Ô nhiễm túi nilon và những việc cần làm ngay

Thứ tư, 11/07/2018 10:21

Trong cuộc sống hiện nay, không thể phủ nhận sự tiện lợi của các vật dụng bằng nilon, hiện diện thường trực trong sinh hoạt đời thường mỗi người, mỗi gia đình như túi nilon, áo mưa tiện lợi, ống hút... Bất chấp những lời cảnh báo về sự độc hại đối với sức khỏe, hiểm họa gây ô nhiễm tiềm tàng của các vật dụng bằng nilon xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, của các chuyên gia về môi trường, y khoa... nhưng vì sự tiện dụng của nó mà nhiều người vẫn tặc lưỡi vô tư sử dụng chúng một cách tràn lan. Theo một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình người Việt Nam sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/ tháng. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Hậu quả nhãn tiền đã hiển hiện và được nhiều cơ quan tổ chức môi trường cảnh báo. Với những con số rất thuyết phục về sự phân hủy của nilon phải mất từ 200-500 năm, rồi là là túi nilon, hộp xốp đựng đồ nóng dễ sinh chất gây ung thư... Hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn bức xúc đối với xã hội.

Túi nilon đang là “vấn nạn” đối với môi trường.

 Trước những hệ lụy khôn lường do việc lạm dụng túi nilon và các vật dụng bằng nhựa gây ra cho đời sống và môi trường, hiện nay đã có một số địa phương phát động phong trào không dùng túi nilon. Nhân câu chuyện này, người viết lại nhớ về một vật dụng vốn rất thân thuộc đối với mỗi người nội trợ mà nay gần như đã trở thành kỉ niệm. Đó là cái làn (còn gọi là cái giỏ) đi chợ của những người mẹ, người chị vào những năm tháng đất nước còn muôn vàn khó khăn.

Còn nhớ lại thời ấy, các bà, các mẹ đi chợ đều mang theo một cái làn nhựa hay làn mây, tre  để đựng mọi thứ. Bó rau mua xong là để vào làn, không cần túi gì bọc ngoài cả. Những thứ có mùi tanh như miếng thịt, miếng cá cắt xong được quấn vào tấm lá chuối. Vậy là chẳng cần đến bịch nilon, mọi người vẫn thoải mái mang đồ từ chợ về. Đôi khi muốn mua tô bún, tô phở về cho con, cho cháu, chỉ cần đặt thêm cái cặp lồng (cà mèn) vào làn xách đi chứ không đựng tất cả vào túi nilon như bây giờ.

Người viết còn nhớ những năm của thập niên 70-80 của thế kỷ trước, còn có phong trào dùng túi giấy để gói những món đồ nhỏ dễ rơi rớt như đậu phụng, đậu đỗ các loại, bánh trái ăn sáng... bản thân cũng từng phụ ba má dán túi giấy để đi bỏ ở các chợ để có thêm thu nhập cho gia đình. Giấy đó là loại giấy mỏng màu nâu nâu, một mặt ráp, một mặt bóng, có thể dùng để bọc vở nữa. Nhiều người còn tận dụng giấy vở, giấy báo dùng rồi để gấp túi...

Nhưng rồi dần dần, có một thứ “phát minh” làm thay đổi thói quen của người đi chợ. Đó là  túi nilon. Nó vừa nhẹ, vừa tiện, giúp cho những người bận rộn đi chợ không phải mang làn hay túi xách cồng kềnh. Nó còn dùng đựng đồ có nước như mắm dưa, dưa chua, cua xay sẵn, thậm chí cả tô bún, phở nóng hổi... Hình ảnh người đi mua đồ ăn xách theo  cái cặp lồng giờ đây rất khó tìm. Chỉ vì cái gọi là “tiện lợi” mà người ta như “lười” hơn, bất chấp sự ô nhiễm do cái tiện lợi đó mang lại tác hại khôn lường cho môi trường và cả sức khỏe của chính bản thân họ và người thân của mình...

“Bao giờ cho đến ngày xưa”, khi cuộc sống bình dị giúp người ta “sống xanh” mà không cần vận động? Và tôi bỗng nhớ đến nao lòng cái làn của má... Vì hiện tại và tương lai cho thế hệ mai sau, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến chuyện quay về “cái xưa cũ” bằng những hành động cụ thể và thiết thực. Đơn giản nhất đó là  phát động phong trào “sử dụng làn nhựa đi chợ”. Để đến một tương lai không xa, cái làn nhựa, giỏ tre tưởng như đã đi vào quên lãng ấy trở lại thành vật dụng gắn liền với những người nội trợ ở mọi miền đất nước, là những hình ảnh quen thuộc trên các con đường dẫn đến chợ vào mỗi buổi sáng.

Ở một số địa phương, mô hình  “Đi chợ cùng làn nhựa” đã được  Hội phụ nữ  triển khai trong các dịp như “Ngày Môi trường thế giới”.  Nhờ đó mà trước đây, nếu toàn bộ thực phẩm mua ở chợ đều đựng trong túi nilon, thì đến nay tất cả đều được đựng trong chiếc làn. Phong trào sử dụng làn đi chợ đã trở thành nét đẹp của chị em phụ nữ ở một số điện phương từ Nam chí Bắc, góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc phát động sử dụng làn nhựa, cũng nên phát động các mẹ, các chị hãy dùng hộp nhựa đi chợ để đựng thức ăn tươi sống; dùng cặp lồng đựng thức ăn chín. Đó cũng là một cách làm góp phần hạn chế túi nilon, hộp xốp...

 Làm thế nào để việc sử dụng làn nhựa đi chợ trở thành thói quen “mới” của chị em phụ nữ.  Và chắc chắn rằng, khi sử dụng làn đi chợ, lượng túi nilon sẽ giảm đáng kể, một hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn cuộc sống “xanh - sạch - đẹp” và “Làm cho thế giới sạch hơn”.

Dân Hùng