“Ông tổ” nghề nón Đồng Văn

Thứ ba, 13/05/2025 08:20

Hơn 70 năm trôi qua, làng nghề làm nón Đồng Văn nép mình bên dòng sông Lam yên bình vẫn được người dân gìn giữ và lưu truyền. Với họ, nghề nón không chỉ là kế sinh nhai, mang lại nguồn thu nhập mà còn là sự tri ân, biết ơn đối với người đã có công truyền dạy.

Cụ Trần Đình Mạnh kể về “người thầy” dạy làm nón.
Cựu binh Trần Văn Tuy là “ông tổ” nghề nón ở xã Đồng Văn.

Người cựu chiến binh “nặng nợ” với nón lá quê hương

Sở dĩ làng nón Đồng Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) được lưu truyền đến ngày nay là nhờ công lao của ông Trần Văn Tuy – thương binh thời chống Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều thương binh được chuyển từ mặt trận về Tài Lam (Đồng Văn) để an dưỡng. Ngày ấy, thương binh Trần Văn Tuy (1919, quê ở Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình) được đơn vị phân về ở nhà bà Phan Thị Thiết xóm Tiên Kiều. Sau thời gian dưỡng thương, cũng vì thương nhớ nghề nón quê nhà, ông Tuy về thăm quê và đã mang khung làm nón ra để truyền dạy cho người dân Đồng Văn. Cũng từ đó, làng nghề làm nón Đồng Văn ra đời, nở rộ và có một thời kỳ phát triển đỉnh cao.

Ông Trần Văn Sinh (1952, con trai cụ Tuy, trú tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương) nhớ lại: “Trong kháng chiến chống Pháp năm 1948, cha tôi chiến đấu và bị thương ở Quảng Trị sau đó được đưa ra an dưỡng ở xã Đồng Văn. Tại đây, cha tôi được đơn vị phân công về nhà bà Phan Thị Thiết dưỡng thương. Kết thúc đợt an dưỡng, với tỉ lệ thương tích 45%, ông ấy không thể trở lại chiến trường. Những ngày tháng ở nhà bà Thiết cũng là khoảng thời gian ông ấy đem lòng yêu con gái của bà và sau đó nên duyên vợ chồng. Trong một lần về quê, ông quyết định đưa khung làm nón ra Đồng Văn truyền nghề. Ban đầu, nghề nón được ông truyền dạy cho những thành viên trong gia đình, sau đó dân làng tìm đến ông để học. Vừa sản xuất, vừa làm nón, đêm cả làng chong đèn làm rồi sáng hôm sau đi nhập ở các chợ tạo thành một phong trào thi đua sản xuất mạnh mẽ”.

Cũng theo ông Sinh, đến tận bây giờ dù cha ông đã mất nhưng mỗi khi nhắc đến nghề làm nón, người dân Đồng Văn vẫn luôn nhớ đến và tri ân công lao truyền dạy nghề của ông Trần Văn Tuy. Họ thường nói với nhau, nhờ ông Tuy dân làng mới có ngày hôm nay.

Cụ Trần Đình Mạnh (95 tuổi, trú làng Tiên Quánh, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) nhớ lại, cả xã Đồng Văn thời đó chưa hề có ai biết đến nghề làm nón. May mắn có ông Trần Văn Tuy truyền dạy. “Ban đầu chúng tôi cũng rất bỡ ngỡ nhưng nhờ sự chỉ dạy chu đáo, nhiệt tình của ông Tuy, người này làm được rồi bày dạy người kia, cứ thế nghề nón lan rộng. Thời điểm đó, cả xã có 11 thôn, thôn nào cũng có người làm nón. Đặc biệt sau giải phóng, nghề làm nón ở đây phát triển mạnh. Chúng tôi thời đó, ngày làm đồng, đêm chong đèn làm nón. Nơi nơi trẻ em, thanh niên, phụ nữ, người già thi nhau chằm nón. Sáng sớm phụ nữ đưa nón đi các chợ Lường (huyện Đô Lương), chợ Rạng, chợ Dùng (huyện Thanh Chương) bán, chiều hối hả trở về với việc chằm may và lo việc nhà. Nhờ đó mà có tiền mua đồ ăn, thức uống, sắm sửa trong nhà. Nghề nón mang lại kế sinh nhai, thu nhập giúp người dân chúng tôi ổn định cuộc sống, vợ chồng tôi nuôi 4 đứa con ăn học nên người” – cụ Mạnh chia sẻ.

Ông Trần Văn Sinh (con trai cụ Tuy) lần giở lại những tài liệu về cha.

Cố níu giữ nghề truyền thống

Sau giải phóng, cả xã Đồng Văn có khoảng 200 người làm nón nhưng càng về sau này, thị trường xuất hiện nhiều loại mũ nên nón càng ít người sử dụng. Nón chủ yếu dành cho những người làm công việc đồng áng nên ít người mua hơn. Cũng vì thế, nhiều người đã bỏ nghề nón, hiện trong làng chỉ còn hơn chục người làm để cố níu giữ nghề truyền thống.

Bà Lê Thị Bính là một trong những người níu giữ nghề nón xã Đồng Văn.

Bà Lê Thị Bính (1956, trú làng Tiên Quánh, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) cho biết, sau giải phóng, bà về làm dâu ở đây đã được mọi người truyền nghề và duy trì cho đến tận bây giờ đã 50 năm. “Thời đó cả làng làm nón, tranh thủ mọi thời gian. Hôm trời nắng thì ngày đi làm đồng, tối làm nón. Ngày mưa thì cứ 6-7 người tụm lại, đàn ông làm vành, đàn bà may, vừa làm vừa nói chuyện rôm rả. Nón làm xong được gánh đi chợ bán, mỗi cái có giá 5-7 hào. Nhờ làm nón mà dân chúng tôi có tiền để đổi lấy thịt, cá và nuôi các con ăn học” – bà Bính tiếc nuối nhớ về một thời hoàng kim của làng nghề.

Cũng theo bà Bính, để làm được một chiếc nón phải qua nhiều công đoạn, như gắn khuôn, xâu lá, chằm may, nức chân, xâu nôi, quang dầu, phơi nắng. Để làm chiếc nón đẹp, ngoài yêu cầu lá trắng, vành đều, đòi hỏi người thợ phải khéo tay, mềm mại trong đường kim mũi chỉ. Công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ chuyên cần của người làm nón.

Cụ Trần Đình Mạnh kể về “người thầy” dạy làm nón.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, có lúc thịnh lúc suy, nhưng người làm nón Đồng Văn vẫn yêu quý và cố gìn giữ lấy nghề, bởi nó đã đem lại nguồn thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho mọi người, và hơn nữa, đó còn là tình yêu đối với nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Tuy nhiên, trước sự phát triển của kinh tế thị trường, nghề làm nón Đồng Văn đang đứng trước nguy cơ mai một. “Khó khăn của nghề làm nón bây giờ không phải là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, mà là nguồn nguyên liệu lá nón quá hiếm. Lâu lâu mới có lái buôn mang lá nón về bán, ai đặt mua, cất giữ được thì mới có nguyên liệu để làm. Sự thiếu thốn về nguyên liệu cộng với thu nhập thấp, may chằm công phu, khiến cho người dân không còn tha thiết với nghề. Những người còn giữ nghề ở đây cũng làm việc thất thường, bữa có, bữa không. Động lực để tôi vẫn níu giữ nghề là bởi nhiều người vẫn gọi điện đặt hàng, giữ nét đẹp truyền thống của quê hương” – bà Bính trăn trở.

Dương Hóa