Ông Trump bị truy tố hình sự

Thứ bảy, 01/04/2023 09:40
Ngày 30-3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị đại bồi thẩm đoàn Manhattan ở New York bỏ phiếu đồng ý truy tố, sau cuộc điều tra kéo dài nhiều năm. Vụ việc đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một cựu tổng thống bị cáo buộc hình sự.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Columbia, bang Nam Carolina, ngày 28-1.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Columbia, bang Nam Carolina, ngày 28-1.

Có thể đối mặt với 34 tội danh

Mặc dù các cáo buộc chính xác hiện vẫn chưa được công khai nhưng các công tố viên đã kết luận rằng họ có thể chứng minh cựu Tổng thống Trump có hành vi khuất tất xung quanh khoản thanh toán 130.000 USD cho nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels để ngăn bà công khai tiết lộ có mối quan hệ tình cảm với ông. Michael Cohen - cựu luật sư của ông Trump – là người đã chi trả khoản thanh toán đó. Tháng 4-2018, Tổng thống Trump khẳng định ông không hay biết về khoản tiền bịt miệng nhưng luật sư Cohen đã cung cấp cho Quốc hội một loạt hình ảnh séc có chữ ký của ông Trump. Luật sư Cohen nói rằng ông Trump đã che giấu mục đích của các khoản thanh toán bằng cách gán nhãn cho chúng là chi phí pháp lý của công ty. Tuy nhiên, rất có thể các công tố viên cáo buộc cựu tổng thống dùng tiền để thúc đẩy chiến dịch tranh cử tổng thống và từ đó vi phạm luật tài chính chiến dịch.

Bản cáo trạng dành cho ông Trump đã được niêm phong và sẽ được công bố trong vài ngày tới. Các công tố viên yêu cầu ông ra đầu thú và trình diện tại phiên tòa xét xử những tội danh của mình, dự kiến diễn ra vào đầu tuần tới.

Kênh CNN dẫn các nguồn thạo tin cho biết ông Trump có thể phải đối mặt với 34 tội danh liên quan đến cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh. CNN đưa tin rằng vụ bắt giữ ông Trump có thể sẽ diễn ra vào đầu tuần tới. Cho đến nay, ông vẫn phủ nhận mọi hành vi bị cáo buộc như can thiệp bầu cử và đàn áp chính trị.

Theo tờ New York Times, hiện có bốn cuộc điều tra nhằm vào ông Trump và công ty của ông, Trump Organization. Trên quy mô quốc gia, Bộ Tư pháp Mỹ đã chỉ định một công tố viên đặc biệt để điều tra hai vụ việc lớn, gồm vụ các tài liệu mật được tìm thấy tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida và những cáo buộc về nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020. Ở bang New York, Tổng chưởng lý New York đang thụ lý một vụ kiện dân sự cáo buộc Trump Organization đã nói dối những người cho vay và công ty bảo hiểm về tài sản của công ty này. Tại bang Georgia, một công tố viên ở hạt Fulton đang xem xét các cáo buộc xung quanh nỗ lực của cựu tổng thống này và các đồng minh nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 ở bang này.

Trước đó, vào hôm 18-3, Joe Tacopina, luật sư riêng của ông Trump, khẳng định rằng nếu lệnh bắt giữ được đưa ra, ông Trump sẽ không chống cự mà sẽ ra trình diện. Nếu hợp tác, các chuyên gia cho biết cựu Tổng thống Mỹ sẽ sớm được tại ngoại. Nếu từ chối chấp hành lệnh triệu tập, ông Trump sẽ bị các công tố viên bang New York áp lệnh dẫn giải khỏi nơi cư trú.

Phản ứng dữ dội của ông Trump và đảng Cộng hòa

Cựu Tổng thống Trump đã có phản ứng gắt trước động thái của đại bồi thẩm đoàn Manhattan. Ông gọi đây là “cuộc đàn áp chính trị, can thiệp bầu cử ở mức độ cao nhất trong lịch sử” và Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden, những đảng viên Dân chủ “đã tham gia cuộc săn phù thủy để tiêu diệt phong trào Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông Trump lên án quyết định truy tố tương đương với hành vi can thiệp bầu cử. Ông cũng cáo buộc các đối thủ chính trị của ông vũ khí hóa hệ thống tư pháp Mỹ để loại bỏ ông với tư cách “ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa” trong mùa bầu cử tới.

Các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã có phản ứng dữ dội sau thông tin ông Trump bị truy tố. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gọi bản cáo trạng của đại bồi thẩm đoàn New York đối với ông Trump là một “sự xúc phạm”. Trong một chương trình của CNN tối 30-3, ông Pence nói rằng mặc dù “không ai đứng trên luật pháp, kể cả các cựu tổng thống”, nhưng đối với hàng triệu người Mỹ, bản cáo trạng dường như “chẳng khác gì một vụ truy tố chính trị”. Theo ông, việc buộc tội cựu tổng thống là một “sự phá hoại đối với đất nước” và sẽ chỉ gây chia rẽ. “Tôi thực sự tin rằng quyết định này ngày hôm nay là một sự bất lợi lớn đối với đất nước”, ông Pence nói. Ông Pence cho hay, quyết định truy tố ông Trump của đại bồi thẩm đoàn New York không ảnh hưởng đến việc khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống của riêng ông vào năm 2024.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy so sánh quyết định truy tố ông Trump với việc "vũ khí hóa hệ thống tư pháp Mỹ". Ông McCarthy tuyên bố rằng Hạ viện Mỹ sẽ yêu cầu Tổng chưởng lý quận Manhattan Alvin Bragg phải chịu trách nhiệm về cáo buộc lạm dụng quyền lực của ông đối với vụ truy tố của cựu Tổng thống Trump. Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, người được xem là đối thủ lớn nhất của ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2026, cũng có cùng quan điểm. Thống đốc DeSantis gọi quyết định truy tố ông Trump là "nỗ lực vũ khí hóa hệ thống tư pháp cho mục đích chính trị".

Ngày buồn với nước Mỹ

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), việc ra quyết định truy tố cựu Tổng thống Donald Trump là một ngày buồn đối với nước Mỹ, đẩy nước này vào tình trạng chia rẽ chính trị "không thể đoán trước và có thể mang tính hủy diệt". Bản cáo trạng đầu tiên nhằm vào một cựu tổng thống trong lịch sử Mỹ có thể được coi như mở "chiếc hộp Pandora".

WSJ lưu ý mối nguy hiểm cho nước Mỹ là tiền lệ mà vụ truy tố này đặt ra. Điều này đang phá vỡ một chuẩn mực chính trị đã tồn tại 230 năm. Sau khi một cựu tổng thống bị truy tố, một số công tố viên Cộng hòa ở các địa phương có thể sẽ tìm cách làm điều tương tự với một thành viên đảng Dân chủ. Nền dân chủ Mỹ sẽ bị lạm dụng và ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa.

Thực tế, bản cáo trạng lần này đối với cựu Tổng thống Donald Trump là một động thái chưa từng có trong lịch sử Mỹ: Lần đầu tiên một cựu tổng thống Mỹ bị buộc tội hình sự. Một số tổng thống Mỹ đã từng dính líu đến vấn đề hình sự khi còn đương chức hoặc trong những năm sau nhiệm kỳ tổng thống nhưng không bị buộc tội.

AN BÌNH