Ô nhiễm lò mổ “vây” hàng trăm hộ dân

Thứ tư, 10/12/2014 09:59

(Cadn.com.vn) - Hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và hàng trăm hộ dân khác bị ảnh hưởng gián tiếp do ô nhiễm môi trường từ lò giết mổ gia súc tập trung bắc sông Hương (thuộc địa bàn P. Hương Sơ, TP Huế, TT-Huế). Đây là lò mổ cung cấp nguồn thịt gia súc cho hầu hết nhu cầu trên địa bàn TP Huế và một số địa phương lân cận.

Bỏ chợ vì ruồi

Lò giết mổ gia súc tập trung bắc sông Hương là cơ sở của Cty Cổ phần nông ngư súc sản Huế, hoạt động gần 10 năm nay, trong đó, khu vực giết mổ gia súc (trâu, bò lợn) với diện tích hơn 10.000m2. Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch UBND P. Hương Sơ khẳng định, lò giết mổ này quá gần khu dân cư nên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến 300 hộ dân cư. Do cơ sở này xả thải trực tiếp ra môi trường nên phát sinh nhiều ruồi nhặng, tác động xấu đến vệ sinh môi trường kể cả việc làm ăn của người dân.

Đơn cử như việc buôn bán tại chợ Hương Sơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng ruồi quá nhiều, một số tiểu thương bán hàng ăn cho biết: ruồi ồ ạt tấn công nên nhiều khách không dám mua hàng nên đành nghỉ bán. Chị Hạnh, một tiểu thương của chợ Hương Sơ chỉ vào những lô còn trống, nói: “Người dân đến chợ này mua hàng, thấy ruồi ai cũng khiếp. Tâm lý mình bán buôn ở đây, thấy ruồi cũng ớn, chứ nói chi đến người mua”. Phường nhiều lần vận động một số người dân ra chợ mở hàng quán nhưng do ruồi quá nhiều nên họ không dám bán buôn. Được biết, trong số 199 lô, ki-ốt ở chợ Hương Sơ, hiện chỉ có 70 lô bày bán hàng, số còn lại bỏ hoang.

Ông Nguyễn Văn Tài, bức xúc: Lò mổ không chỉ ảnh hưởng đến việc mua bán của chợ mà còn ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu ở Trường Mầm non Hương Sơ. “Dù trường học đã đóng kín cửa nhưng ruồi vẫn bay vào bếp, lớp học, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và vệ sinh môi trường của các cháu”. Ông Tài cho rằng, tình trạng ô nhiễm của cơ sở giết mổ gia súc trên gây ra đã làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân P. Hương Sơ.

Ruồi phát sinh từ lò mổ gia súc “tấn công” chợ Hương Sơ và cơ sở giết mổ gia súc
tập trung bắc sông Hương.

Chấp nhận đền bù để xả thải trực tiếp

Nhiều hộ dân P. Hương Sơ từng gửi đơn đến Phòng Cảnh sát môi trường- CA tỉnh TT-Huế phản ánh việc cơ sở này xả thải trực tiếp ra môi trường dẫn đến lúa chết hàng loạt. Qua kiểm tra, Phòng cảnh sát môi trường xác định, mặc dù nước thải trong quá trình giết mổ đã được qua hầm lắng rồi dẫn qua 4 hồ sinh học và để thẩm thấu tự nhiên ra môi trường xung quanh nhưng do mỗi hồ chứa chỉ có diện tích khoảng 100m2 nên không đảm bảo và hậu quả đã gây chết lúa và giảm năng suất lúa.

Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch UBND P. Hương Sơ cho biết, tại cuộc tiếp xúc cử tri đầu tháng 12-2014, cử tri địa phương phản ánh gay gắt tình trạng ô nhiễm môi trường do lò giết mổ gia súc tập trung bắc sông Hương gây ra, Bí thư Thành ủy Huế đã trả lời: sắp tới, nếu cơ sở này không di chuyển đến nơi khác thì sẽ đóng cửa.

H.Lan

Về vấn đề này, UBND P. Hương Sơ đã làm việc với ông Hồ Xuân Cường, Giám đốc Cty Cổ phần nông ngư súc sản và ông thừa nhận cơ sở đã gây ra ô nhiễm. Mỗi ngày, cơ sở này giết mổ khoảng 200- 290 con gia súc. Những năm gần đây, Cty này chấp nhận bồi thường khoảng 30 triệu đồng/năm cho các hộ dân có diện tích lúa bỏ hoang do ảnh hưởng trực tiếp từ xả thải. Ông Bùi Văn Quy, cán bộ phụ trách đô thị và môi trường UBND P. Hương Sơ cho biết, Phòng Cảnh sát môi trường đã từng yêu cầu cơ sở giết mổ trên khắc phục tình trạng xả thải ra môi trường bằng cách xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải đúng quy định. Tuy nhiên, sau khi đoàn kiểm tra xong thì lò mổ này lại ngang nhiên vi phạm môi trường. Chính quyền P. Hương Sơ cũng đã nhiều lần về làm việc với lò mổ và phát hiện, nước thải của lò mổ thải trực tiếp ra môi trường. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, CSMT CA TT-Huế đã ra quyết định xử phạt hành chính cơ sở giết mổ này 20 triệu đồng.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ khi lò mổ này được xây dựng trên địa bàn phường, các chủ gia súc thường xuyên thả rông trâu bò trong khu vực làm ảnh hưởng đến giao thông công cộng, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và phá hoại cây trồng của nông dân.

H.Lan