Nước xa khó cứu lửa gần

Thứ sáu, 04/04/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - 3 tháng đầu năm 2008, Đà Nẵng xảy ra hơn 20 vụ cháy lớn nhỏ, hầu hết xảy ra ở các khu dân cư (KDC) và khu công nghiệp (KCN). Tuy chưa có vụ nào gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhưng quá trình ứng cứu đã gặp rất nhiều khó khăn. Và tình hình này càng trở nên nóng bỏng, cấp bách hơn khi mùa hè đang đến...

1.001 nguy cơ cháy nổ

Theo thống kê của Phòng CSPCCC CATP Đà Nẵng, trong tổng số các vụ cháy thì có đến 39% là do sơ suất điện, 22% là sơ suất lưới trần, 11% do thiết bị không đảm bảo. Tiếp đó, là các nguyên nhân như đốt nhang, đốt rác... Trong khi hơn 80 cơ sở cấp thành phố quản lý có phương án chữa cháy, lực lượng và phương tiện đủ sức đáp ứng khi có sự cố xảy ra thì trong các KDC, công tác phòng cháy rất sơ sài. Chính vì vậy, ở khu vực chiếm 67% các vụ cháy này đang tự gây khó cho chính mình và cho cơ quan chức năng. Thượng tá Nguyễn Phong, Trưởng Phòng CSPCCC CATP, cho biết: “Khi xảy ra cháy nổ, công tác triển khai chữa cháy gặp nhiều khó khăn vì thiết bị PCCC tại chỗ không có hoặc không đồng bộ, địa hình lại chật hẹp. Hiện ở Đà Nẵng, KDC đã đông đúc lại có thêm nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh xen lẫn vào, điều đó tiềm ẩn nguy cơ cháy lan”. Thực tế chứng minh, gần đây là vụ cháy ở tầng 4 của một khách sạn trên đường Hùng Vương. Dù ở vị trí mặt tiền nhưng lực lượng PCCC phải khó khăn lắm mới tiếp cận được điểm cháy do người dân hiếu kỳ đổ ra xem. Khi vào được nhà, rất khó khăn mới len được lên tầng 4 vì hệ thống cầu thang cũng như không gian ngôi nhà quá chật hẹp. Nếu ở vị trí thuận lợi, công tác dập cháy có thể chỉ cần 5 phút, trong khi phải vật lộn hơn 15 phút đám cháy này mới được khống chế”.

Trụ nước cứu hỏa trên đường Nguyễn Tất Thành bị kẻ gian cạy lấy nắp.

Ngoài KDC, một số KCN và các chợ cấp phường cũng chưa chủ động đối phó với nguy cơ cháy nổ khi vừa yếu về công tác tuyên truyền, vừa thiếu về công cụ tại chỗ. Tại nhiều khu chợ, KCN..., dụng cụ PCCC treo lên cho “ngơm” chứ bụi phủ đầy, chưa một lần được kiểm tra, khi xảy ra cháy nổ thì các tủ dụng cụ mới được “khui” nhưng ống dẫn nước cứ dính vào nhau rồi đứt từng khúc do không có sự kiểm tra bảo dưỡng.

“Bói nước” tại các trụ nước cứu hỏa

Sẽ không khỏi lo lắng khi đong đếm lại yếu tố “tương khắc” để phục vụ cho công tác chữa cháy. Chúng tôi phải so sánh công việc kiểm tra trụ nước cứu hỏa của cơ quan PCCC là “bói nước”. Bên cạnh việc không tuân thủ theo quy định là 150m phải có một trụ nước cứu hỏa như Tiêu chuẩn Việt Nam 2622-1995-PCCC cho nhà và công trình, thì khả năng hoạt động của hệ thống này đang có nguy cơ tê liệt. Bởi vì qua kiểm tra 10 trụ nước ven các đường lớn hoặc các KCN tại TPĐN có đến hơn một nửa bị hoen rỉ, khô cháy hoặc nước nhỏ giọt. Tuyến đường Nguyễn Tất Thành kéo dài mấy cây số, theo sự tính toán về tiềm năng dân cư cũng đã được lắp đặt trụ nước cứu hỏa chạy dài từ đoạn tiếp giáp với đường 3-2 đến P. Hòa Hiệp Nam. Vậy nhưng, có lẽ kể từ khi lắp đặt xong đến nay, những trụ nước này cũng không được kiểm tra nên kẻ xấu đã “rỉa” từng phần để cho vào các tiệm thu mua phế liệu.

Theo cơ quan PCCC, qua những lần phối hợp kiểm tra tình hình nước tại chỗ phục vụ công tác cứu hỏa ở địa bàn KDC, các trục đường lớn cũng như các KCN, có tới hơn 50% các trụ nước không đạt yêu cầu. Ngoài những trụ còn “niêm phong” thì hầu hết các trụ bị cạy lấy sắt, bị bật gốc, trụ hy hữu có nước thì nước quá yếu không thể đủ áp lực cột nước khi cần sử dụng. Một bất cập nữa là các thiết bị này đủ chủng loại, kích cỡ nên khi cần kết nối với phương tiện chuyên dụng của cơ quan PCCC giống như “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. “Nếu không có sự phối hợp giữa bên cung cấp nước, quản lý thiết bị và cơ quan PCCC thì chắc chắn khi xảy ra hỏa hoạn sẽ rất khó khăn. Không có nước thì làm sao mà dập được lửa!”-thượng tá Nguyễn Phong cho biết.

CSPCCC CATP Đà Nẵng dập tắt một đám cháy khu vực đường 2-9. 

Để chủ động đối phó với nguy cơ cháy nổ trong mùa hè, Giám đốc CATP Đà Nẵng đã có 2 công văn chỉ đạo đến các đơn vị triển khai các kế hoạch cấp bách. Phòng CSPCCC trước đây “trăm dâu đổ đầu tằm” nay trực tiếp tham mưu cho Giám đốc CATP các phương án. Lực lượng CA quận, huyện đảm bảo an toàn tại các cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. CA xã, phường phối hợp quản lý tình hình, tuyên truyền tại KDC. Sự phối hợp chặt chẽ này hết sức cần thiết, sẽ góp phần hạn chế tối thiểu các vụ hỏa hoạn. Song, về lâu dài, chúng tôi thiết nghĩ, việc bố trí quy hoạch các cơ sở sản xuất còn nằm trong khu vực đông dân, việc quản lý phương tiện chữa cháy tại chỗ, nguồn nước, nâng cao ý thức người dân, nói chung hơn là xã hội hóa công tác PCCC cần được cơ quan chức năng thành phố có một hoạch định hợp lý để tránh tình trạng “nước xa không cứu được lửa gần”.       

Công Khanh