Nước mắt sau lũ

Thứ năm, 16/11/2017 09:45

Ở TT-Huế, có làng chuyên canh hoa Tết, có làng, cây hành lá là cây kinh tế chủ lực... Thế nhưng cơn bão số 12 vừa qua khiến hàng ngàn hộ nông dân trồng hoa màu ở Huế rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất khi hàng trăm héc-ta hoa màu tiêu điều theo bão lũ.

Ông Chương ngậm ngùi nhổ bỏ từng cây hoa cúc bị thối rễ.

Về làng hoa ở xã Phú Dương, Phú Mậu (H. Phú Vang, TT-Huế) sau khi nước lũ rút, chúng tôi chứng kiến cả đồng hoa bạt ngàn gãy đổ hoang tàn, xác xơ. Trên cánh đồng, nhiều nông dân nét mặt khắc khoải lo âu đang thu gom số hoa bị hư hại đem vứt bỏ. Ông Trần Minh Chương ở xã Phú Dương xót xa: "Nhà tui trồng hơn 10.000 cây hoa cúc. Cả nhà 6 miệng ăn quanh năm sống nhờ vào vườn hoa này và dịp Tết thì rất được giá nên đều trông chờ vào vụ này. Không ngờ đợt lũ này quá nặng, hàng ngàn chậu hoa chăm bẵm lâu nay để bán Tết ngập trong lũ, hư hại hết rồi. Chừ không biết lấy tiền mô ra mà trả nợ nữa...". Gần khu trồng hoa của ông Chương là vựa hoa của ông Đặng Văn Minh ở làng Dương Nổ có khoảng 15.000 cây hoa cúc, đồng tiền hư hại hoàn toàn do bị ngập úng dài ngày...

Là vùng thấp trũng, nằm ven sông Hương, xã Phú Mậu (H.Phú Vang) trong đợt lũ vừa qua, đều bị ngập sâu từ 0,7- 1,2m. Đây là địa phương chuyên trồng hoa chất lượng không chỉ phục vụ cho thị trường Huế mà còn cung cấp cho các tỉnh, thành phố lân cận vào các ngày rằm, 30 âm lịch hàng tháng và nhất là dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên cơn lũ vừa rồi, hàng triệu cây hoa cúc, các loại hoa chất lượng cao bị hư hại khiến người trồng hoa trắng tay. Gia đình chị Nguyễn Thị Bé (43 tuổi) ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu là một trong những hộ bị thiệt hại nhiều nhất. "Hơn 3 sào hoa với khoảng 30.000 gốc hoa cúc được vợ chồng tui chăm bẵm hơn cả tháng trời để bán vào dịp trước Tết. Rứa mà, bão lũ đã lấy đi toàn bộ khiến chúng tôi không kịp trở tay. Đợt này mất trắng hơn 50 triệu đồng rồi"- chị Bé tiếc nuối. Ông Nguyễn Văn Giáo, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mậu cho biết, hoa màu của hơn 114 hộ dân của xã ngập lâu trong nước lũ nên đã bị hư hại hoàn toàn, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng...

Xác xơ làng trồng hành

P.Hương An, TX Hương Trà là vùng trồng hành lá lớn nhất trên địa bàn tỉnh TT-Huế với 600 hộ tham gia trồng khoảng diện tích hơn 60 ha, mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, P. Hương An xuất ra thị trường khoảng 15 tấn hành đi các chợ đầu mối trên địa bàn TT-Huế và các địa phương lân cận như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Theo chính quyền địa phương, nhiều năm qua, cây hành lá đã giúp người dân Hương An xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, sau đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 12 vừa qua, hành lá đang vào thời kỳ thu hoạch bị ngập úng, hư hại hoàn toàn khiến người dân trắng tay. Bà Nguyễn Thị Hòa (52 tuổi, trú P. Hương An) buồn bã cho hay: "Gia đình tôi trồng hơn 3 sào hành lá, khi hành chuẩn bị thu hoạch thì bão ập đến, nước lũ dâng nhanh đã làm toàn bộ ngập úng. Ước tính thiệt hại hơn 30 triệu đồng, chưa kể tiền công chăm sóc mấy tháng nay". Theo bà Hòa, người dân ở vùng này chủ yếu trồng hành lá để sinh sống, giờ thì mất hết rồi, toàn bộ số nợ vay ngân hàng để đầu tư sản xuất không biết đến bao giờ mới có thể trả đây...

Bà Hà Thị Lý (48 tuổi) gạt nước mắt, kể: "Cách đây chục ngày, cả cánh đồng hành bạt ngàn vẫn còn xanh mơn mởn. Rứa mà chỉ trong một đêm, hàng chục héc-ta hành ở vùng này đều bị nhấn chìm trong nước lũ". Bà Lý cho biết, để trồng được 4 sào hành lá, bà có vay mượn ngân hàng 20 triệu đồng để mua thêm giống, phân bón. "Dự định, đầu tháng 12 bán xong sẽ trả nợ, tiền dư ra lo cho các con ăn học, sắm sửa tết nhất. Ngờ đâu mất trắng như ri. Cả nhà chắc cũng không còn Tết nữa rồi". "Khoảng 50 ha rau màu trong vụ đông của nông dân trên địa bàn phường bị hư hại toàn bộ trong đợt lũ vừa qua. Riêng hành lá, cây chủ lực kinh tế của địa phương là 39 ha. Ước tính tổng giá trị thiệt hại của hàng trăm hộ dân trồng hành lá là khoảng 5 đến 6 tỷ đồng"-ông  Nguyễn Xuân Chớ, Phó Chủ tịch P. Hương An cho biết.

H.LAN