Nửa đời người gửi hồn vào trúc
(Cadn.com.vn) - Lần đầu tiên gặp ông, tôi đã bị cuốn hút bởi cách trò chuyện đậm chất nghệ sĩ. Đó là Hồ Bằng-nghệ sĩ thổi sáo, nghệ nhân làm sáo và là thầy dạy sáo cho nhiều thế hệ trẻ yêu môn nghệ thuật này ở Đà Nẵng.
Nghệ nhân Hồ Bằng (1953) sinh tại TT-Huế, năm 1957, ông theo gia đình vào Đà Nẵng. Lúc mới 8 tuổi, trong nhà ông có treo 1 cây sáo, khi gió biển thổi vào phát ra những tiếng nhạc nghe rất vui tai. Từ cảm nhận thơ ngây của trẻ thơ đã đưa ông đến với nghiệp làm sáo. Năm 1971, ông tham gia kháng chiến tại Đà Nẵng, công tác trong ngành quân y. Những lúc rảnh rỗi, ông đem sáo ra tập và thổi cho đồng đội nghe. Năm 1975, ông quyết tâm đi theo con đường nghệ thuật sáo trúc. Ông tự tìm tòi học, từ gam, nốt nhạc đến vật liệu và cách thức làm sáo. Nghệ nhân Hồ Bằng không đi theo con đường học sáo theo trường lớp chuyên nghiệp, những kiến thức ông có được là tự ông tìm đọc sách vở. Tuy nhiên, như ông nói, để có thành công như hôm nay, ông nhận được sự chỉ bảo rất lớn của thầy Lê Thái Sơn (Hà Nội)- cha đẻ của cây đàn Prông cách tân nổi tiếng.
Sáo bầu được nghệ nhân Hồ Bằng thể hiện rất thành công tại các sân khấu nhạc trong và ngoài nước. |
Nghề sáo đối với ông là một chặng đường đầy gian nan và vất vả. Khó khăn từ việc tìm kiếm vật liệu, thời gian nghiên cứu cho đến công sức để tạo 1 cây sáo hoàn thiện. Ông mang bệnh hen suyễn cũng vì thường xuyên tiếp xúc với bụi khi làm sáo. Nghề làm sáo không đem lại kinh tế bao nhiêu, nhưng, bằng ngọn lửa đam mê, nghệ nhân Hồ Bằng đã vượt qua tất cả để giữ và thành công với nghề. Ông tâm sự: “Tôi đến với nghề khó khăn lắm, không chỉ là việc học hỏi nghệ thuật về sáo mà còn là áp lực từ gia đình. Nhưng tôi may mắn vì có một hậu phương vững chắc là vợ, người thay tôi lo kinh tế gia đình để tôi tiếp tục nuôi đam mê với nghiệp sáo”.
Đến thăm nghệ nhân Hồ Bằng ở đường Nguyễn Tất Thành (P.Thanh Bình, Q. Hải Châu) chúng tôi vô cùng ấn tượng khi chứng kiến căn nhà chứa đầy trúc, 1 gian hàng trưng bày sáo lưu niệm và là mái ấm của một nghệ sĩ đam mê sáo, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng sáo ấm lòng khách đến thăm. Vật liệu làm sáo ông sử dụng được mua từ trúc ở làng Gia Bình (Hà Nội). Điều đặc biệt tiếng sáo được làm từ trúc Gia Bình nghe thanh và "chất" hơn nhiều. Gần 40 năm theo nghề, hàng ngàn sản phẩm sáo trúc được ông tạo ra được bán khắp các tỉnh thành cả nước. Ngoài làm sáo trúc, nghệ nhân Hồ Bằng còn làm các loại như sáo bầu, sáo H'Mông, sáo gỗ... Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, vợ nghệ nhân Hồ Bằng bảo: “Ngày nào ổng cũng suy nghĩ về sáo hết. Cả ngày, có khi đêm đục đục, gõ gõ rồi thổi. Thấy ổng đam mê với sáo quá, tôi cũng cố gắng lo kinh tế nuôi con ăn học chứ nghề sáo thì làm gì ra tiền. Thấy ổng vui thì tôi cũng vui”.
Nghệ nhân Hồ Bằng đang dạy cho 1 hội viên tại lớp học. |
Với sự đam mê với sáo, từng ngày từng giờ nghệ nhân Hồ Bằng vẫn cần mẫn thổi hồn vào những thanh trúc vô tri vô giác. Đó là âm nhạc, là thú vui và sự nghiệp mà ông đeo đuổi cả cuộc đời. Từ cuối năm 2011 ông mở lớp dạy sáo tại nhà hoàn toàn miễn phí cho những người trẻ đam mê thổi sáo. Nghệ nhân Hồ Bằng bộc bạch: “Ý định của tôi khi mở lớp dạy sáo này là để thu hút các em thanh thiếu niên có tình yêu đối với văn hóa dân tộc. Tôi muốn truyền ngọn lửa đam mê của mình cho các em, giúp các em yêu môn nghệ thuật này, dần xa lánh các trò chơi điện tử vô bổ tốn thời gian và tiền bạc. Đó là tâm huyết, là trăn trở mà tôi đã, đang và sẽ làm đến cuối cuộc đời này”.
Lớp học của ông ngày càng đông, thu hút đủ mọi lứa tuổi. Anh Đỗ Mạnh Đạt (SV Trường Đại học Sư phạm-ĐHĐN) nói về người thầy của mình với tình cảm đầy trân trọng: “Thầy Bằng là người nhiệt huyết, học ở thầy không chỉ học tiếng sáo mà còn học cách làm người. Đó là người sống với sự đam mê và sẻ chia sự đam mê đó cho thế hệ trẻ. Thầy đã giúp chúng tôi cảm nhận được nét tinh hoa của nghệ thuật dân tộc”.
Tuấn Zũ