Nuôi cá dìa, thu tiền tỷ
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm sang nuôi cá dìa, ông Hồ Văn Hổ (54 tuổi, trú thôn Trường Định, xã Hòa Liên, H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm và là hộ dân tiêu biểu về phát triển kinh tế tại địa phương.
Nhờ chuyển đổi mô hình từ tôm sang nuôi cá dìa đã mang lại cho ông Hồ Văn Hổ nguồn thu lớn. |
Trong những năm gần đây, mô hình nuôi cá dìa đang được nhiều nông dân lựa chọn vì có hiệu quả kinh tế cao, có triển vọng phát triển bền vững. Một trong những hộ nuôi thành công là mô hình nuôi của ông Hồ Văn Hổ. Chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp của mình, ông Hổ cho biết, những năm đầu chỉ nuôi tôm, tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm, tôm bị nhiễm bệnh khiến sản lượng đi xuống dẫn đến thua lỗ. Vì vậy, đến đầu năm 2019, được người quen giới thiệu mô hình nuôi cá dìa, nhận thấy mô hình này mang lại lợi nhuận cao, ông Hổ quyết định trực tiếp đến những nơi nuôi cá thành công như Huế, Hội An để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó ông mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm sang nuôi cá dìa.
Theo đó, ông đã đầu tư một số tiền lớn để sửa chữa, cải tạo ao nuôi, mua sắm các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại. Năm 2019, ông mua hơn 30.000 con cá dìa giống về thả nuôi. Kết quả sau bốn, năm tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt trên 90%, trọng lượng thu hoạch trung bình cá dìa giống đạt từ 60-80g/con, sản lượng đạt hơn 9 tấn, giá bán mỗi con là 9.000 đồng. Với cá dìa thương phẩm giá bán trên thị trường dao động từ 160.000 – 200.000 đồng/kg, ông thu về 1,5 tỷ đồng, sau khi đã trừ chi phí thì thu lãi khoảng 800 triệu đồng. Cá có giá bán cao, nên ông Hổ chưa bao giờ bị lỗ. Từ việc nuôi cá dìa thành công, ông Hổ đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Từ 1ha hồ nuôi, dần dần ông nâng tổng diện tích lên 3,4ha để nuôi cá.
Về mô hình ao hồ, ngoài chất lượng con giống thì điều quan trọng trong nuôi cá là phải đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, phải thường xuyên vớt các phần thức ăn dư thừa hằng ngày để giữ sạch nguồn nước, để cá sinh trưởng và phát triển tốt. Đồng thời, cho cá ăn các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, như vậy, cá sẽ có sức đề kháng tốt, cho sản lượng cao.
Từ phương pháp nuôi khoa học và cẩn thận, mô hình nuôi cá dìa của ông Hổ dần phát triển vượt trội và trở thành một trong những mô hình kinh tế điển hình của xã Hòa Liên. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá giống của mình, ông Hổ tâm sự: “So với nuôi tôm và nuôi các loài cá khác, việc nuôi cá dìa dễ hơn, chủ yếu bằng thức ăn công nghiệp, cá ít bị bệnh, nhẹ công chăm sóc, chỉ cần đảm bảo nguồn nước sạch, vệ sinh ao nuôi theo định kỳ, bảo đảm lượng thức ăn thì cá sẽ lớn nhanh và cho năng suất cao”.
Cá dìa có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng, là loài đặc sản của vùng biển miền Trung. Những năm trước loài cá dìa giống chưa được sinh sản nhân tạo vì đặc tính sinh sản tự nhiên, giống cá chủ yếu do người dân khai thác tự nhiên trên biển, năm nào thuận lợi cá dìa sản sinh nhiều thì đáp ứng nhu cầu nuôi giống, cho nên việc nuôi cá dìa còn phụ thuộc theo thiên nhiên. Ông Hổ cho biết thêm, năm nay việc nuôi cá dìa diễn ra rất thuận lợi. Thời tiết tốt, điều kiện ao hồ được cải tạo thường xuyên nên cá khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao, cá bán được giá nên việc thương lái đến thu mua khá đông.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, hồ nuôi cá dìa của ông Hổ mở ra hướng đi mới cho gia đình, đã cung cấp hàng chục tấn cá dìa giống và cá dìa thương phẩm cho thị trường tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng... Mô hình nuôi cá đang phát triển tốt và đem lại lợi nhuận cao cho gia đình, nên năm nay ông Hổ dự định sẽ mở rộng quy mô nuôi cá dìa. Đặc biệt, ông chú trọng vào phát triển con giống, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con cùng nhân rộng mô hình, để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân tại địa phương.
Thùy Dương