Ông Đồ phố Hội
(Cadn.com.vn) - Gần 1 thế kỷ "lặn lội" với chữ Hán - Nôm, nhà nghiên cứu Đỗ Xuân Nghinh toàn tâm toàn ý phục hồi nguyên tác 3 tác phẩm văn học lớn của dân tộc gồm Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm khúc, Lục Vân Tiên bằng chữ Hán Nôm. Công trình quý giá của ông là đóng góp lớn lao cho sự nghiệp bảo lưu di sản văn hóa Hán-Nôm đang dần mai một.
ĐỖ XUÂN NGHINH sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có truyền thống nho học ở làng Phù Kỳ, xã Điện Trung, H. Điện Bàn, Quảng Nam. Thân sinh ông là cụ Đỗ Cao Đệ, ngự y viện từ đời vua Khải Định đến Tự Đức tam niên. Thiếu thời, Đỗ Xuân Nghinh đã thông minh hơn người, 6 tuổi đã học chữ Nho, 9 tuổi đã thông thạo Hán tự, trở thành cây viết khế ước cho dân chúng. 12 tuổi, nối nghiệp nhà, ông theo cha học nghề đông y, bào chế thuốc cứu người.
Từ nhỏ, Đỗ Xuân Nghinh đã nổi tiếng về tinh thần hiếu học. Không có giấy viết, ông luyện thư pháp trên lá chuối, rồi "sáng ý" tìm đến người thợ nhuộm vải trong làng để xin tập viết chữ lên vải ta trước khi đem nhuộm. Những bút tích "phượng múa rồng bay" trên những bức hoành phi, liễn đối vẫn còn được lưu giữ ở hàng trăm ngôi đình chùa, miếu mạo, nhà thờ gia tộc ở Quảng Nam-Đà Nẵng ngày nay của Đỗ Xuân Nghinh chính là kết quả của những ngày tháng luyện tập công phu trong điều kiện khốn khó đó. Cả trong thời gian tham gia du kích, trên những vùng đất đi qua, Đỗ Xuân Nghinh âm thầm sưu tầm hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ truyền tụng trong dân gian để viết nên cuốn "Ngạn ngữ Việt Nam liên đối" với 1.054 câu tục ngữ, ca dao. Đặc biệt, ông đã sắp xếp lại những lời ăn tiếng nói của quần chúng thành một hệ thống trật tự đối xứng vững niêm luật đến mức đáng ngạc nhiên.
Nhà nghiên cứu Hán - Nôm Đỗ Xuân Nghinh viết thư pháp. |
Năm 1945, Đỗ Xuân Nghinh được bầu làm Chủ tịch UBND ủng hộ Nam Bộ kháng chiến làng Bàn Lãnh, tham gia đoàn thanh niên cứu quốc, rồi được bầu giữ chức vụ Bí thư thanh niên cứu quốc xã Quế Phước. Bị địch bắt giam tại nhà lao Vĩnh Điện từ năm 1957-1960, nếm đủ đòn roi tàn ác của quân thù, ông vẫn kiên gan bền chí, một lòng trung thành với lý tưởng cách mạng. Trong chốn tù ngục tăm tối, tài năng của Đỗ Xuân Nghinh vẫn luôn tỏa sáng. Một lần, xảy ra tranh chấp ranh giới giữa làng Văn Ly và Túy La gây nên án mạng, tri phủ huyện Điện Bàn thời đó là Nguyễn Đình Bá khét tiếng ác ôn vẫn phải mời Đỗ Xuân Nghinh ra tù, nhờ ông tìm cách giúp đỡ, bởi các giấy tờ, đơn từ, sổ bộ của hai làng để lại đều viết bằng Hán tự. Sau khi tra cứu, Đỗ Xuân Nghinh đã giúp tìm ra được cột mốc giới giữa hai làng làm bằng gỗ thiết lim ở gần bờ sông bị lấp sâu dưới mặt nước độ 3 tấc, trên có dòng chữ Nho: "Nha hàng bất đắc Nam xâm, thủy đạo bất đắc Bắc quật" (nghĩa là hàng tre không được lấn về phía Nam), phân xử rành rọt cho cả hai làng. Tài trí của Đỗ Xuân Nghinh khiến kẻ thù cũng phải kính phục, từ đó chúng thôi hành hạ, đối xử tệ bạc với ông như trước nữa.
Sau chiến tranh, Đỗ Xuân Nghinh về công tác tại Bệnh viện H. Duy Xuyên và Bệnh viện thành phố Hội An. Với vốn Hán Nôm uyên thâm, bên cạnh công việc chính, ông còn kiêm nhiệm thêm nghề "giải mã" văn tự cổ. Những giai thoại về các chiết tự thi mà Đỗ Xuân Nghinh đã tìm ra từng làm thán phục giới nghiên cứu Hán Nôm cả nước. Dịch vụ 108 cũng "đặt hàng" ông thường xuyên qua điện thoại để trả lời giúp hàng ngàn câu hỏi gai góc; những nhà nghiên cứu về bia chí của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Quảng Nam vẫn thường xuyên đến nhờ ông giúp đỡ. Cụm từ "Nghinh - Xuân - Ký - Viễn" (Đỗ Xuân Nghinh- Hoàng Châu Ký- Nguyễn Viết Xuân- Giáo sư Lê Trí Viễn) được truyền tụng ở xứ Quảng là bằng chứng về lòng thán phục của nhân dân đối với các nhà nghiên cứu xuất sắc thời bấy giờ.
Trong những lúc thanh nhàn, thú vui tao nhã của cụ đồ Nghinh là sáng tác thơ. Bài thơ "Chiều thu trên phố Hội" của ông được truyền tụng trong Hội thơ thành phố Hội An năm nào là một bài "thuận nghịch độc thi" vô cùng độc đáo, có thể đọc thành 2 cách:
"Ta yêu vẻ đẹp cảnh về thu
Sóng dợn mây giăng khói mịt mù
Qua lại khách chờ thuyền thưởng ngoạn
Tới lui người đón kẻ nhàn du
Hoa phô sắc thắm màu trang điểm
Nhạc trỗi ta nâng chén tạc thù
Quà tặng bạn thân tình phố Hội
Ta yêu vẻ đẹp cảnh về thu".
Có thể đọc bài thơ theo cách ngược lại, từ chữ cuối cùng đến chữ đầu tiên mà vẫn êm ái và mượt mà, đầy ý vị. Nếu đọc thuận sẽ thấy cảnh phố Hội trong buổi ban mai với "Sóng dợn mây giăng khói mịt mù” còn đọc nghịch thì không gian đã nhuốm màu chiều: "Mù mịt khói giăng mây dợn sóng". Tuyệt bút chính là ở cách đảo chữ tài tình này.
Một mùa xuân nữa ngấp nghé bên thềm. Cụ Nghinh nói năm nay cụ không viết câu đối Tết mà chỉ có bài thơ tự thán. Rồi cụ ngâm nga:
"Tám mươi sáu tuổi vẫn chưa già
Cuộc thế trầm thăng đã trải qua
Ngày những chăm lo nghề Biển Thước
Đêm luôn tâm niệm đạo Di Đà
Văn chương trao đổi dòng thư pháp
Biến đổi trau dồi nét bút hoa
Để lại cho đời bao kỷ niệm
Thân nhàn an tĩnh thỏa lòng ta".
Đông Phương