Ông Nguyên Ngọc - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Phan Châu Trinh: “Đào tạo tốt ngành Khoa học xã hội để góp phần tác động đến nhận thức của xã hội”

Thứ tư, 29/08/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Đến nay, Trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) đã có 2 khóa sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học xã hội, trong đó 60 đến 70% sinh viên ra trường đã có việc làm ngay, nhất là SV ngoại ngữ. Hướng phát triển của nhà trường trong năm học 2012- 2013 là tiếp tục đầu tư đào tạo chuyên sâu ngành Khoa học xã hội.

Quan điểm của nhà trường là đào tạo cho SV một nền tảng xã hội nhân văn tốt nhằm giúp các em dễ thích ứng với với xã hội khi ra trường, khá năng động trước môi trường xã hội mới.

 Giáo sư Hoàng Tụy trao Bằng tốt nghiệp cho sinh viên.

 P.V: Thưa ông, ông có thể cho biết tại sao Trường Đại học Phan Châu Trinh đã và đang quyết tâm đầu tư đào tạo chuyên sâu ngành Khoa học xã hội?

Ông Nguyên Ngọc: Những năm gần đây, số lượng thí sinh dự thi khối C nói riêng và ngành Khoa học xã hội nhân văn ngày càng thưa dần, tụt dài đến đáng báo động. Tuy nhiên lại không có tiếng báo động thích đáng, nhất là ở những nơi có trách nhiệm chính. Người ta bảo như thế cũng bình thường thôi, là tất yếu trong một xã hội đang muốn chuyển theo kinh tế thị trường. Thật nguy hiểm. Một xã hội quay lưng lại với những gì liên quan đến đời sống tinh thần thì sớm muộn tất yếu suy thoái. Trong tình hình như vậy, dù đang nhiều khó khăn, trường chúng tôi kiên định giữ vững và cố gắng đẩy mạnh hơn nữa khoa XÃ hội nhân văn. Chúng tôi biết như vậy là đi ngược dòng nước, nhưng cũng nghĩ cố gắng làm tốt thì cũng là góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội, vì những lợi ích cơ bản và lâu dài.

Trên hướng này, chúng tôi cũng có một số thuận lợi. Chúng tôi ở Hội An, nơi có môi trường văn hóa lý tưởng. Một trường đại học ở Hội An mà coi thường các môn xã hội nhân văn thì thật khó chấp nhận. Nó vừa phải tận hưởng cho được thế mạnh văn hóa của Hội An để phát triển, vừa phải tham gia như một nguồn sức mạnh quan trọng thiết thực góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa Hội An. Chúng tôi cũng đang được tăng cường một số thầy giỏi ở ngành này. Trưởng Khoa Xã hội nhân văn của trường hiện nay là tiến sĩ TS Nguyễn Thị Từ Huy, tốt nghiệp Đại học Sorbonne, Paris, là chuyên gia hàng đầu về lý luận văn học ở ta hiện nay. Chúng tôi cũng có được một lực lượng các nhà văn hóa và khoa học trong hội đồng tư vấn của trường sẵn sàng đến giảng dạy và làm việc với sinh viên, giúp trường và giúp các em sinh viên mở rộng tri thức cần thiết. Họ không chỉ mang đến tri thức mới cho các em mà còn chủ yếu giúp các em cách học tập và rèn luyện cách tư duy tiên tiến. Ở Trường Phan Châu Trinh, các em cũng sẽ có dịp gặp gỡ, trao đổi, học tập các nhà văn và nghệ sĩ nổi tiếng các ngành. Chúng tôi quan tâm đào tạo con người toàn diện.

 P.V: Ông có nhận xét gì về sinh viên được đào tạo hai khóa vừa qua của trường?

Ông Nguyên Ngọc: Cho đến nay, từ 60 đến 70% các em theo học các ngành trong hai khóa vừa qua ra trường đã có việc làm ngay, đặc biệt ngành ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Trung tỷ lệ có việc làm cao, tiếng Anh đến 80-90%. tiếng Trung có việc làm đạt 100% và lương cao đến 8,9, 10 triệu đồng/tháng. Chúng tôi coi việc các em sớm có được việc làm tốt là dấu hiệu đáng mừng: xã hội chấp nhận nhận sản phẩm đào tạo của chúng tôi. Tôi có nhận xét: nếu các em có nền tảng xã hội nhân văn tốt rất dễ thích ứng với xã hội khi ra trường, khá năng động trước môi trường xã hội mới. Chúng tôi có Hội cựu sinh viên, qua tổ chức này chúng tôi luôn theo dõi hành trình ra đời của các em, rất vui thấy các em gắn bó với trường cũ, và rất quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, và giúp các lớp sau. Một số em đã đề xướng một quỹ học bổng cho SV các khóa sau...

 P.V: Trong năm học mới, Trường ĐH Phan Châu Trinh có thêm những quyết định nào để để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được?

Ông Nguyên Ngọc: Chúng tôi tập trung vào hướng từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và học tập. Sẽ áp dụng chế độ học phí mới đi đôi với học bổng mới. Học phí là 5 triệu đồng/ học kỳ. Đồng thời trường có 100 suất học bổng bằng 80% học phí (tức 8 tiệu đồng/năm) và 100 suất học bổng trị giá 50% học phí (tức 5 triệu đồng /năm. Cũng có học bổng 30%. Các thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường sẽ qua một số hình thức xét tuyển nhẹ nhàng và hiệu quả như sau khi nhận được hồ sơ tham dự xét học bổng, chúng tôi sẽ có một hội đồng phỏng vấn, chủ yếu nhằm thăm dò tiềm năng của từng em ... Tôi nghĩ dạy đại học là cố gắng dạy từng em, biết được từng em, để cố gắng khơi gợi tiềm năng của các em mà thường các em cũng chưa tự nhận ra được. Để từ đó từng em tự tìm được con đường phát triển của mình. Theo tôi, để các em tự phát huy năng lực là tốt nhất. Có vậy mới có thể vững chắc và đi xa. Nhà trường và người thầy là  người đưa đường.

 P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Uyên Nguyên