Nước mắt rơi theo “vàng trắng”

Thứ năm, 17/10/2013 11:26

(Cadn.com.vn) - Sau nhiều lần dừng xe vì tắc đường trên tuyến ĐT14, trưa 15-10, chúng tôi cũng đã có mặt tại địa bàn huyện miền núi Nam Đông - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do cơn bão số 11 gây ra trên địa bàn TT-Huế. Hàng trăm hộ dân ở huyện vùng cao này ngồi nhìn cao su gãy đổ ngổn ngang, tiêu điều mà rớt nước mắt khi lâm cảnh nợ chồng nợ.

Xe vừa đến đầu huyện, hàng ngàn cây cao su xanh mướt hai bên đường ngày nào đã không còn, thay vào đó là cảnh gãy đổ ngổn ngang, nằm rạp lên nhau. Ông Nguyễn Hi - một người dân tộc Cơ Tu nhìn vườn cao su tiêu điều, nghèn nghẹn: “Mới hôm qua (14-10), vườn cao su còn xanh mướt, người dân vẫn vui cười cạo mủ, rứa mà chỉ qua 1 đêm đã mất trắng”.

Theo giới thiệu của cán bộ huyện, chúng tôi tìm về Hương Hòa, xã trồng nhiều cao su nhất của Nam Đông. Trên đường đi, Thượng tá Nguyễn Khánh Hà - Trưởng CAH Nam Đông cho biết thêm, cũng nhờ cao su mà nhiều năm qua bà con Nam Đông đã thoát nghèo, cuộc sống khấm khá và có nhiều hộ đã đổi đời từ vàng trắng này. Vậy mà cơn bão số 11 lại cướp đi của bà con hàng trăm héc-ta cao su...

Bà Nguyễn Thị Thu (trú thôn 10, xã Hương Hòa) có hơn 3ha cao su bị gãy do bão, rơm rớm nước mắt: “Vườn cao su này gia đình tui trồng được 8 năm, chỉ mới thu hoạch hơn 1 năm nay. Trung bình mỗi ngày cạo mủ từ 3ha này cũng được 1,5 triệu đồng”.

Gia đình bà Thu trước đây ở Huế, sau giải phóng thì đi kinh tế mới lên Nam Đông. Trước đây, cuộc sống của gia đình bà rất khó khăn nên khi được cán bộ xã, huyện vận động trồng cao su, bà đã vay ngân hàng (NH) 40 triệu đồng để đầu tư. “Số tiền vay NH và tiền công chăm sóc mấy năm nay chưa thu lại được bao nhiêu thì giờ vườn cao su đã tiêu điều” - bà Thu xót xa.

Không chỉ gia đình bà Thu, hàng chục hộ dân ở xã Hương Hòa cũng rơi vào cảnh tương tự. Ông Dương Đình Nhót có 2ha cao su thì 2/3 bị bão đánh tả tơi. “Tối qua, nghe gió rít mạnh, tui mở cửa soi đèn pin thì thấy vườn cao su vẫn bình thường nên yên tâm. Sáng 15-10, nghe bà con khóc lóc, kêu nhau ơi ới, tui chạy lên thì không dám tin vào mắt mình nữa” - ông Nhót mắt ngấn lệ. Ông Nhót cho biết, hiện gia đình ông còn nợ NH 30 triệu đồng. Tui dự tính, từ đây đến cuối năm 2014, sau khi thu hoạch cao su sẽ trả bớt một nửa tiền nợ cho NH nhưng không ngờ giờ lại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Bà Nguyễn Thị Thu bên vườn cao su bị bão quật gãy.

Cùng với xã Hương Hòa, nhiều vườn cao su tiểu điền, đại điền ở các xã Thượng Long, Hương Phú, Hương Sơn cũng gãy đổ trắng rẫy. Bà Hồ Thị Lim (56 tuổi, trú xã Thượng Long) cho biết: do các con không có công ăn việc làm ổn định nên cách đây 3 năm, bà vay NH 45 triệu đồng để mua giống, đầu tư trồng cao su. Nhưng giờ cơn bão số 11 quật toàn bộ số cao su 3 năm tuổi này gãy nát. “Cả nhà tui như ngồi trên lửa, tiền nợ cũ NH chưa có trả, giờ tính đi vay để trồng cây mới thì nợ càng chồng nợ mà chưa chắc đã được vay”- bà Lim buồn rầu.

Ông Ngô Văn Chiến - Chủ tịch UBND H. Nam Đông cho biết, theo thống kê sơ bộ ban đầu, toàn huyện có hàng triệu cây cao su bị gãy đổ với diện tích thiệt hại ban đầu khoảng 170ha, trị giá hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện này, hiện một số xã ở cách xa trung tâm vẫn chưa có báo cáo chính xác. Và như thế, có khả năng diện tích cây cao su ở địa phương này sẽ thiệt hại hơn con số 170ha.

Ông Hồ Đăng Văng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế sau khi kiểm tra tình hình cao su gãy đổ ở Nam Đông, đã động viên người dân và chính quyền địa phương vượt qua khó khăn, sớm dọn dẹp, thu gom số cây gãy đổ. Đồng thời, các xã phải có báo cáo cụ thể, chính xác số diện tích bị thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh xem xét phương án hỗ trợ phần nào nhằm giúp người dân khôi phục lại số cao su bị thiệt hại.

Bên cạnh khoảng 170ha cao su bị gãy đổ, trên địa bàn Nam Đông có khoảng 40ha cây keo 7-8 năm tuổi cũng bị gãy. Ngoài ra, hàng trăm vườn cây ăn trái như cam, chuối, đu đủ... cây trồng chủ lực của bà con vùng cao cũng bị bão tàn phá nặng nề, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Hải Lan