OCOP: Giải pháp gia tăng giá trị và tiêu thụ sản phẩm

Thứ sáu, 03/06/2022 10:41
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là chương trình lấy cảm hứng và kinh nghiệm từ mô hình "Mỗi làng một sản phẩm" của Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước.
Người dân mua sắm sản phẩm OCOP tại khu vực chợ An Hải Đông (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Người dân tham quan và mua sắm sản phẩm OCOP tại Hội chợ sản phẩm OCOP Đà Nẵng - 2021.

Hơn một năm nay, mỗi khi đến siêu thị mua sắm các loại rau như: mồng tơi, xà lách, cải, muống, v.v… về chế biến phục vụ các bữa ăn hàng ngày cho gia đình, chị Phạm Thị Thanh Châu, ở P.Xuân Hà (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đều mua rau có chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm) của HTX dịch vụ - sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sản xuất dù giá bán loại rau này cao hơn so với loại rau bình thường.

Khi được hỏi vì sao giá bán cao hơn nhưng chị vẫn chọn mua các loại rau có chứng nhận OCOP, chị Châu chia sẻ: "Rau xanh là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu ăn rau không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ngộ độc thực phẩm. Các loại rau có chứng nhận OCOP là các loại rau được sản xuất với quy trình sản xuất an toàn, đã được các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thẩm định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, trước khi được đưa vào hệ thống các siêu thị để bán ra thị trường, các siêu thị đều đến thực địa để kiểm tra kỹ càng các khâu sản xuất rau từ giống, nguồn nước, phân bón… cho đến quy trình thu hoạch, chế biến, đóng gói sản phẩm, v.v… Cho nên, tôi chọn mua và sử dụng các loại rau có chứng nhận OCOP không những giúp cho bữa ăn thêm ngon, đủ chất mà còn đảm bảo sức khỏe cho gia đình dù biết rằng giá loại rau này đắt hơn so với rau bình thường".

Từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào tháng 12-2020 đến nay, doanh số tiêu thụ các loại rau xanh của HTX dịch vụ - sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan không ngừng gia tăng. "Không chỉ tiêu thụ trên địa bàn TP Đà Nẵng, thị trường tiêu thụ các loại rau của chúng tôi đã được mở rộng ra ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Ngoài kênh tiêu thụ tại các chợ, ngày càng có nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, trường học, nhà máy, v.v… ký hợp đồng tiêu thụ các loại rau xanh có chứng nhận OCOP của Túy Loan. Đặc biệt, do bán được rau với giá tốt hơn so với loại rau thường nên lợi nhuận thu được tăng lên đáng kể", ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX dịch vụ - sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan chia sẻ thêm.

Người dân mua sắm sản phẩm OCOP tại khu vực chợ An Hải Đông (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

Hiện HTX này có 5 loại rau xanh được chứng nhận sản phẩm OCOP, gồm có: cải, mồng tơi, muống, bí, khổ qua được được sản xuất trên nông trại có diện tích hơn 10.000m2, cung cấp cho thị trường bình quân mỗi năm trên 70 tấn rau các loại. Với Cơ sở bánh ngọt Mỹ Phương (Q.Cẩm Lệ), từ khi sản phẩm bánh dừa nướng được chứng nhận là sản phẩm OCOP, thị trường tiêu thụ sản phẩm của đơn vị này không chỉ được mở rộng ra cả nước mà còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Bà Mai Thị Ý Nhi, chủ Cơ sở bánh ngọt Mỹ Phương, cho biết: dù có giá bán cao hơn so với các loại bánh dừa thông thường nhưng sản phẩm bánh dừa nướng của đơn vị này vẫn được thị trường đón nhận và tin dùng. "Chương trình OCOP đã mang lại những giá trị tích cực, không chỉ góp phần nâng tầm thương hiệu, sản phẩm mà còn giúp chúng tôi gia tăng giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đạt tiêu chuẩn OCOP, bánh dừa nướng Mỹ Phương đã có mặt không chỉ thị trường trong nước mà còn ở cả nước ngoài. Khách hàng biết đến chúng tôi nhiều hơn...", bà Nhi cho biết.

Theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP Đà Nẵng, nhận thấy tầm quan trọng của Chương trình OCOP nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Đà Nẵng đăng ký tham gia chương trình này để các sản phẩm của họ được công nhận là sản phẩm OCOP và xem đây là một trong các giải pháp gia tăng giá trị và tiêu thụ sản phẩm. Triển khai từ năm 2019, đến nay, trên địa bàn TP đã có 28 sản phẩm của 28 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao, trong đó, có các mặt hàng đặc sản của TP như: nước mắm nhỉ Bình Minh và nước mắm Hương Làng Cổ Nam Ô, bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, tré Ông Chánh, chả bò Phước Hà, v.v…

Chương trình OCOP không chỉ giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao uy tín thương hiệu, chất lượng và giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới, quảng bá hình ảnh TP Đà Nẵng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP… Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, TP phấn đấu có hơn 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Để đạt được mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và PTNT TP phối hợp với các sở, ban, ngành hữu quan ham mưu UBND TP tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tham gia Chương trình OCOP, đặc biệt là hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử…

PHÚ NAM