Ô nhiễm phóng xạ nhà máy Fukushima lan rộng

Thứ bảy, 14/05/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Tình hình ô nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 tiếp tục gây lo ngại cho người dân Nhật Bản.

Theo bản đồ phóng xạ do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản và Bộ Năng lượng Mỹ xây dựng công bố ngày 13-5, khu vực ô nhiễm phóng xạ từ nhà máy Fukushima ước tính rộng khoảng 800km2, tương đương 40% diện tích thủ đô Tokyo và bằng 1/10 diện tích khu vực bị ô nhiễm phóng xạ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Nhật báo Asahi cho biết, mức phóng xạ tại khu vực ô nhiễm này tương đương với mức phóng xạ khiến phải ban bố các lệnh sơ tán bắt buộc khi xảy ra thảm họa Chernobyl (nồng độ xêdi-137 bằng hoặc cao hơn 555.000 bql).

Theo bản đồ này, các khu vực bị ô nhiễm có nồng độ đồng vị phóng xạ xêdi-137 tích lũy (đo vào tháng 4-2011) lên tới hơn 600.000 bql/m2. Đồng vị phóng xạ này có chu kỳ bán phân hủy khoảng 30 năm. Khu vực này gần tương đương với khu vực cấm vào ở tỉnh Fukushima và khu vực sơ tán dự tính được chính phủ trung ương xác định. Ủy ban An toàn Hạt nhân Nhật Bản (NSC) dự kiến xác định các địa điểm cần phải theo dõi thường xuyên bằng cách kết hợp bản đồ phóng xạ này với các kết quả đo đạc thực địa. Thông qua việc sử dụng các dữ liệu thu được trong quá trình quan trắc, NSC có kế hoạch chuẩn bị phương án cho người dân trở lại nhà và khôi phục cuộc sống bình thường sau khi cuộc khủng hoảng hạt nhân được kiểm soát.

Một vấn đề quan tâm của người dân trong khu vực bị nhiễm xạ là việc đền bù ra sao. Ngày 13-5, chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông qua kế hoạch hỗ trợ TEPCO đền bù cho các nạn nhân cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima. Quyết định được đưa ra sau khi TEPCO đồng ý chấp thuận tất cả các điều kiện của chính phủ để đổi lại sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước do lo ngại về khả năng thiếu vốn. Theo các điều kiện, TEPCO sẽ phải nỗ lực tối đa để cắt giảm chi phí, cho phép một ủy ban thứ ba do chính phủ lập ra điều tra phương thức quản lý ở Cty này và không được đưa ra mức trần đền bù.

Dự kiến, chính phủ sẽ đệ trình các dự luật cần thiết lên Quốc hội trong kỳ họp thường niên hiện nay để thành lập một định chế tài chính mới nhằm hỗ trợ TEPCO trang trải chi phí đền bù và giám sát các nỗ lực tái thiết của Cty này. Định chế này sẽ đóng vai trò như một tổ chức bảo hiểm nhằm chuẩn bị cho các sự cố hạt nhân trong tương lai. Tuy nhiên, một số người quan ngại kế hoạch này có thể khiến các Cty điện lực sẽ tăng giá điện để chuyển gánh nặng chi phí này sang người tiêu dùng.

Trong một diễn biến khác, Cty Điện lực Chubu, doanh nghiệp vận hành nhà máy điện hạt nhân già cỗi Hamaoka nằm gần đường đứt gãy kiến tạo ở Tây Nam Tokyo sáng 13-5 đã bắt đầu đóng cửa nhà máy điện hạt nhân này.

L.D.N