Ông Trump và thách thức tại Đại hội đồng LHQ

Thứ hai, 18/09/2017 11:33

Khi các nhà lãnh đạo quốc tế công bố biện pháp của họ tại phiên họp Đại hội đồng LHQ sắp tới, một trong những nhiệm vụ chính của Tổng thống Donald Trump là xác định phương thức tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của ông có phù hợp với sứ mệnh “Thế giới trước tiên” của LHQ hay không.

Ông Trump vừa có chuyến đi đến New Jersey trong tuần qua. Ảnh: NYT

Mọi con mắt đều đang đổ dồn vào Tổng thống Mỹ Donald Trump khi các nhà lãnh đạo  thế giới tham gia nhóm họp Đại hội đồng LHQ.

Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước các nhà lãnh đạo thế giới tại LHQ vào ngày 19-9 tới trong phiên họp Đại hội đồng đầu tiên của ông. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây bày tỏ hy vọng sẽ nhận được một thông điệp mang tính xây dựng từ ông chủ Nhà Trắng. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho LHQ, đóng góp 28,5% cho ngân sách gìn giữ hòa bình trị giá 7,3 tỷ USD và 22% cho ngân sách căn bản trị giá 5,4 tỷ USD. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump đang đe dọa cắt giảm ngân sách cho tổ chức mà ông từng gọi là câu lạc bộ để mọi người đến “thư giãn” này.

Lo cho “Thỏa thuận Paris”

Nhiệm vụ trọng tâm trên bàn hội nghị sắp tới là bàn về các biện pháp chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh Nhà Trắng khẳng định vẫn sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo Tân Hoa Xã, trong một tuyên bố, Nhà Trắng nhấn mạnh: “Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rõ ràng, Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định này, trừ khi chúng tôi có thể tái tham gia nó với các điều khoản có lợi hơn cho đất nước chúng tôi”. Tuyên bố này được đưa ra sau khi tờ WSJ trước đó đưa tin, tại một cuộc họp ở Canada, Ủy viên Châu Âu phụ trách lĩnh vực khí hậu và năng lượng Miguel Arias Canete cho biết, Mỹ sẽ không rút khỏi Hiệp định Paris.

Tại phiên họp đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump lần này, cả thế giới sẽ trông chờ vào một sự thay đổi trong quan điểm của ông Trump về thỏa thuận trên. “Đối với một số nhà lãnh đạo, đây sẽ là cơ hội đầu tiên để gặp ông Trump, để đánh giá, để cố gắng để có được điều gì tốt nhất cho mình”, một chuyên gia nhận định. Một trong những nhiệm vụ chính của ông Trump là xác định phương pháp tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của ông – điều khiến ông quyết định rút khỏi các hiệp định quốc tế về thương mại tự do và biến đổi khí hậu – có phù hợp với sứ mệnh “Thế giới trước tiên” của LHQ hay không.

Thỏa thuận hạt nhân Iran, Triều Tiên

Ông Trump và các nhà lãnh đạo thế giới đến New York vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và nguy cơ thỏa thuận hạt nhân bước ngoặt của người tiền nhiệm Barack Obama với Iran bị chết yểu.

Triều Tiên rõ ràng sẽ là “mặt trận và trung tâm”. Buổi tiệc trưa giữa ông Trump với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in của Hàn Quốc có thể giúp xác định các bước đi tiếp theo trong vấn đề này. Lisa Collins, một học giả Hàn Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nói: “Họ cũng sẽ tìm kiếm xem liệu ông Trump có đang hướng đến một con đường dài với Triều Tiên và nhìn về phía ngoại giao hòa bình hay không”.

Lịch trình của Tổng thống Trump tại New York cũng mở ra nhiều tiểu mục khác nhau. Trong khi ông Obama sử dụng phiên họp đầu tiên như thế nay để kéo Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cùng ngồi lại với nhau, ông Trump lại có những cuộc gặp riêng biệt với hai nhà lãnh đạo này vào những ngày khác nhau. Điều này khiến giới quan sát giảm dần những kỳ vọng về tiến bộ trong sáng kiến hòa giải Trung Đông của ông chủ Nhà Trắng. Thực tế, các trợ lý cho biết, trong cuộc gặp với ông Netanyahu, ông Trump có lẽ sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề Iran.

KHẢ ANH