PGS-TS Ngô Văn Minh và cuốn sách "không thể không viết"

Thứ ba, 05/09/2017 10:33

Cầm trên tay tập sách "Biển, đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc", bất giác nhớ lại đôi điều ấn tượng với tác giả - PGS-TS Ngô Văn Minh, ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 3.

PGS-TS Ngô Văn Minh.

Đầu năm 2013, vào những thời điểm xảy ra những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, anh Nguyễn Đức Dũng (bấy giờ là Tổng Biên tập Báo Công an TP Đà Nẵng, nay đã chuyển công tác) đưa cho tôi một tập tư liệu để tham khảo viết bài về chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếp đó, qua nhiều mối quan hệ, tôi có thêm vài tư liệu nữa, phần lớn do nước ngoài phát hành. Đến khi tư liệu đã ổn, tôi vấp phải vấn đề nghiêm trọng: Không đủ kiến thức để xử lý thông tin! Vậy là tôi tìm một người đàn anh trong công tác nghiên cứu lịch sử, PGS - TS Ngô Văn Minh, nhờ giúp đỡ. Mấy tháng sau, anh hoàn thành và gửi cho tôi 2 tác phẩm gồm: "Những tấm bản đồ Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây nói gì về các đảo ở biển Đông" và "Chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa qua các nguồn thư tịch". Loạt bài viết sau đó đã được đăng trên Báo Công an TP Đà Nẵng và đoạt Giải C, Giải báo chí Quốc gia năm 2013 (trao năm 2014).

Đôi lần, PGS-TS Ngô Văn Minh hỏi tôi, tại sao lại tìm đến anh để đưa tư liệu? Kỳ thực cũng không biết trả lời thế nào, nhưng đúng là trước đó tôi đã hỏi quanh những người trong Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, nơi tôi cũng là hội viên, thì tên anh được nhắc đến nhiều nhất. Tôi đồ rằng, bất cứ ai nghe anh nói chuyện, đều cảm nhận được kiến thức sâu rộng, niềm say mê và tâm huyết của anh với vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam. PGS-TS Ngô Văn Minh kể, cho đến nay anh đã thực hiện 33 bài viết về chủ quyền biển đảo, trong đó có tác phẩm trên Báo Công an TP Đà Nẵng. Càng ngày anh phát hiện ra nhiều nguồn tư liệu quý giá còn lưu lại trong các gia đình, họ tộc ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Điều ngạc nhiên thú vị là, không đâu xa lạ, chính những người quen biết, gặp gỡ nhau hằng ngày, cũng có nhiều tư liệu quý.

Không nằm ngoài suy nghĩ của nhiều người, tất cả những tư liệu quý giá có trong tay và niềm say mê đã được Ngô Văn Minh "dồn" vào một chỗ. Đó là cuốn sách mới xuất bản vào quý I- 2017, tựa đề "Biển đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc". Trong sách, anh dẫn lại tư liệu tôi đưa, kèm lời cảm ơn và chú giải rất rõ ràng. Nhưng những tư liệu đó chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ, chỉ độ một gang tay theo chiều dọc khổ giấy trong cuốn sách của anh. Tôi choáng ngợp - cả một cuốn sách là một tập hợp tư liệu đồ sộ, phong phú, tin cậy và có giá trị lịch sử. Bạn đọc có thể tìm thấy ở đây phần phân tích, trích dẫn những tài liệu nổi tiếng của Lê Quý Đôn, Đỗ Bá, Thích Đại Sán..., cùng hàng loạt tư liệu, thư tịch, bản đồ, sắc phong, giấy tờ..., của các nhà thám hiểm, truyền giáo, thủy thủ, các quan chức, các triều đại, các nhà nước... Tất cả đã được tổng hợp, trình bày một cách gọn gàng, logic và dễ dàng tra cứu.

Cuốn sách "Biển, đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc".

Một điều khác nữa góp phần làm nên giá trị thực sự của cuốn sách không chỉ là tư liệu, mà chính là cách tiếp cận, cách thể hiện của Ngô Văn Minh. Tôi đặc biệt ấn tượng khi anh dành đến 2 phần trong sách để nói về các "chủ thể địa phương" gắn với quá trình xác lập chủ quyền Việt Nam đối với vùng lãnh thổ trên Biển Đông, như "Lý Sơn, nơi lưu giữ dấu tích Đội Hoàng Sa"; "Người Quảng Nam - Đà Nẵng với chủ quyền biển, đảo", hay phân tích của tác giả về sự quản lý liên tục của thể chế Việt Nam Cộng hòa đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Đặc biệt, vai trò của người Quảng Nam, Đà Nẵng với quá trình xác lập chủ quyền trên Biển Đông thể hiện ra sao qua các thời kỳ, các nguồn tư liệu thì có lẽ trước Ngô Văn Minh, hầu như ít người đề cập một cách rành rọt và thuyết phục. Ví như, tác giả viết: "Anh Vũ Hồng Nhân công tác tại Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai cung cấp cho tôi 5 đạo sắc phong của Triều đình do ông Võ Văn Tây, người xã Hòa Thanh, tổng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ), qua đó biết được quá trình công vụ của ông Võ Văn Tây trong lực lượng thủy quân của Triều đình và những thăng tiến ông đạt được" (tiếp đó, tác giả dẫn nguyên văn các sắc phong). Trộm nghĩ, từ gợi ý của Ngô Văn Minh, nếu suy xét kỹ hơn, tìm hiểu thấu đáo hơn, biết đâu chừng người trong ngành sử lại chẳng tìm ra những người có công trạng với quá trình xác lập chủ quyền biển, đảo, chí ít cũng có thể giới thiệu, tư vấn các cấp chính quyền có thêm sự lựa chọn trong việc đặt tên đường ở Đà Nẵng, Quảng Nam?

Nhìn rộng ra, có thể thấy, những năm gần đây, khá nhiều sách viết về chủ quyền biển, đảo, phần nhiều là những tác phẩm công phu, đề cập nhiều khía cạnh, đặc biệt là khía cạnh lịch sử và pháp lý, trong đó nội dung xuyên suốt là góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với phần lãnh thổ trên Biển Đông nói chung, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Trong số ấy, ở Đà Nẵng, việc xuất hiện cuốn sách của Ngô Văn Minh cũng có thể xem là một phần của nỗ lực chung bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi trang, mỗi câu, mỗi chữ đều toát nên tinh thần, khí khái của tác giả đối với chủ đề biển đảo. Đúng như nhận xét của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng về cuốn sách, đã nêu ở đầu bài viết này: "Tập sách Biển, đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc của PGS-TS Ngô Văn Minh trước hết là một trước tác học thuật - nói theo ngôn ngữ của các nhà lý luận văn học - được viết không phải vì có thể viết mà là vì không thể không viết".

NGUYỄN LÊ