Nuôi tôm trái phép "vây" vịnh đẹp thế giới
(Cadn.com.vn) - Hơn 100 hộ dân nuôi tôm trái phép trên đầm Lập An- nằm trong quần thể vịnh đẹp thế giới Lăng Cô ở TT Lăng Cô (H.Phú Lộc, TT-Huế) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đua nhau nuôi tôm trái phép
Ông Nguyễn Xuân Vĩnh (50 tuổi, trú TDP Loan Lý, TT Lăng Cô) nuôi tôm chân trắng từ 2015 với diện tích trên 3.000 m2 trên đất nông nghiệp. Ông Vĩnh cho biết, khoảng tháng 3-2017, ông và nhiều hộ nuôi tôm khác, có nhận được giấy thông báo của chính quyền địa phương, yêu cầu tháo dỡ ao hồ vì do nuôi trái phép nhưng ông vẫn không thể vì số tiền đầu tư vào các ao hồ đã rất nhiều. Theo ông Vĩnh, một vụ nuôi từ tiền tôm giống và các khoản khác, ông đầu tư khoảng 200-300 triệu đồng. Mỗi năm, thả nuôi khoảng 2 - 3 vụ. 3 năm trở lại đây, gia đình ông Hoàng Trọng ở TDP Loan Lý thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1.500m2 hồ nuôi nằm ven đầm Lập An (thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang- Cầu Hai). Ông Trọng cho biết, sau nhiều lần xin phép cơ quan chức năng thả nuôi tôm chân trắng trên diện tích hồ nuôi này không thành, ông liều nuôi trái phép vì không có nghề nào khác để kiếm sống. Cũng như TDP Loan Lý, tình trạng nuôi tôm chân trắng trái phép diễn ra hàng loạt. Hiện các hồ tôm xuất hiện dày đặc sát mép đầm Lập An và len lỏi tận những khu dân cư ở các tổ dân phố Lập An, Loan Lý, An Cư Tân, Hải Vân, Hói Dừa, An Cư Tây...
Theo quy định tại Quyết định 72 của UBND tỉnh TT-Huế (ban hành vào năm 2014), việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai phải đáp ứng đủ nhiều điều kiện mới được cấp phép. Cụ thể, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng bắt buộc phải nằm trong vùng quy hoạch; người dân phải có hồ nuôi diện tích tối thiểu 3.000m2, sâu tối thiểu 2m; phải có ao lắng làm sạch nước trước khi cấp cho các hồ; vùng nuôi tôm phải có hệ thống xử lý nước thải từ hồ nuôi trước khi thải ra môi trường... Sau khi hội đủ các điều kiện trên, người dân phải đăng ký và được sự phê duyệt của chính quyền địa phương thì mới được thả nuôi. Mặc dù không hội đủ các điều kiện để được cấp phép nhưng sau khi có quyết định trên của UBND tỉnh TT-Huế, người dân TT Lăng Cô ồ ạt đào hồ thả nuôi tôm chân trắng. Tình trạng này đã và đang khiến đầm Lập An bị ô nhiễm, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường nước vịnh Lăng Cô- đã được công nhận là vịnh đẹp của thế giới. Theo ghi nhận của PV, vì không đảm bảo điều kiện về khâu xử lý nước thải nên nước thải của hầu hết các hồ tôm ở Lăng Cô đều được thải trực tiếp ra môi trường, khiến đầm Lập An có nguy cơ trở thành khu đầm chết.
Nuôi tôm chân trắng trái phép ven đầm Lập An ở TT Lăng Cô gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. |
Rất khó xử lý
Trước tình trạng nuôi tôm chân trắng trái phép ồ ạt ở Lăng Cô, UBKT huyện ủy Phú Lộc vừa vào cuộc kiểm tra. Theo kết luận của cơ quan này, để xảy ra sự việc trên, nguyên nhân do Đảng ủy TT Lăng Cô chưa kiên quyết trong lãnh, chỉ đạo quản lý đất đai dẫn đến việc người dân tự ý lấn chiếm, đào hồ nuôi tôm trái quy định. Quá trình thực hiện, UBND TT Lăng Cô chỉ dừng lại việc lập hồ sơ thủ tục mà không tiến hành cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm... Cụ thể, trong tổng số 135 hộ nuôi trồng thủy sản, tính đến cuối năm 2016 có 97 hộ vi phạm, tự ý đào hồ, xây hồ trên các loại đất như: đất ở, đất liền kề, đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm. Đáng chú ý, có 25 hộ đã đào đất, xây hồ lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý, lấn chiếm mặt trước đầm Lập An với diện tích gần 10 ngàn m2. Mặt khác, cơ sở nuôi trồng của các hộ vi phạm này không đáp ứng yêu cầu, điều kiện cơ sở hạ tầng; nước thải chưa qua xử lý, chủ yếu xả trực tiếp ra đầm Lập An, gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch, làm mất mỹ quan đô thị...
UBKT Huyện ủy Phú Lộc đề nghị Đảng ủy TT Lăng Cô khắc phục những hạn chế, thiếu sót; rút kinh nghiệm trong vai trò lãnh, chỉ đạo, quản lý đất đai và tổ chức thực hiện Quyết định số 72 của UBND tỉnh; tăng cường công tác KTGS của Đảng ủy trong quản lý nhà nước về đất đai; chỉ đạo UBND thị trấn thường xuyên tổ chức kiểm tra, ngăn chặn các trường hợp vi phạm, lập phương án cưỡng chế đúng đối tượng và pháp luật... Trao đổi với P.V, ông Dương Đăng Trung- Chủ tịch UBND TT Lăng Cô cho biết, tính đến cuối tháng 4-2017, toàn thị trấn có 106 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 35ha thì tất cả đều nuôi trái phép. Theo ông Trung, tình trạng nuôi tôm chân trắng ở địa phương này bùng phát từ năm 2014 đến nay, sau khi có Quyết định 72 của UBND tỉnh TT-Huế. Ông Trung nói, việc ngăn chặn tình trạng nuôi tôm chân trắng trái phép ở địa phương gặp khó khăn do người dân nuôi đồng loạt, chính quyền đã nhiều lần vào cuộc nhưng không hiệu quả. Vì để xảy ra tình trạng nuôi tôm chân trắng ồ ạt nên vừa qua tập thể Đảng ủy thị trấn Lăng Cô đã bị phê bình, kiểm điểm, nhiều cá nhân bị kỷ luật. "Trong thời buổi kinh tế khó khăn, hướng xử lý chúng tôi đưa ra 4 mức: Thứ nhất là vận động, thứ hai là thông báo, thứ ba là mời các hộ dân thực hiện công tác cam kết tự tháo dỡ, bước thứ tư là phối hợp với đoàn liên ngành cưỡng chế- đây là bước cuối cùng không ai mong muốn. Công tác cưỡng chế hồ tôm này rất khó, vì họ làm lên rồi, kinh phí họ lớn mà không cho người ta nuôi, đập bỏ đi thì người dân mất vài trăm triệu"- ông Trung nói.
H.Lan