"Ông Đức 115"
Đó là tên gọi thân mật của người dân địa phương khi nhắc về ông Võ Văn Đức (70 tuổi, trú khu dân cư Quang Thành 4A, P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Suốt hơn một thập kỷ qua, ở đâu có người gặp khó khăn, hoạn nạn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ ông đều có mặt. Trong chiến tranh, ông tham gia lực lương C33 an ninh H.Duy Xuyên. Từ 1970-1974 ông bị địch bắt, giam cầm ở nhà tù Côn Đảo. Sau ngày thống nhất, ông về công tác tại Đảng ủy khu 5 (sau này là Học viện Chính trị khu vực 3). "Hồi chiến tranh, tôi đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm, bất hạnh nên nhủ lòng sau này dù khó khăn cũng phải cố gắng giúp đỡ những hoàn cảnh như vậy", ông Đức tâm sự.
Ông Đức nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen về những cống hiến của mình cho xã hội. |
Về nghỉ hưu, ông Đức làm thêm nghề thợ mộc mưu sinh nhưng hàng tháng vẫn trích một phần ra làm từ thiện. Những hoàn cảnh đầu tiên ông giúp đỡ là người già, người mắc bệnh hiểm nghèo mà ông biết. Dần dà, việc làm của ông được nhiều người đồng cảm nên có thêm những "đồng nghiệp" mới. Năm 2012, nhóm thiện nguyện của ông gồm 7 thành viên bắt đầu hoạt động. "Nhóm duy trì được 3 năm và tôi rất mừng vì có nhiều trường hợp nhờ được giúp đỡ đã vượt qua khó khăn, bệnh tật. Toàn bộ chi phí đều do anh em tự nguyện đóng góp, người khá góp nhiều, người khó góp ít", ông Đức cho hay. Để việc làm thiện nguyện được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản hơn, ông tham gia và được bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Đức Tâm (thuộc Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em Q. Liên Chiểu). Với uy tín của mình, ông đứng ra kêu gọi các tấm lòng hảo tâm ủng hộ quỹ từ thiện. Từ nguồn này, các hoạt động duy trì thường xuyên, những phần quà càng chất lượng hơn. Hiện nay nhiều hoàn cảnh được ông trợ cấp hằng tháng trong đó kể đến như bà Trần Thị Ba (70 tuổi, trú khu chung cư Hòa Hiệp), mất sức lao động nhưng phải nuôi mẹ già bại liệt và một người em bị tâm thần.
Từ khi tham gia CLB Đức tâm, ông Đức trở nên bận rộn hơn, cái tên "ông Đức 115" cũng có từ đó. Bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm hễ nhận được điện thoại có trường hợp tử nạn vì TNGT, đuối nước... ở đâu là ông nhanh chóng đến xác minh sự việc, hoàn cảnh gia đình. Nhận thấy nạn nhân cần giúp đỡ, ông sẽ đứng ra trực tiếp kêu gọi hỗ trợ. Ông Đức kể, trường hợp ông nhớ nhất đó là một phụ nữ quê tỉnh An Giang, bị đột quỵ lúc nửa đêm mất trên đèo Hải Vân nhưng không có thân nhân. Khi nhận được thông báo, ông chạy ngay lên đèo, vận động được hơn 20 triệu đồng thuê xe đưa nạn nhân về quê, lo mai táng chu toàn. Tại địa phương, ông Đức còn được biết đến là "hiệu trưởng" của một trường học dành cho trẻ em nghèo. Thực tế, đây là các lớp học tình thương dạy cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 mỗi dịp hè. Hoạt động giống như một ngôi trường thu nhỏ nên các em học sinh hay gọi đây là "trường" cho "oách". Ông Đức là người mở trường và kêu gọi quyên góp duy trì hoạt động. Không chỉ dạy học thông thường, đây còn là sân chơi để các em giải trí mỗi dịp hè nhằm tránh xa các trò chơi điện tử. Học trò tham gia vào các lớp học đều là con công nhân, lao động nghèo.
Sau mỗi khóa học, ông Đức lại tổ chức tổng kết, trao thưởng động viên các em. Ông Đức tâm sự rằng, từ nhỏ ông rất ham học nhưng do chiến tranh loạn lạc việc học đành đứt quãng. Khi bị tù đày, nhiều đồng đội ông kèm nhau học nhưng điều kiện vô cùng khó khăn. Trước lúc ra đi, một đồng đội đã nhắn nhủ ông là dù gì đi nữa cũng phải tiếp tục học, chỉ có học mới thay đổi được tương lai, đất nước. Vì thế nên sau này về hưu ông dành hết tâm huyết nâng cánh ước mơ cho các học trò nghèo. "Đến nay, lớp học duy trì hơn 5 năm. Hai cô giáo tình nguyện đứng lớp dạy học nay một cô đã về hưu. Dù dạy không lương nhưng bằng tấm lòng với con trẻ họ vẫn tận tâm, gắn bó. Trước đây, các lớp học được mở trong nhà văn hóa nhưng do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nên tôi vừa xin chuyển qua Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng và được Ban giám hiệu nhà trường đồng ý. Dự kiến trong tháng 5 tới, lớp học được mở và các em lại có nơi học tập, sinh hoạt mới", ông Đức thông tin.
Thành Danh