Ông cháu “ba-ri-e”
(Cadn.com.vn) - “Người bạn già của tôi đã mất. Giờ có cháu Hải cùng tôi đứng gác. Chứng kiến tai nạn mình không cầm lòng được, chí ít cũng đứng đó để nhắc nhở mọi người biết mà tránh”. Ông Nguyễn Văn Ca (1942) nói về “đồng nghiệp” quá cố và chàng trai trẻ Lê Hồng Hải (1995) khi tự nguyện làm người gác tàu ở đoạn đường ngang qua tuyến đường sắt Bắc-Nam thuộc Tổ 127, P. Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Đã từ lâu, tuyến đường dân sinh cắt ngang đường sắt vào Tổ 127 là nỗi ám ảnh đối với người dân sống ở khu vực này. từ trước đến nay, riêng khu vực này đã xảy ra nhiều trường hợp va chạm với tàu hỏa, trong đó có ba người đã bỏ mạng.
Là tuyến “độc đạo” vào khu dân cư nên người dân bắt buộc phải qua lại tuyến đường này. Mặt khác, đây là vùng cửa biển Nam Ô và sát bờ biển nên có một lượng lớn thương lái cá tôm thường xuyên qua lại. Kể từ năm 2008, ông Ca cùng người bạn vong niên Nguyễn Văn Đại tự nguyện chốt chặn ở cung đường này cảnh giới cho người dân và phương tiện qua lại. Không kể ngày mưa ngày nắng, người qua lại thường thấy hai ông già đã qua tuổi thất tuần đứng hai bên đường tàu, hò hét, khua tay ra hiệu cảnh giới rằng tàu hỏa đang đến. Hôm nay, hình ảnh ấy đã có thay đổi, một già một trẻ, bởi ông Đại đã mất.
Điểm vượt đường sắt này trông từ xa thì không có vẻ gì là nguy hiểm, nhưng muốn qua được nó phải leo dốc và xuống dốc kiểu bập bênh, dễ khiến người điều khiển phương tiện chú ý đến đường mà lơ là các chuyến tàu đang lao đến... Ông Ca lục lọi trong trí nhớ: “Này, xưa cái gốc cây xoài kia đặt ba bốn cái am thờ linh hồn những người đã khuất vì tai nạn. Nhưng tôi thấy vậy khiến người ta ám ảnh nên đề xuất yên vị các vong hồn ấy ở nơi khác để để người qua lại cũng khỏi chạnh lòng, mất tay lái”.
Ông Ca “ba-ri-e” đang quan sát tàu hỏa để kịp thời cảnh giới cho mọi người. |
Không biết duyên nợ thế nào, mà cháu ngoại của người bạn gác tàu đã mất của ông Ca bây giờ thay ông làm người gác tàu. Nghe ông Ca bảo rằng, nhà Hải nghèo lắm, thi đỗ vào một trường Cao đẳng nhưng không đủ sức đi học. Nhà Hải lại neo người, Hải đi học thì ở nhà ai trông nom bà ngoại như ngọn đèn trước gió. Thế là Hải bỏ lỡ giấc mơ giảng đường, một buổi gác tàu một buổi xuôi ngược cửa biển tìm con cá mớ tôm mưu sinh. Chỉ tay về chiếc thúng con trên dòng Cu Đê đoạn sát cửa biển, ông Ca bảo: “Thằng Hải nó thả lưới, thả lừ ngoài đó”. Chiếc thúng lắc lư vì những đợt sóng, Hải nói với vào bờ: “Có chi mô mà nói anh. Em nói rồi đó, đừng đưa em lên báo, em ngại lắm”.
Lại nhắc đến chuyện của ông Ca, người dân sống chung quanh cho biết rằng chốt chặn và cái ba-ri-e đó mới được lập cách đây không lâu. Ngày trước ông Ca ông Đại bắc một cái ghế đẩu, trời nắng thì đội nón, trời mưa thì quàng tơi che dù. Ai cũng thầm biết ơn hai ông lão không thiết thân già chườn người ra đường để mọi người được bình yên. Bề ngoài, cái chốt chặn và tác phong của ông Ca chả khác những nhân viên của ngành đường sắt là mấy. Chốt làm bằng tồn kẽm, có ba-ri-e hẳn hoi, nhưng nếu xét đúng nghĩa thì ở cái tuổi của ông không một cơ quan nào có thể đứng ra nhận một nhân viên như vậy. Nhưng người dân quý, chính quyền quý, ngành đường sắt cũng quý con người thiết tha vì sự bình yên của đồng loại, nên để ông thỏa nguyện, còn chấp thuận cho ông mặc sắc phục của nhân viên gác chắn.
Ông Ca nói rằng, cũng có nhiều phóng viên, nhà báo gặp ông quay phim, chụp ảnh, viết bài. Ông gạt phắt, bảo rằng ngoài kia bao nhiêu thứ đẹp sao mấy cô cậu không tìm mà quay mà chụp. Lão thì suốt năm suốt tháng quanh quảnh nơi này, quay chụp làm gì cho mất công. “Năm ngoái có đoàn ở trên về thăm tôi, bảo rằng có muốn ra Hà Nội thăm lăng Bác không. Tôi muốn lắm nhưng nghĩ lại mình đi ra đó chí ít cũng mất hơn tuần, ở đây ai cảnh giới tàu hỏa cho bà con đi lại. Nói không phải chứ nhỡ xảy ra chuyện gì thì tội lắm”. Vừa nói lão vừa kéo chiếc ba-ri-e xuống rồi ra hiệu mọi người hãy chờ đợi cho đoàn tàu đi qua.
Chia tay, ông Ca cười dí dỏm: “Đúng thiệt, tàu ơi. Mi cực, tau cực, mi cực, tau cực...”. Tiếng tàu từ xa lặp lại “cực, cực... cực, cực...” như điệp khúc.
Bùi Đức Tú