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Tình hình thu hút các dự án cũng như tổng số vốn đầu tư vào TP vẫn có những điểm tích cực. Cụ thể, qua 6 tháng, TP đã thu hút hơn 13,2 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, hơn 80,2 triệu USD vốn FDI. Trong đó, vốn đầu tư các dự án ngoài KCN đã tăng kỷ lục, chỉ với 4 dự án đã có tổng vốn hơn 10,8 ngàn tỷ đồng, tăng gần 600%. Như vậy TP hiện có 337 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 115 ngàn tỷ đồng, 855 dự án FDI với tổng vốn hơn 3,4 tỷ USD.

Sở dĩ thu hút đầu tư vào Đà Nẵng nửa năm qua vẫn đạt kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh, trước hết do Đà Nẵng thực hiện tốt việc giải ngân đầu tư công, triển khai thực hiện nhiều dự án hạ tầng động lực. Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, đầu tư công cho hạ tầng mang tính dẫn dắt, làm động lực để thu hút đầu tư tư nhân. Trong bối cảnh dịch bệnh, đầu tư công được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Đà Nẵng để vừa góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế. Do đó, với hơn 12,4 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công được phê duyệt cho năm 2020, Đà Nẵng đã ban hành hàng loạt chính sách để gỡ vướng về mặt bằng, thủ tục. Nhờ vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của TP có chuyển biến rõ rệt, qua 6 tháng đã giải ngân hơn 4,4 ngàn tỷ đồng (36% kế hoạch). Một loạt dự án mang tính động lực đã được triển khai như đường và cầu qua sông Cổ Cò, đường vành đai phía Tây 2, dự án cải thiện môi trường nước phía Đông Q. Sơn Trà, nhà máy nước Hòa Liên, dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng...

Khu CNC với hạ tầng hoàn thiện sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư.

Bên cạnh các công trình đầu tư công trọng điểm, Đà Nẵng cũng nỗ lực tháo gỡ vướng mắc thủ tục cho các dự án lớn, chậm triển khai nhiều năm. Đây là các dự án đầu tư tư nhân qui mô, khi được tháo gỡ nút thắt thủ tục sẽ khởi động, hấp thụ nguồn vốn đầu tư rất lớn. Cụ thể, TP đã hoàn thành cấp chứng nhận đầu tư cho Dự án sản xuất cao su tổng hợp chuyên dụng phục vụ cho ngành chế tạo máy, điện, điện tử, Dự án Tư vấn quản lý Table Produce Asia, Công ty TNHH Ubisoft Việt Nam, Trường mầm non Kansei Đà Nẵng. Hiện TP đang xúc tiến các dự án như Trường liên cấp song ngữ, Trung tâm chẩn đoán và điều trị đa khoa quốc tế, Bệnh viện quốc tế ung thư và hiếm muộn, Khu phức hợp Getaway (2 tỷ USD), Dự án trung tâm mua sắm miễn thuế dưới phố (Downtown Duty Free)... Đặc biệt, Đà Nẵng đang tích cực xử lý các vướng mắc về thủ tục giao đất, cho thuê đất liên quan đến dự án KDL sinh thái Nam Ô; vướng mắc liên quan đến tiến độ thực hiện dự án/Giãn tiến độ thực hiện dự án Khu đô thị FPT; Dự án Sân gôn Vinacapital Đà Nẵng, Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân; hỗ trợ DN đẩy nhanh tiến độ dự án khách sạn Wink Trần Hưng Đạo, Khu phức hợp dịch vụ thương mại cao tầng An Hòa, Khu chung cư cao tầng, văn phòng thương mại và nhà ở Tuyên Sơn...

Phần lớn các dự án lớn đầu tư vào Đà Nẵng trong lĩnh vực dịch vụ du lịch - giải trí, do vậy việc chuẩn bị sẵn quỹ đất đầy đủ pháp lý ngoài KCN để kêu gọi đầu tư hết sức quan trọng. TP đã rà soát các lô đất lớn, hợp thửa quỹ đất tái định cư còn dư thành lô đất lớn và công khai trên cổng thông tin đất đai TP. Cụ thể, Trung tâm Phát triển quỹ đất  TP đang quản lý 270 khu đất với tổng diện tích hơn 1,8 triệu m2; đã thực hiện công khai trên Cổng thông tin đất đai TP với 252 khu đất lớn đã có mặt bằng dành cho thu hút đầu tư, tổng diện tích hơn 1,5 triệu m2. Với mặt bằng đầu tư trong các KCN, TP đã rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, cho thuê đất không đúng qui định. Theo đó, 16 DN sử dụng đất không hiệu quả, BQL đã xử lý 12 DN với diện tích hơn 40 ha giao cho nhà đầu tư khác có nhu cầu. TP cũng đẩy nhanh tiến độ các KCN đang xây dựng cũng như chuẩn bị thủ tục triển khai thêm một số KCN mới phục vụ mặt bằng cho nhà đầu tư. Ông Phạm Trường Sơn- Trưởng BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, song song với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thời gian qua BQL đã chuẩn bị tốt về hạ tầng, đã hoàn thành giai đoạn 1 và 2 dự án Khu CNC, hoàn thành các thủ tục để tổ chức sơ tuyển quốc tế lựa chọn nhà đầu tư 3 dự án KCN mới với tổng giá trị gần 14.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Khu phụ trợ của Khu CNC cũng được chuyển đổi thành KCN phụ trợ. Khi các dự án này hoàn thành, Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 10 KCN với tổng diện tích khoảng 2.202 ha, tạo điều kiện có được quỹ đất công nghiệp để kêu gọi, thu hút đầu tư.

Theo ông Trần Phước Sơn, trong nửa chặng đường còn lại của năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2020, Đà Nẵng sẽ tập trung tổ chức tốt Diễn đàn đầu tư vào tháng 9 tới. TP cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, duy trì kết nối với các tổ chức quốc tế như JETRO, KOTRA, AMCHAM, AUSCHAM, SBF, IE Singapore, AHK... nhằm kết nối DN, hợp tác về xúc tiến đầu tư. Định hướng thu hút đầu tư của Đà Nẵng thời gian tới sẽ hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Để chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển đầu tư mới sau đại dịch, Đà Nẵng cũng sẽ tập trung chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, mặt bằng kinh doanh, cải cách thủ tục theo hướng tinh gọn, minh bạch dựa vào ứng dụng CNTT.

HẢI QUỲNH