Ở đâu có án, ở đó có các anh…

Thứ hai, 20/11/2017 13:24

Thầm lặng phía sau mỗi vụ án, chuyên án, nhưng họ là những người hé mở bí mật từ hiện trường, xây dựng hồ sơ, góp phần làm sáng tỏ nguyên nhân, giúp cho cơ quan điều tra (CQĐT) khám phá nhanh các vụ án một cách chính xác, khách quan. Đó là nhiệm vụ thường ngày của những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS).

Các CBCS KTHS đang giám định con dấu để phục vụ điều tra. 

Mỗi khi có một vụ án xảy ra là những CBCS Phòng KTHS CA tỉnh Nghệ An lại lên đường. Từng mi-li-mét ở hiện trường có thể là bằng chứng quan trọng để đưa tội phạm ra trước vành móng ngựa, bởi vậy công tác khám nghiệm hiện trường đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ và sự phán đoán chính xác. Gần 20 năm gắn bó với công tác khám nghiệm hiện trường, Trung tá Phạm Văn Nhung- Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường, Phòng KTHS đã hàng trăm lần giúp các CQĐT nhanh chóng tìm ra hung thủ với những nhận định, phán đoán chính xác.

Một trong những vụ án mà Trung tá Nhung vẫn còn nhớ đó là vụ trộm 100kg ngà voi trong kho vật chứng của Chi cục Thi hành án dân sự TP Vinh vào năm 2012. Lúc đó, CATP Vinh nhận được đơn trình báo của thủ kho vật chứng của Chi cục trên với nội dung: Kẻ gian vừa đột nhập kho vật chứng của Chi cục ở số 146 - Đinh Công Tráng (TP Vinh) trộm một số đoạn ngà voi. Nhanh chóng tiếp cận hiện trường, Trung tá Nhung thấy các cửa chính vào kho vẫn được khóa bằng 3 lớp, phía cửa sổ bị phá nhưng có một tủ sắt phía trong cửa sổ vẫn đứng thẳng, kiểm tra phía dưới chân tủ, anh thấy có sự xê dịch, các lớp bụi không hằn khớp với nhau.

Từ các cơ sở đó, Trung tá Nhung khẳng định, kẻ trộm không thể vào bằng đường cửa sổ, mà phải vào từ cửa chính, việc cửa sổ bị phá là do kẻ trộm muốn dựng hiện trường giả đánh lừa CQĐT. Từ những nhận định trên, CQĐT đã nhanh chóng làm rõ, thủ phạm là Đinh Thị Trà Giang (thủ kho) và các đồng phạm đang làm việc tại Chi cục Thi hành án dân sự TP Vinh.

Những hiện trường ít có sự thay đổi và chưa có nhiều biến động là như vậy, nhưng đối với những hiện trường có nhiều biến động như những vụ cháy khi tất cả các đồ vật đã thành tro hay những vụ án giết người chỉ được phát hiện sau cả tháng, tử thi đã phân hủy, hiện trường thay đổi… thì công tác khám nghiệm hiện trường khó khăn gấp bội phần, nhưng nhận định sai lầm sẽ khiến vụ án đi vào ngõ cụt.

"Đơn cử như việc vụ án giết 4 người ở bản Phồng, H. Tương Dương (Nghệ An), hiện trường nằm trong rừng sâu, ít người qua lại nên việc tìm ra nguyên nhân là cực kỳ khó khăn. Để tìm ra tội phạm, từng mi-li-mét hiện trường được các CBCS làm công tác khám nghiệm xem xét kỹ lưỡng. Không được phép bỏ sót bất kỳ một vật chứng nào dù là nhỏ nhất như dấu vân tay, vết máu, tế bào da… bởi đây chính là cơ sở xác định đúng hướng điều tra vụ án"- Trung tá Nhung tâm sự.

Hơn 17 năm công tác, Đại úy Trần Văn Hải- Đội trưởng Đội Giám định pháp y (Phòng KTHS) đã tham gia giải phẫu hàng ngàn tử thi. Những manh mối tội ác còn lưu lại trên cơ thể nạn nhân là một trong những cơ sở xác định nguyên nhân gây ra cái chết, góp phần quan trọng đưa kẻ thủ ác ra vành móng ngựa, để người chết phải mang nỗi oan ức.

"Nhiều vụ án tưởng chừng đi vào ngõ cụt, nhưng người khám nghiệm tử thi giỏi có thể tìm ra được cả mớ chứng cứ từ một cái thi thể đấy. Ngược lại, việc phán đoán sai của cán bộ khám nghiệm tử thi có khi lại làm sai lệch chứng cứ, bỏ lọt tội phạm hoặc bắt nhầm người vô tội. Bởi vậy nên làm nghề này là phải cẩn thận và chu đáo lắm, tỉ mỉ lắm!"- Đại úy Hải chia sẻ.

Nhiều khi phải chạy đua với thời gian để tử thi không mất các dấu vết, để kẻ thủ ác chưa có điều kiện trốn xa… Có những vụ án tử thi chết giữa rừng, chết lâu ngày, đã bị phân hủy thì việc tìm ra nguyên nhân tử vong là rất khó khăn, đòi hỏi CBCS làm công tác khám nghiệm tử thi càng phải tỉ mỉ, cẩn trọng hơn.

Công tác giám định của các Phòng KTHS mang tính quan trọng và quyết định cho thành công của một vụ án.

Tìm hiểu sau mới hiểu hết công việc của các anh, một nghề nguy hiểm độc hại và đòi hỏi một thần kinh thép. Không chỉ thường xuyên phải đối chọi với nỗi sợ hãi, làm việc trong những khung cảnh ghê rợn, nghề khám nghiệm tử thi còn phải đối mặt với vô số những nỗi hiểm nguy thường trực tới từ chính những xác chết. Bởi vậy, công việc đòi hỏi các anh phải hết sức cẩn thận từng ly, từng tí vì có thể những thi thể kia đang mang trong mình đầy những mầm bệnh chết người.

Đại úy Trần Văn Hải cho biết, trung bình mỗi năm anh phải tham gia giải phẫu khoảng 300 tử thi. Có ngày phải tiếp xúc với 2-3 tử thi nên không dám về nhà. Còn chuyện nửa đêm phải lén ra khỏi nhà hay các dịp lễ, tết phải đi "làm án" đối với các anh trở thành "cơm bữa".

 Để có những thông tin giúp CQĐT phá án, khó có thể nói hết những vất vả, nguy hiểm mà những CBCS KTHS  phải trải qua. Nhưng, tính chất khắc nghiệt của nghề nghiệp không làm các anh chùn bước, bởi phía trước là những niềm hạnh phúc, là khi mỗi chuyên án, vụ án thanh công; là lúc cái ác bị vạch trần; là những tội phạm bị đưa ra trước ánh sáng; là tương lai cuộc sống từ đó an toàn hơn…

D.HÓA