Nước Mỹ trước giờ G

Thứ ba, 03/11/2020 13:34

Nước Mỹ đang ở thời khắc quyết định khi cuộc đua vào Nhà Trắng bước vào hồi kết và nhận được sự quan tâm lớn nhất của cử tri trong nước và cả những người bên ngoài nước Mỹ. Cử tri Mỹ hôm nay (3-11) sẽ đi bầu trực tiếp để quyết định “chọn mặt gửi vàng” nhân vật vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu chính phủ để chèo lái “con thuyền nước Mỹ” trong 4 năm tiếp theo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh trái) và đối thủ Joe Biden (ảnh phải) trong các cuộc vận động tranh cử nước rút trước thời khắc quyết định.   Ảnh: AP

Ngay sau chiếc mặt nạ, Patra Okelo mắt rưng rưng khi nhớ lại khoảnh khắc sự thật về nước Mỹ hé lộ và sự ngây thơ của cô bị thiêu rụi.

Vào một khoảnh khắc ngày 11-8- 2017, cô nghĩ rằng những ngọn đuốc sáng rực sáng phía xa tại Đại học Virginia là “thứ đẹp nhất mà tôi từng thấy, thắp sáng bóng tối”. Sau đó, trên truyền hình, cô có thể nhìn thấy những ngọn lửa rõ ràng hơn. Hàng trăm người theo chủ nghĩa tối cao da trắng mang theo những ngọn đuốc đó, làm bùng lên 24 giờ giận dữ và chết chóc, biến Charlottesville thành một trận chiến dai dẳng của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. “Trái tim tôi tan vỡ vào đêm đó”, Okelo, hiện 29 tuổi, nói với AP trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden mở những chiến dịch tranh cử rầm rộ khắp cả nước trong chặng đua nước rút gay gắt khi đất nước vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc.

Cử tri và quyền tự quyết

Cử tri lần này sẽ phải lựa chọn giữa hai đường lối chính sách khác biệt, giữa một bên là đương kim Tổng thống của đảng Cộng hòa theo đường lối bảo thủ và một bên là ứng viên của đảng Dân chủ theo đường lối tự do. Điều này không chỉ phản chiếu sự khác biệt ý thức hệ lâu đời của hai đảng, mà còn cho thấy tìm được sự đồng thuận đang trở thành một điều xa xỉ ở nước Mỹ ngày nay. Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Biden được ví như hai thái cực trái ngược với những cách tiếp cận khác biệt trong việc giải quyết các vấn đề quốc gia và thế giới.

Có thể nói, nước Mỹ đang ở ngay trước thời khắc quyết định. Ở phía Đông thành phố Youngstown, bang Ohio, nhiều cử tri vội vã hoàn tất việc bỏ phiếu qua bưu điện. Bà Gloria Phifer là một trong số đó. “Đây là một cuộc bầu cử quan trọng và tôi chỉ muốn đảm bảo rằng không có trục trặc nào xảy ra”, cử tri 68 tuổi này nói khi đến điểm bỏ phiếu. Cũng như bà Phifer, hơn 90 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm trong năm nay. Con số này tương đương 58% tổng số phiếu bầu của cuộc bầu cử năm 2016, cũng là mức cao kỷ lục trong hơn 100 năm qua. Trong khi đó, với tổng chi tiêu cho các chiến dịch vận động tranh cử đạt gần 14 tỷ USD, 2020 được xem là cuộc đua “tốn kém nhất trong lịch sử”. Những con số này càng phản ánh tính chất cam go của cuộc đua định hình sắc màu chủ đạo của nền chính trị Mỹ trong những năm tới.

Bầu cử tổng thống theo truyền thống là những khoảnh khắc khi người Mỹ có cái nhìn rõ nét về những vấn đề xã hội đang tồn tại. Nhưng vào giai đoạn nước rút cuối cùng của cuộc đua năm 2020, thế giới từ lâu đã chú ý vào những góc tối nhất của nước Mỹ và nhìn thấy một hình ảnh bị vùi dập và đầy ám ảnh. Chức vụ tổng thống và quyền kiểm soát của Thượng viện đang ở thế cân bằng, nhưng đối với nhiều người, có điều gì đó còn cấp bách hơn. Danh sách các mối đe dọa vẫn còn dài: đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn 230.000 người ở Mỹ và tỷ lệ nhiễm bệnh đang gia tăng ở hầu hết các bang; nền kinh tế và đời sống các gia đình đang bấp bênh; di sản của chế độ nô lệ đã xé toạc xã hội một lần nữa trong năm nay sau khi cảnh sát ghì cổ giết chết người dân da màu George Floyd ở Minneapolis đã làm dấy lên các cuộc biểu tình đẫm máu trên khắp nước Mỹ.

“Duy trì nước Mỹ vĩ đại”

Năm 2016, ông Trump đã giành chiến thắng với cương lĩnh tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Năm nay, với thông điệp “Duy trì nước Mỹ vĩ đại”, ông chủ Nhà Trắng cam kết sẽ tập trung vào việc làm, thuế và kinh tế nếu tái đắc cử.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái và hàng chục triệu người mất việc, việc Tổng thống Trump nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là khôi phục nền kinh tế đầu tàu thế giới thật sự thu hút sự quan tâm của cử tri. Ông cam kết tạo ra 10 triệu việc làm mới trong 10 tháng và 1 triệu doanh nghiệp nhỏ mới. Ông cũng hứa sẽ tiếp tục hành động dựa trên thành quả từ việc cắt giảm thuế trong nhiệm kỳ đầu, trong đó có việc tiếp tục giảm thuế và cấp tín dụng để thuyết phục các Cty sử dụng lao động Mỹ thay vì tuyển dụng ở nước ngoài và đặc biệt cam kết bảo vệ việc làm của người Mỹ”.

Về chăm sóc y tế, Tổng thống Trump tiếp tục hạ thấp tác động của dịch Covid-19 và đặt nhiều kỳ vọng vào việc tìm ra một loại vaccine hiệu quả vào cuối năm nay, với cam kết “trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021”. Ông cũng duy trì lập trường xóa bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng (ACA) còn gọi là Obamacare, và thay thế đạo luật này bằng một chương trình tốt hơn. Về đối ngoại, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã xây dựng chính sách đối ngoại với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”. Trong chiến dịch tái tranh cử này, ông đang thể hiện như một nhà trung gian khi thúc đẩy các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel. Ông cũng đề cập tới những thành quả lớn như đã thuyết phục thêm các nước thành viên NATO thực hiện cam kết dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng, giảm sự hiện diện quân sự ở Afghanistan và các điểm nóng khác...

Ông Trump sẽ sớm tuyên bố chiến thắng?

Trước thềm bầu cử, tờ Axios cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch sẽ sớm tuyên bố giành chiến thắng trong ngày bầu cử 3-11 nếu có dấu hiệu ông vượt mặt đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden tại các bang chiến địa.

Axios dẫn lời 3 nguồn tin tiết lộ ông Trump trao đổi với các cố vấn rằng, ông dự định tuyên bố giành chiến thắng “ngay cả khi một số lượng lớn phiếu đại cử tri chưa được kiểm đếm ở các bang chiến địa như Pennsylvania”. Theo các chuyên gia, để làm vậy, Tổng thống Trump có thể tung ra dự đoán ông sẽ chiến thắng hoặc dẫn đầu ở các bang chiến địa gồm Ohio, Florida, Bắc Carolina, Texas, Iowa, Arizona và Georgia. Phản ứng trước thông tin trên, ông Biden cho biết: “Câu trả lời của tôi là tổng thống sẽ không thể đánh cắp cuộc bầu cử này” và nhấn mạnh thêm: “Trong 2 ngày tới, chúng ta có thể chấm dứt một nhiệm kỳ tổng thống gây chia rẽ đất nước...”.

Trên thực tế, các bang thường mất nhiều thời gian để hoàn tất kiểm phiếu và chứng nhận kết quả trong cuộc bầu cử Mỹ. Năm nay, số lượng phiếu gửi qua thư tăng vọt khi các quan chức bầu cử và chiến dịch kêu gọi người dân bỏ phiếu sớm và tránh các điểm bỏ phiếu trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Vì vậy, việc kiểm đến cũng sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, sau đó, báo The Hill đưa tin, Tổng thống Trump bác tin ông sẽ tuyên bố chiến thắng sớm, nhấn mạnh, thông tin này là sai. Nhưng ông ra tín hiệu rằng đảng Cộng hòa sẽ đặt ra những thách thức pháp lý để ngăn chặn việc kiểm phiếu sau ngày bầu cử. “Tôi nghĩ thật khủng khiếp khi các lá phiếu có thể được thu thập sau cuộc bầu cử. Tôi nghĩ đó là điều khủng khiếp khi người dân hoặc các tiểu bang được phép lập bảng biểu bỏ phiếu trong một thời gian dài sau khi cuộc bầu cử kết thúc vì nó chỉ có thể dẫn đến một điều”, ông Trump nói với báo giới ở Charlotte, Bắc Caronlina.

Nền dân chủ Mỹ được thực thi thông qua một cơ chế ở cấp quốc gia: cử tri đoàn. Thay vì bỏ phiếu trực tiếp cho ứng viên tổng thống, cử tri Mỹ thực sự bỏ phiếu cho 538 đại cử tri, và sau đó những người này sẽ bầu tổng thống. Để giành chiến thắng, một ứng viên tổng thống phải giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri. Số phiếu đại cử tri cấp cho mỗi bang được tính dựa trên số lượng nghị sĩ (hay dân biểu) mà bang đó có được tại Hạ viện (con số này dựa trên quy mô dân số) cộng với số thượng nghị sĩ (2 thượng nghị sĩ cho mỗi bang, bất kể quy mô dân số).

Năm nay, cử tri Mỹ sẽ bầu tổng thống và phó tổng thống, 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại Thượng viện, 11 vị trí thống đốc bang cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc.

KHẢ ANH

Tòa án yêu cầu bưu điện Mỹ giao nhận “tất cả phiếu bầu có thể” đúng thời hạn 

Một thẩm phán Mỹ đã ký án lệnh yêu cầu Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS) phải nhắc nhở các quản lý cấp cao tuân thủ chính sách “biện pháp đặc biệt” và dùng mạng lưới chuyển phát nhanh để thu thập phiếu bầu trước hạn định vào ngày 3-11.

Theo Reuters, thẩm phán Tòa án quận tại bang Washington, ông Emmet Sullivan, ký lệnh trên hôm 1-11 và được USPS đồng thuận. Ông Sullivan cho biết USPS phải bảo đảm các thủ tục đặc biệt để chắc chắn giao nhận tất cả phiếu bầu có thể theo đúng thời hạn quy định. Ngoài ra, USPS cũng sẽ nhắc nhở các quản lý rằng, tất cả phiếu bầu tại một địa phương phải được xác định rõ và chuyển đến các văn phòng địa phương trong cùng ngày hoặc không trễ hơn sáng hôm sau, từ nay cho đến ít nhất là ngày 7-11. 

T.N