Ở “rìa” bão, vì sao cây xanh Đà Nẵng vẫn gãy đổ la liệt?

Thứ sáu, 01/11/2019 10:40

Năm 2013, bão Nari đi qua đã để lộ sự cẩu thả, thậm chí có thể nói là gian dối trong việc trồng cây xanh khi có hàng nghìn cây bị bật gốc, ngã đổ, hư hại nằm la liệt trên đường phố Đà Nẵng. 2 năm sau, một cơn bão nhỏ hơn cũng khiến khoảng 1.000 cây không đứng vững. Còn bây giờ, bão số 5 không đổ bộ trực tiếp nhưng vẫn đủ sức “hạ đo ván” cây lớn ở nhiều tuyến đường.

Bão không đổ bộ nhưng Đà Nẵng có gần 600 cây xanh gãy đổ, nghiêng thân.

Trồng cây xanh như trồng… sắn!

Người dân Đà Nẵng biết rõ, so với những “siêu bão” đã từng quét qua thành phố thì sức gió ảnh hưởng của bão số 5 trong đêm 30-10 là quá bình thường. Nhưng sáng ra, họ hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến trên nhiều tuyến phố cây đổ la liệt. Không những ở các tuyến đường ven biển như Dương Vân Nga, Hồ Nghinh, Trần Hưng Đạo, Hoàng Sa, Như Nguyệt… mà khu vực nội thành như Nguyễn Văn Linh, Lê Hồng Phong… cũng có nhiều cây đường kính lớn bật gốc nằm ngổn ngang. Có nơi cây kéo luôn cả trụ điện đổ xuống, đè lên đầu ô-tô. Điều lạ người ta chứng kiến hình ảnh đã thấy cách đây 6 năm, nhiều cây có đường kính cỡ 2 gang tay, cao gần chục mét nhưng gần như không có rễ cọc, trơ gốc chỉ lơ phơ vài rễ chùm dính một ít bầu đất. Trên đường Nguyễn Văn Linh, các cây to được chằng chống bởi giá sắt bốn phía vẫn đổ rạp một cách dễ dàng.

Chứng kiến cảnh cây “tốt thân xấu rễ” bật gốc đè lên chiếc ô-tô, anh Nguyễn Mạnh Hòa (trú trên đường Nguyễn Văn Linh) cho biết, những năm qua hễ có mưa kèm theo gió lớn là con đường trước Sân bay Đà Nẵng vừa xuất hiện ngập úng vừa có nhiều cây lớn ngã đổ. Nhiều người dân sống trên đường này không hiểu vì sao cơ quan chức năng cho trồng những cây có đường kính lớn, thân cao nhưng phần rễ lại rất nông, xem kỹ thì gần như không có rễ cọc bám sâu phía dưới. “Cây thì vừa cao vừa to nhưng đất thì rất xốp, rễ lại ít thì làm sao mà giữ được. Họ dùng cả cọc sắt để chằng chống nhưng cây đổ kéo theo cả cọc nhìn rất hài hước”, anh Hòa cho hay. Trong sáng 31-10, trên các diễn đàn, câu chuyện cây xanh Đà Nẵng bật gốc dù không phải nơi bão đổ bộ cũng được chia sẻ rất nhiều. Tận mắt chứng kiến nhiều gốc cây cụt rễ với bầu đất dày chỉ độ hơn một gang tay, có người còn hài hước so sánh trồng cây xanh như… trồng sắn!

Một điều khiến nhiều người dân lo ngại là nhiều cây trong số bị nghiêng thân đã được Cty Công viên Cây xanh cho trồng lại ngay vị trí vừa bị bật gốc!

Một gốc cây lộ ra cho thấy phần bám vào đất rất nông, không hề có rễ cọc.

Do mưa ngập nên cây bị lỏng gốc?

Còn nhớ, vào năm 2013, khi truy trách nhiệm trước việc hàng nghìn cây xanh ngã đổ sau bão Nari, ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc đó hỏi: “Cây đổ vì mưa bão thì đúng rồi, nhưng tại sao nhiều cây dân trồng không đổ? Thực tế ghi nhận, những cây bị bật gốc đều lộ bộ rễ cụt lủn, trong khi thân cây to, tán rộng. Ai giám sát, ai nghiệm thu việc này?”.  Lúc đó, lãnh đạo Cty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng nói do cây chưa được cắt tỉa kịp thời, lại gặp bão lớn nên ngã đổ là khó tránh khỏi. Ông Thọ không chấp nhận cách lý giải này và nhấn mạnh: “Do mưa bão thì đúng rồi, nhưng trước khi bão vào thành phố đã chủ động cắt tỉa. Nguyên nhân chính là do nhiều cây khi đã phát triển cao to mới được bứng ra trồng ở vỉa hè, bị các chủ vườn tỉa bớt rễ, cộng thêm gặp nhiều đường dây điện, cáp ngầm nên không bám sâu được vào đất”. Vào thời điểm này, nhiều cây xanh đổ xuống lộ ra bao ni-lông còn bọc lấy rễ!

Vậy thì vì sao đã có nhiều bài học nhưng cứ hễ có mưa bão là câu chuyện này vẫn lặp lại?

Bà Diệp Ái Trân – Trưởng phòng Kỹ thuật Cty Công viên cây xanh Đà Nẵng cho biết, tính đến 12 giờ trưa ngày 31-10 tổng cộng có 562 cây xanh do Cty quản lý bị ngã đổ, nghiêng thân, gãy cành. Trong số những cây này thì một số do Cty trồng, một số do các ban quản lý trồng và có cả của người dân. Nguyên nhân ban đầu được đánh giá là do mưa lớn liên tục, gây ngập nước cục bộ khiến cây bị lỏng gốc, khi gặp gió xoáy giật mạnh thì bị ngã đổ. Khi được hỏi thêm liệu có phải nhưng điểm yếu về hạ tầng là nguyên nhân sâu xa khiến cứ hễ có gió lớn là cây bật gốc, bà Trân nói: “Sòng phẳng ra mà nói thì hạ tầng của thành phố từ xưa đến giờ nó thế rồi. Cây trồng ngoài đường không đủ đất như trong vườn được. Mặt khác vị trí địa lý của Đà Nẵng là ven biển, gió giật nhiều lắm”.

Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện này, ông Nguyễn Thành Tiến – Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát thì muồng tím và lim xẹt là 2 loại cây có tỷ lệ gãy đổ lớn nhất. Những cây này sự phát triển của tán và thân cây tỷ lệ nghịch với bộ rễ, nghĩa là cây to, tán phát triển nhanh nhưng cây không có rễ cọc, một ít rễ chùm lại ngắn nên khả năng chống chịu bão là rất kém. Ngoài ra, chất lượng hố trồng ở một số khu vực chưa đảm bảo, thời gian cắt tỉa không đúng tiến độ. “Tất nhiên là để đánh giá yếu tố kỹ thuật thì phải có khảo sát kỹ, phân tích khoa học. Nhưng từ khảo sát, đánh giá ban đầu, tôi nghĩ nên có đề xuất ngành Xây dựng nghiên cứu lại việc này. Nên trồng những cây có độ cao và tán rộng vừa phải, mặt khác cần chọn những cây phù hợp với khí hậu địa phương”, ông Nguyễn Thành Tiến trao đổi.

Công Khanh