Ông Trump và Brexit
(Cadn.com.vn) - Hai hiện tượng chính trị gây chú ý và bất ngờ nhất trên trường quốc tế trong năm nay có lẽ chính là sự nổi lên của tỷ phú Donald Trump ở Mỹ và sự thành công của chiến dịch kêu gọi “Rời EU” trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về việc Anh sẽ ở lại hay rời khỏi liên minh này (còn gọi là vấn đề Brexit).
Tại Anh, các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, London có thể ra khỏi EU khi tỷ lệ ủng hộ Brexit có nhỉnh hơn tỷ lệ ủng hộ ở lại. Đây là con số sẽ gây ảnh hưởng đến cử tri đi đến quyết định cuối cùng trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 tới. Trong khi đó, cuối năm nay, người Mỹ sẽ quyết định nên bầu ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45 hay là chọn cựu ngoại trưởng Hillary Clinton. Các cuộc thăm dò mới nhất cũng cho thấy, cuộc đua này được đánh giá là ngang sức. Nhiều người cho rằng, kết quả trưng cầu dân ý vào tuần tới ở Anh có thể sẽ ảnh hưởng lên lá phiếu của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Thứ nhất là mọi vấn đề mang tính quyết định đều phụ thuộc vào những “cử tri đang giận dữ”. Cả ông Trump và cựu Thị trưởng London của Anh, ông Boris Johnson - lãnh đạo của các chiến dịch kêu gọi “Rời EU” đã thành công khi đánh vào tâm lý bất bình của cử tri. Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, rất nhiều người cảm thấy họ được trao một thỏa thuận xấu. Tại Anh, họ đổ lỗi cho sự quan liêu của giới chức EU. Tại Mỹ, họ chán nản vì cách nắm quyền của Nhà Trắng. Và ông Johnson hứa hẹn Brexit sẽ tạo ra một thỏa thuận tốt hơn khi có thể ném bỏ ách nặng nề trong các quy định của EU. Ông Trump cũng hứa hẹn người Mỹ về một thỏa thuận ưu tú hơn nếu ông trở thành tổng thống.
Thứ hai là vấn đề toàn cầu hóa. Các lực lượng của làn sóng toàn cầu hóa đang tàn phá giới công nhân Châu Âu khi lao động đến từ các nước trên khắp thế giới thường được ưu tiên chọn lựa. Các nhà hoạch định chính sách tại Anh và Mỹ đã không thể giải quyết vấn đề này. Nếu Brexit thắng thế, nó có thể mở ra làn sóng chống toàn cầu hóa.
Thứ ba là nạn di cư. Đây là vấn đề đóng vai trò rất quan trọng trong cả hai chiến dịch ở hai bờ Đại Tây Dương. Nhiều cử tri đổ lỗi cho người nhập cư khiến họ mất việc làm, khiến xã hội xáo trộn, an ninh bất ổn. Ở cả Mỹ và Anh, chính phủ không xử lý tốt vấn đề người nhập cư. Mỹ đã cố gắng nhưng thất bại trong việc thực hiện cải cách nhập cư và biên giới phía Nam của nước này vẫn còn nóng bỏng. Cũng giống như các nước EU khác, Anh cũng vẫn đang luẩn quẩn trong cơn ác mộng, đó là cuộc khủng hoảng tị nạn đang tràn lan khắp lục địa già.
Thanh Văn