Ông Trump - Kim “hội ngộ” ở Việt Nam
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cười rất tươi ca ngợi ông Kim Jong-un là “nhà lãnh đạo tuyệt vời” khi cả hai gặp nhau trong phiên hội đàm thượng đỉnh lần 2 tại Việt Nam.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vui vẻ tươi cười khi dùng bữa tối tại Hà Nội. Ảnh: CNN |
9 tháng sau lần đầu tiên hội đàm ở Singapore, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã hội ngộ tại Việt Nam cho một hội nghị thượng đỉnh được kỳ vọng rất nhiều.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt đầu hội nghị thượng đỉnh trong ngày 27-2 với những nụ cười, những cuộc nói chuyện đầy hy vọng và một bữa tối thân mật tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội.Nếu cuộc gặp thứ nhất được đánh giá là cuộc “phá băng” trong quan hệ hai nước sau nhiều thập kỷ thù địch, thì hội nghị lần thứ hai được kỳ vọng sẽ vạch ra được các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa, qua đó duy trì hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực.
Ca ngợi lẫn nhau
Tổng thống Trump đã cười rất tươi, ca ngợi ông Kim Jong-un là “nhà lãnh đạo tuyệt vời” khi cả hai gặp nhau. Tươi cười bắt tay ông Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng ca ngợi ông chủ Nhà Trắng “can đảm” và “tuyệt vời” vì “quyết định dũng cảm” của ông khi khởi xướng tiến trình gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên. Và trong 20 phút trao đổi riêng, ông và Tổng thống Mỹ “đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị”.
Sau khi kết thúc cuộc gặp riêng, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cùng nhau dùng bữa tối tại khách sạn Sofitel Legend Metropole. Theo CNN, cả hai nhà lãnh đạo xuất hiện thoải mái và thân thiện khi họ bắt đầu bữa tối cùng nhau. “Chúng ta cùng có một bữa tối riêng tư tuyệt vời”, ông Trump nói trước một nhóm ít phóng viên. Ông Trump cũng yêu cầu các phóng viên ảnh “giúp” ông và ông Kim lên ảnh thật đẹp. Ngồi cùng bàn với Tổng thống Trump có Ngoại trưởng Mike Pompeo và quyền tham mưu trưởng Mick Mulvaney. Suốt bữa tối, ông Trump một lần nữa nhấn mạnh mối quan hệ “rất đặc biệt” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Và khi phát biểu trước báo giới, Tổng thống Trump cho rằng, mối quan hệ giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đạt được rất nhiều tiến triển kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hồi năm 2018.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định hai bên đã phải rất kiên nhẫn để có thể tổ chức được sự kiện này.
Không khí vui vẻ, lạc quan
Tổng thống Trump liên tục vui cười bắt tay thân mật với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi cả hai bắt đầu hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, và dự đoán về các cuộc đàm phán thành công vào hôm nay (28-2).
Bắt tay và liên tục mỉm cười, cả hai nhà lãnh đạo đã trả lời những câu hỏi ngắn của các phóng viên trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện “một đối một”. Trong cuộc hội ngộ rất được kỳ vọng này, Tổng thống Trump cho biết, ông và ông Kim Jong-un sẽ “nỗ lực hết sức để tìm được giải pháp” cho vấn đề phi hạt nhân hóa và đưa Triều Tiên trở thành một cường quốc kinh tế. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, tiềm năng kinh tế cho Triều Tiên là “tuyệt vời” nếu nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Trump viết: “Việt Nam là một trong số ít các nơi trên Trái đất đang phát triển thịnh vượng. Triều Tiên sẽ là quốc gia tương tự, và rất nhanh thôi nếu nước này phi hạt nhân hóa. Tiềm năng là tuyệt vời, một cơ hội to lớn chưa từng có cho người bạn của tôi Kim Jong-un. Chúng ta sẽ sớm biết thôi - rất thú vị”.
Ông Trump cũng bày tỏ tin tưởng, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giúp đỡ Mỹ và Triều Tiên trong vấn đề này. Tổng thống Trump cũng bác bỏ những lời chỉ trích về các ý định của ông dành cho Triều Tiên, gọi đây là sự phỏng đoán và đưa tin sai sự thật. Trong khi các nhà phê bình cho rằng, kết quả hội nghị thượng đỉnh ở Singapore quá mơ hồ, ông Trump đáp lại rằng, các cuộc đàm phán ở Hà Nội sẽ “bằng hoặc tốt hơn lần đầu tiên”. “Tôi chắc chắn rằng sẽ đạt một kết quả tuyệt vời trong lần này. Và kết quả này sẽ được tất cả mọi người hoan nghênh”, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đáp lời.
Ông Trump - 28-2 là ngày bận rộn
Cuộc gặp lại giữa ông Trump và ông Kim được đánh giá là diễn ra rất tốt đẹp, suôn sẻ, một động thái dự báo về những thành công như kỳ vọng trong ngày hội đàm thượng đỉnh quan trọng vào hôm nay (28-2). Tổng thống Trump cũng dự báo rằng ngày 28-2 sẽ là một ngày "rất bận rộn" và sẽ dẫn tới một “trạng thái rất tuyệt vời”. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên hay không?
Chuyến đi của ông Trump đến Việt Nam phản ánh một thực tế rõ ràng trong 2 năm cuối nhiệm kỳ đầu tiên: chính sách đối ngoại, chứ không phải đối nội, mang đến cho ông cơ hội tốt nhất để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020. Thực tế chính trị mới ở Đồi Capitol và cuộc khủng hoảng bức tường biên giới Mexico khiến Tổng thống Trump chuyển trọng tâm chú ý ra nước ngoài. Quyết định rút quân ra khỏi Syria đang ở trước mặt. Các cuộc thảo luận với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại để có thể chấm dứt cuộc chiến thuế quan giữa hai nước, đang đến gần. Và giờ đây, lần thứ hai trong 1 năm qua, ông Trump sẽ đối mặt với nhà lãnh đạo Kim Jong-un - nhân vật mà ông từng chỉ trích là “người tên lửa bé nhỏ” và đe dọa sẽ nhấn chìm Triều Tiên trong “lửa và giận dữ”. Thành công của ông Trump trong việc biến quan hệ Washington-Bình Nhưỡng từ thù địch sang ngoại giao êm dịu - và việc ông Trump khoe đã “yêu say đắm” ông Kim Jong-un - là một trong số ít những thành tựu của ông Trump được cả hai đảng chính trị hoan nghênh, mặc dù cũng còn những thận trọng.
Thách thức của ông chủ Nhà Trắng tại Việt Nam lần này là hiện thực hóa cam kết mơ hồ của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên trong khi không phải “cho đi” quá nhiều. Ông Trump có “những món quà” có thể tặng để dỗ dành những cam kết rõ ràng hơn nữa từ Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Mỹ có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề hay rút một phần binh sĩ ở Hàn Quốc… Ông có thể chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, trao cho ông Kim Jong-un một thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tìm kiếm từ lâu, hoặc tiến một bước để bình thường hóa quan hệ.
Nhưng Tổng thống Trump rõ ràng cũng nhận thức sâu sắc về những lời chỉ trích ở ngay trong nước rằng, ông bị ông Kim Jong-un “qua mặt” và cho đi quá nhiều (chẳng hạn như tạm dừng các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn). Nhiều người chỉ trích: việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt dễ dàng mà không có các cam kết cứng rắn đối với phi hạt nhân hóa có thể sẽ được coi là một chiến thắng cho Triều Tiên ở quê nhà; và thỏa thuận hòa bình có thể làm suy yếu vị trí của quân đội Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.
Tổng thống Trump đã cho biết sẽ có một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 28-2. Tuy nhiên, ông không nói rõ liệu ông Kim có tham gia cuộc họp báo này hay không.
Ông Kim Jong-un sẽ đáp lại?
Trên đường phố thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, áp phích thể hiện những ưu điểm của nền kinh tế mạnh mẽ là một lời nhắc nhở liên tục rằng, ưu tiên của ông Kim Jong-un đã chuyển hướng phát triển kinh tế sau tuyên bố hồi năm 2018 rằng, chương trình vũ khí hạt nhân của ông đã hoàn tất.
Trong khi ông Kim Jong-un đang ở Hà Nội, truyền thông Triều Tiên liên tục ưu tiên đưa tin sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Ngày 27-2, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận đảng Lao động Triều Tiên, có bài viết về cách thức Việt Nam phát triển kinh tế. Bài báo có thể phản ánh sự quan tâm của Triều Tiên đối với những cải cách Đổi mới của Việt Nam như một ví dụ điển hình để Bình Nhưỡng học hỏi. Sự thất vọng của ông Kim Jong-un đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhắm trọng tâm ở hậu quả làm suy giảm nền kinh tế đất nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các cuộc đàm phán với Washington bị đình trệ vào năm 2018 và ông Kim Jong-un đã cảnh báo rằng, việc Mỹ từ chối đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào sẽ là một sự phá vỡ thỏa thuận.
Việc Mỹ thay đổi quan điểm đã giúp các cuộc đàm phán diễn ra với một tốc độ tuyệt vời và nhanh chóng. Thông điệp từ Bình Nhưỡng, đặt trách nhiệm hành động lên Washington, vẫn nhất quán kể từ hội nghị thượng đỉnh Singapore hồi tháng 6-2018. Ông Kim Jong-un không chỉ muốn được ông Trump đối xử như một người bình đẳng trên sân khấu chính trị toàn cầu, mà ông còn biết rằng, nhiệm vụ sống còn của mình là đưa nền kinh tế trong nước đi lên. Những kế hoạch đầy tham vọng của ông Kim Jong-un là phát triển một khu du lịch khổng lồ ở phía đông thành phố Wonsan, một kế hoạch phát triển đô thị dài hạn ở Simuijin, một thành phố ở biên giới với Trung Quốc, hoặc tham gia vào các dự án kinh doanh chung với miền Nam tại khu công nghiệp chung Kaesong, tất cả phụ thuộc vào việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt.
Cuộc gặp lần 2 với ông Trump có thể giúp ông Kim Jong-un kỳ vọng nhiều hơn về chiến lược kinh tế này. Tổng thống Trump cũng hiểu rõ điều này và đã nhấn mạnh tuyên bố, tiềm năng kinh tế cho Triều Tiên là “tuyệt vời” nếu nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Và với việc ông chủ Nhà Trắng vẽ ra viễn cảnh Triều Tiên trở thành “một trung tâm kinh tế to lớn”, ông Kim Jong-un có thể bị cám dỗ để mặc cả từ bỏ ít nhất một phần chương trình hạt nhân, có thể là tổ hợp hạt nhân Yongbyon chủ chốt, để đổi lấy những biện pháp tương ứng từ Washington.
KHẢ ANH
Các quan chức Triều Tiên tất bật chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Sáng 27-2, các quan chức Triều Tiên, tháp tùng Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội, đã có cuộc họp nội bộ trù bị trước thềm bữa tối giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho được nhìn thấy đi vào phòng hội nghị tại khách sạn Melia, cùng với ông Kim Hyok-chol, phái viên hàng đầu về hạt nhân của Bình Nhưỡng và ông Choi Kang-il, quyền Vụ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Trong những ngày qua, các quan chức này đã hội đàm với các nhà đàm phán của Mỹ tại Hà Nội về những nội dung liên quan chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. Chủ tịch Kim Jong-un trước đó cũng thể hiện ông rất quan tâm kết quả hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra với Tổng thống, khi ông có phiên họp chiến lược với các nhà đàm phán của mình trong ngày 27-2. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng bức ảnh ông Kim Jong-un họp với các nhà đàm phán, trong đó có đặc phái viên Triều Tiên phụ trách vấn đề Mỹ Kim Hyok-chol và bà Kim Song-hye, trưởng ban thư ký của Ủy ban Thống nhất Triều Tiên. Cùng tham gia phiên họp còn có Ngoại trưởng Ri Yong-ho và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Choe Son-hui. Cuộc gặp được diễn ra tại khách sạn Melia. T.VĂN Nhà Trắng hạn chế phóng viên tác nghiệp trong phòng ăn tối Trong tuyên bố tối 27-2, Nhà Trắng cho biết, chỉ có số ít phóng viên được vào phòng nơi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dùng bữa tối. Nhà Trắng lý giải nguyên nhân là do “bản chất nhạy cảm của các cuộc họp”. CNN dẫn lời Thư ký báo chí Sarah Sanders nói: “Do tính chất nhạy cảm của các cuộc họp, chúng tôi đã giới hạn một nhóm rất ít phóng viên đưa tin, nhưng đảm bảo rằng có đầy đủ đại diện của các hãng tin, đài truyền hình, đài phát thanh... Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán về các khía cạnh này hội nghị thượng đỉnh lịch sử và sẽ luôn hoạt động để đảm bảo truyền thông Mỹ có quyền truy cập nhiều nhất có thể”. T.NGUYÊN Nữ ca sĩ quyền lực Triều Tiên tham quan nông sản của VinEco Chiều 27-2, nữ ca sĩ nổi tiếng Hyon Song Wol, hiện là phó trưởng Ban Tuyên giáo đảng Lao động Triều Tiên, cùng đoàn đại biểu Triều Tiên đến thăm và làm việc với lãnh đạo tập đoàn Vingroup. Tại buổi tham quan nông sản của VinEco, bà Hyon Song Wol được cho là rất thích ớt ngọt của Việt Nam. Ngoài vai trò ca sĩ, bà Hyon Song Wol hiện là nữ chính trị gia có tiếng và có tầm ảnh hưởng. Bà từng nhiều lần tháp tùng ông Kim Jong-un trong các chuyến công du và lần gần nhất là tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều ở Singapore vào tháng 6-2018. T.LINH Hà Nội thắt chặt an ninh bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều An ninh đã được thắt chặt tuyệt đối quanh khu vực khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội, nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tối 27-2. Cảnh sát và quân đội đã liên tục tăng cường giám sát an ninh. Nhiều cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, quân đội có mặt quanh khách sạn Sofitel Legend Metropole để đảm bảo an ninh tuyệt đối. Chó nghiệp vụ liên tục tuần tra trên đường phố. Về y tế, Bộ Y tế có phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, chỉ định các Bệnh viện Hữu nghị, Bạch Mai, Bệnh viện E trực cấp cứu 24/24 giờ cùng những bệnh viện và cơ sở y tế của Hà Nội cũng như ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế. T.VĂN |