Ông Quá “hai lúa” và bí kíp chế tác gạch Chăm
(Cadn.com.vn) - Không phải đến năm 1999, khi khu đền tháp Mỹ Sơn được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, các chuyên gia mới “bạc đầu” cho việc khám phá chất kết dính và vật liệu trùng tu những phế tích người Chăm xưa. Nhưng mọi nghiên cứu và thực hành dù tỉ mẩn, tâm huyết nhất từ hàng chục năm qua đều không thể tương đồng với kiệt tác đã được khởi dựng và tồn tại từ hơn 1.500 năm trước. Một ngày, các chuyên gia trong nước và những tên tuổi phục dựng di sản hàng đầu đến từ thành Rome như bắt được vàng khi nhận một mẫu gạch đất sét hoàn hảo nhất từ trước tới nay.
NỬA ĐỜI VỌC ĐẤT
Người ta vẫn nói, máy móc hiện đại chẳng thể dệt được một tấm thổ cẩm, công nghệ tiên tiến không đúc được chiếc chiêng đồng. Không chỉ là hình thức mà còn là cái hồn trong sản vật hay linh khí. Cũng thế, với vật liệu xây dựng và máy móc ngày nay, có thể chỉ qua một đêm, sáng ra đã thấy tòa nhà sừng sững chọc trời. Thế mà cả thập kỷ, con người vẫn không thể nào giải thích vì sao chỉ bằng những viên gạch nối xếp với nhau tưởng như không cần phụ gia, không chất kết dính lại làm nên những tòa tháp linh thiêng, bền vững cả nghìn năm. Bởi vậy khi một phần di sản của người Chăm bị chiến tranh, thiên tai làm hoang phế, chúng ta không thể tìm ra chất liệu tương đồng để phục dựng... Cho đến khi ông Nguyễn Quá, người xã Duy Hòa, H. Duy Xuyên, Quảng Nam, lão nông dân có ngót nửa thế kỷ “vọc đất” ra tay.
![]() |
Ông Quá nói gạch được đúc theo tháp chứ không phải tháp xây theo gạch |
Căn nhà ở thôn La Tháp Tây, xã Duy Hòa cũng là cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ Duy Hòa do ông Quá làm chủ. Cơ ngơi được dựng lên từ một lò gạch đất nung ban đầu, rồi chuyển qua làm gốm. Đến lạ! Người ta phơi gạch thì ưa trời nắng, để sớm cho vào lò. Còn gạch ngoại cỡ của ông lại được phơi ở những nơi không nắng quá, cũng không ẩm quá, lâu cũng phải chịu. Hỏi mới biết, đó là "gạch di sản", được đặt hàng bởi các chuyên gia đến từ Rome, dành riêng cho khu đền tháp Mỹ Sơn. “Anh biết chuyên gia Unesco khắt khe như thế nào rồi đấy. Qua cả chục lần bại mới được một lần thành, mẫu gạch được gửi qua Ý, trả về Việt Nam nhiều bận mới được cái gật đầu. Di sản là của thế giới nhưng trước hết là của con người, mảnh đất quê tôi. Có mất bao nhiêu mồ hôi, công sức cũng đáng”, ông Quá vừa cẩn thận xếp mẻ gạch vào lò vừa nói chuyện.
“Lấm đất” từ hồi 15 tuổi, ban đầu gia đình Nguyễn Quá mưu sinh bằng cái lò gạch thủ công. Sau thời mở cửa, khi người làng chịu không trụ nổi với nghề gạch ngói, bỏ nghề đi làm ăn thì ông là một trong ít người bám trụ giữ nghề. Đến năm 1993, ông chuyển gạch sang gốm với những sản phẩm nhỏ gọn bán cho khách du lịch ở Mỹ Sơn và tìm được nguồn xuất khẩu. Tượng vũ nữ Apsara, mô phỏng kiến trúc đền tháp, đài sen, nữ thần... qua bàn tay tài hoa của ông trở nên tinh xảo và mềm mại lạ kỳ. Đóng gạch thẻ dễ, làm gốm mỹ nghệ cũng chẳng khó, đời làm nghề của ông đã gặp “trắc trở” thực sự khi dồn tâm sức nghiên cứu và sản xuất gạch đặc chủng, không định lượng để hàn gắn những phế tích thuộc hàng đỉnh cao của nghệ thuật Chămpa. “Bao người làm thử nhưng đều không đạt. Tôi đây cũng đã mất mấy năm trời, phí hàng nghìn khối đất rồi mới có được cái gật đầu của các chuyên gia người Ý. Gọi đây là bí kíp cũng được, vì dùng đất Duy Xuyên, người Duy Xuyên, đúc nấu trên đất Duy Xuyên nhưng từ trước đến nay không ai thành công cả”, ông Quá tâm sự.
![]() |
Những người thợ của ông Quá hầu hết là phụ nữ, vì đúc gạch này cần tính tỉ mẩn. |
KHI ĐẤT HÓA TÂM HỒN
Ông Quá nói, chỉ có đất ở vùng tây Duy Xuyên mới có duyên cơ để hàn gắn khu đền tháp, nhưng phải tìm mạch đất như người bỏ trúm tìm lươn, rồi lấy mẫu thử bằng tay. Khi đưa về nhà, đất được lọc bằng phương pháp thủ công sao cho khi miết không còn độ nhám hay sỏi cặn, qua 2 đợt ủ, 2 đợt nhồi mất khoảng gần 1 tháng rồi mới cho vào khuôn gỗ. Và cách lên khuôn của loại gạch đặt hàng này cũng không bình thường, mỗi lần người thợ chỉ vò một hòn to như nắm tay rồi lấy hết sức nện vào, đến khi đầy khuôn thì dùng chân xéo cho nén rồi mới gọt dũa. Gạch ra khuôn được phơi nơi không nắng quá cũng không râm quá. Đến khi vừa đủ độ thì thêm một lần gọt dũa trước khi đưa vào lò nung ở nhiệt độ 900oC trong 10 ngày. Không như gạch xây dựng bình thường, chỉ cần một vết sứt dù bằng hạt gạo đã trở nên vô giá trị. Hỏi ngoài đất vùng tây Duy Xuyên và kinh nghiệm nửa đời vọc đất thì còn bí kíp nào nữa để những viên gạch này lọt vào mắt xanh của các chuyên gia người Ý, ông Quá cười hiền: “Cái này là tài sản “tuyệt mật” của riêng tôi và hồn đất quê tôi. Di sản có một thì bí kíp cũng chỉ có một”. Gạch ông Quá, để nói là đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc người Chăm thì không thể, nhưng theo các chuyên gia của Đại học Roma (Italia) và Viện Bảo tồn di tích thì đây là mẫu gạch trùng tu tháp tốt nhất từ trước tới nay vì nó có khả năng chịu lực, cân bằng độ ẩm, hút nước và chống lại quá trình muối hóa. “Vì được sản xuất để hàn gắn theo kích cỡ những phần hư hỏng nên loại gạch này không gây hại gạch gốc trong cùng mạch kiến trúc. Đất sét tương tự về mặt thổ nhưỡng, nhào nặn đủ độ, thời gian và mức nhiệt nung đảm bảo. Từ trước tới nay chưa có loại gạch nào đảm bảo hết được những tiêu chuẩn do Unesco đưa ra như gạch ông Quá”, kiến trúc sư Đặng Khánh Ngọc (Viện Bảo tồn di tích đồng thời là chỉ huy trưởng nhóm trùng tu tháp E7) nhận xét.
Ghi chép: Công Khanh