Osama Bin Laden - Một cuộc đời trốn chạy

Thứ tư, 10/07/2013 10:42

 

(Cadn.com.vn) - Đài Truyền hình Al-Jazeera có trụ sở ở Qatar ngày 9-7 bất ngờ tiết lộ báo cáo chính phủ Pakistan, trong đó phô bày toàn bộ đời sống gia đình của cựu trùm khủng bố Osama Bin Laden sau khi chạy trốn khỏi Afghanistan vào năm 2001. Báo cáo cũng nói về những ngày cuối cùng trong đời của một trong những người đàn ông bị truy nã gắt gao nhất trên thế giới.

 

Không tivi, không Internet

 

Báo cáo dài 337 trang trích nhiều cuộc phỏng vấn, do một ủy ban của Pakistan được thành lập sau khi Lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt Bin Laden hồi năm 2011, chấp bút. Trong đó, người ta thấy rõ cuộc sống hàng ngày của Bin Laden sau khi chạy trốn khỏi Afghanistan vào năm 2001.

 

Theo đó, thủ lĩnh Al-Qaeda áp dụng các biện pháp kỳ quặc để tránh bị radar theo dõi. Theo chuyên gia chống khủng bố Peter Bergen, nhân vật số 1 của Al-Qaeda dành rất nhiều thời gian kiểm soát hàng chục con cháu của mình trong 6 năm y sống trong khu nhà có tường bao quanh ở thành phố Abbottabad. Họ không thể xem tivi hoặc lướt mạng trực tuyến, bởi vì Bin Laden không kết nối Internet và truyền hình vệ tinh. Y cũng không kết nối điện thoại. Tất cả các biện pháp này là để tránh bị phát hiện.

 

Con cháu của trùm khủng bố cũng không được phép chơi với những đứa trẻ khác trong xóm. Phần lớn cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường. Ngoài thời gian giảng dạy tôn giáo, Bin Laden đưa họ ra sân, dạy con cháu trồng rau.

 

 

 Khu nhà, nơi Bin Laden sống ở Abottabad bị phá bỏ vào tháng 2-2012. Ảnh: CNN

 

Giả câm điếc

 

Bin Laden trốn sang Pakistan một tháng sau vụ khủng bố 11-9. Y sống tại Nam Waziristan, Bajaur, Peshawar, Swat và Haripur trước khi định cư ở Abbottabad vào năm 2005.

 

Trong khi đang trên đường chạy trốn, một trong những người vợ của ông đã 4 lần hạ sinh và được đưa đến bệnh viện địa phương. Cô này nói tiếng Arab thay vì tiếng Urdu, ngôn ngữ chính thức của Pakistan, vì vậy Bin Laden lo sợ điều này sẽ khiến người ta nghi ngờ. Vì vậy, họ nói với bác sĩ là cô bị câm và điếc. Trong khi chạy trốn tại các khu vực bộ lạc bất ổn ở thung lũng Swat, Bin Laden cạo râu để tránh bị nhận biết.

 

Báo cáo cũng dẫn lời một phụ nữ tên là Maryam, vốn là vợ của một trong những phụ tá của Bin Laden cho biết, cảnh sát tại vùng Swat của Pakistan đã có lần chặn xe của ông trùm Al-Qaeda này nhưng “lại để y qua mặt một cách ngoạn mục”. “Một lần họ đang chạy ô-tô tới một khu chợ trong vùng thì bị cảnh sát yêu cầu dừng xe vì chạy quá tốc độ. Tuy nhiên, chồng Maryam nhanh trí thu xếp với cảnh sát và họ tiếp tục hành trình mà cảnh sát không hề hay biết vừa bỏ qua một nhân vật đang bị truy nã gắt gao nhất”, báo cáo viết. Sau khi đến Abottabad, một người phụ nữ sống trong cùng tòa nhà với Bin Laden nhận ra y. Chồng cô, người đã giúp đỡ Bin Laden rất nhiều trong suốt thời gian trước đó, trở nên hoảng loạn. Ông khuyên vợ mình nên để tâm đến công việc kinh doanh và không cho cô và tất cả các phụ nữ khác trong nhà xem truyền hình nữa.

 

Trong khi chăm sóc khu vườn tại nhà ở Abottabad, để tránh theo dõi từ trên không, Bin Laden thường đội một chiếc mũ cao bồi rộng vành.

 

Nỗi nhục lớn của Pakistan

 

Các biện pháp trên giúp ông trùm khủng bố không bị phát hiện trong nhiều năm dù sống trong thành phố được biết đến là khu phức hợp quân sự lớn nhất Pakistan.

 

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cuối cùng phải tuyển dụng một bác sĩ Pakistan thực hiện một chương trình tiêm chủng ở Abbottabad để tìm ra Bin Laden. Và đặc nhiệm SEALs của Mỹ tiêu diệt y trong cuộc tấn công chớp nhoáng hồi tháng 5-2011. Theo báo cáo, việc giết Bin Laden của quân đội Mỹ là “hành vi giết người” theo lệnh của Tổng thống Mỹ và rằng, thất bại của cơ quan tình báo Pakistan “trong việc phát hiện ra hoạt động của CIA trên lãnh thổ của mình là “sự sỉ nhục đối với người dân Pakistan”. Mặc dù SEALs hoạt động trong biên giới của Pakistan trong 3 giờ, nhưng lực lượng quân sự không phát hiện.

 

Tác giả báo cáo đả kích giới chức Pakistan ở mọi cấp của chính phủ, cũng như cơ quan tình báo và quân sự nước này, vì không nhăn chặn được Mỹ. Người này cho rằng, đó là “một câu chuyện của sự tự mãn, sự thiếu hiểu biết, do sơ suất, thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm, và có thể tồi tệ hơn ở các cấp độ khác nhau trong và ngoài chính phủ”.

 

An Bình (Theo CNN)