PCA bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Thứ tư, 13/07/2016 07:54

(Cadn.com.vn) - Trong phán quyết đưa ra ngày  12-7, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) khẳng định, Trung Quốc hoàn toàn không có bất kỳ cơ sở pháp lý  nào để đưa ra những tuyên bố về quyền lịch sử đối với những nguồn tài nguyên ở bên trong cái mà họ gọi là “đường lưỡi bò” tại vùng biển Đông tranh chấp. Không chỉ người dân Philippines hân hoan mừng chiến thắng, mà cộng đồng quốc tế đều lên tiếng hoan nghênh phán quyết lịch sử được chờ đợi này.

Cuối cùng, sau hơn 3 năm ròng rã đi tìm công lý, người Philippines đã có được chiến thắng quan trọng khi PCA ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông. Theo Reuters, PCA khẳng định, tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

“Tòa án kết luận rằng, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, không có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh có lịch sử kiểm soát độc quyền đối với các vùng nước và nguồn tài nguyên ở biển Đông”, PCA nhấn mạnh đồng thời khẳng định: “Như vậy là không có cơ sở pháp lý cho tuyên bố “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh”. Thị trường thế giới chuyển biến tích cực sau phán quyết lịch sử này. Giá dầu tăng, trong đó giá dầu thô Brent quốc tế tăng gần 3%, lên 47,87 USD mỗi thùng vào lúc 11 giờ 30 (giờ quốc tế).

Người dân Philippines khóc mừng chiến thắng sau phán quyết của PCA. Ảnh: AP

Chiến thắng đầy đủ và toàn diện

Trong bản phán quyết dài 501 trang này, PCA nhấn mạnh, những tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đi ngược lại Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và rằng, Bắc Kinh hoàn toàn không có đặc quyền kinh tế tại bất kỳ một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phán quyết của PCA cũng chỉ trích Trung Quốc đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Phán quyết của PCA là đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên biển Đông”, BỘ NGOẠI GIAO MỸ TUYÊN BỐ.

“Đây là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan vụ kiện phải tuân thủ”, BỘ NGOẠI GIAO NHẬT BẢN NHẤN MẠNH.

“Singapore ghi nhận phán quyết của PCA và đang nghiên cứu phán quyết này cũng như tác động của nó đối với quốc gia và toàn khu vực. Singapore kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đầy đủ quy trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế và tránh mọi động thái có nguy cơ gây căng thẳng khu vực”, BỘ NGOẠI GIAO SINGAPORE NÊU RÕ.

Philippines và đồng minh quan trọng Mỹ, Nhật cũng như cả cộng đồng quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết được chờ đợi này. Phán quyết này đã đi vào lịch sử luật pháp quốc tế khi đánh dấu lần đầu tiên một bài toán pháp lý khó nhằn đã được giải quyết công bằng. Phán quyết này cũng phản ánh sự chuyển dịch quyền lực cân bằng trong 3,5 triệu km2 ở biển Đông, nơi Trung Quốc mở rộng sự hiện diện bằng cách xây dựng các hòn đảo nhân tạo và mở rộng ảnh hưởng quân sự ở đây.

Tại Philippines, một không khí vui mừng hân hoan tràn ngập khắp cả nước. Tổng thống Duterte tổ chức họp nội các sau chiến thắng này trong khi Bộ Ngoại giao cũng tổ chức họp báo về vụ việc. “Các chuyên gia của chúng tôi đang nghiên cứu về việc này và rõ ràng kết quả của PCA là hoàn toàn xứng đáng”, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói tại cuộc họp báo. Ông Yasay nhấn mạnh thêm, Philippines “khẳng định tôn trọng quyết định cột mốc quan trọng này” vốn sẽ giúp giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.

Giới truyền thông Philippines cũng hòa vào chiến thắng quan trọng này. Báo Rappler dẫn lời Thẩm phán Antonio Carpio thuộc Tòa án tối cao Philippines nhấn mạnh, phán quyết của PCA tái khẳng định sự thông thái của Hiến pháp Philippines trong việc bác bỏ chiến tranh như một công cụ của chính sách ngoại giao. “Đây là một chiến thắng đầy đủ và toàn diện cho Philippines... một chiến thắng cho luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế”, Paul Reichler, báo Rappler dẫn lời luật sư của phía Philippines nói.

Việt Nam hoan nghênh Tòa trọng tài ra phán quyết vụ kiện tranh chấp biển Đông

Ngày 12-7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết”.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tiếp tục nêu rõ: “Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Cũng theo ông Lê Hải Bình, “Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

TTXVN

Đòn giáng mạnh vào uy tín của Trung Quốc

Uy tín của Trung Quốc như một cường quốc đang lên trên toàn thế giới đã chịu đòn giáng mạnh sau phán quyết rất được hoan nghênh này.

Nhưng bất chấp áp lực quốc tế, Trung Quốc vẫn khăng khăng không công nhận phán quyết. Trong tuyên bố hôm 12-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ: “Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất cứ lập trường hoặc hành động nào căn cứ vào phán quyết của PCA”.  Nhà lãnh đạo này còn mạnh miệng tuyên bố, chủ quyền lãnh thổ và những lợi ích biển của Trung Quốc trên biển Đông, trong mọi tình huống, sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của PCA.

Trước đó, ngay sau khi PCA ra phán quyết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định phán quyết của PCA là không có hiệu lực và không mang tính ràng buộc pháp lý. “Trung Quốc không chấp nhận và cũng không công nhận phán quyết này”, tuyên bố của bộ này nêu rõ. Bắc Kinh thậm chí tái khẳng định không chấp nhận bên thứ 3 giải quyết tranh chấp hay bất kỳ giải pháp nào áp đặt lên Trung Quốc. Quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này cũng cho rằng, phán quyết trên của PCA đẩy vụ tranh chấp lãnh thổ vào tình trạng đối đầu và căng thẳng hơn”.

Phản ứng của Bắc Kinh đã khiến cộng đồng quốc tế thất vọng. Và vấn đề đặt ra là dù PCA ra phán quyết nhưng không có phương tiện để thi hành bản án (tức là buộc các bên phải tuân thủ phán quyết). Và tất nhiên, việc tuân thủ phán quyết là tùy thuộc vào các bên.

Tuy nhiên, một chiến thắng như thế này giúp Philippines  tăng cường áp lực quốc tế, khiến Bắc Kinh  từ bỏ những yêu sách ở biển Đông.  Manila và các đồng minh - kể cả Washington – luôn nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn sẽ bị ràng buộc bởi các phán quyết.

Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ có những động thái như thế nào sau phán quyết này. Có thể Bắc Kinh sẽ thiết lập Vùng xác định phòng không (ADIZ) trên biển Đông như đã làm ở biển Hoa Đông hoặc tiếp tục mở rộng các hoạt động cải tạo đất phi pháp hay có thể sẽ “ve vuốt” Manila để đàm phán. Giới phân tích cho rằng, dù phản ứng của Trung Quốc với quyết định của PCA là như thế nào, điều quan trọng là phán quyết này lần đầu tiên đặt ra thách thức pháp lý lớn trên vai Bắc Kinh về vấn đề biển Đông.

Khả Anh

Philippines với 3 năm đi kiện

Phán quyết của PCA được đưa ra sau một quá trình 3 năm theo đuổi đầy nhiệt tâm của Manila nhưng vấp phải sự lạnh nhạt và phản đối gay gắt của Bắc Kinh.

* Gửi đơn kiện chống lại Trung Quốc vào ngày 22-1- 2013.

* Gửi 4.000 trang tài liệu chứng cứ vào ngày 30-3-2014.

* Gửi 3.000 trang tài liệu chứng cứ bổ sung vào ngày 17-3-2015.

* Có mặt tại trụ sở của PCA tại The Hague, Hà Lan từ ngày 7 đến 13-7-2015, tranh cãi về việc hội đồng tòa án với 5 thẩm phán này có quyền xem xét vụ kiện của Philippines hay không.

* Quay trở lại The Hague để thảo luận về vụ kiện này từ ngày 24 đến 30-11- 2015.

* Giành chiến thắng trong vụ kiện lịch sử với phán quyết ngày 12-7-2016.

Người dân Philippines biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati
hôm 12-7, kêu gọi Bắc Kinh chấp nhận phán quyết của PCA. Ảnh: Reuters