Phá đường dây làm giả giấy khám sức khỏe quy mô lớn

Thứ sáu, 06/12/2019 10:00

Nhận thấy nhu cầu của một số người dân trên địa bàn cần giấy khám sức khỏe (GKSK) để làm hồ sơ xin việc, thi giấy phép lái xe hoặc đi xuất khẩu lao động, Lê Thị Bích móc nối với các đối tượng khác lập ra đường dây làm giả GKSK quy mô lớn. Sau một thời gian điều tra, xác minh, CATP Vinh (Nghệ An) đã đấu tranh, triệt xóa đường dây này.

Ba đối tượng trong đường dây làm giả GKSK bị CATP Vinh bắt giữ.

Đầu tháng 7-2019, theo tin từ các trinh sát (TS) báo về, thời gian gần đây trên địa bàn TP Vinh xuất hiện nhiều GKSK của các bệnh viện như: Bệnh viện Cửa Đông, Bệnh viện Thái An, Bệnh viện Giao thông... có dấu hiệu bị làm giả. Điều đáng nói, các loại giấy này được bán tại một số ki-ốt trong chợ Ga Vinh và một số cửa hàng văn phòng phẩm trên địa bàn. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, lợi ích hợp pháp của các cơ sở y tế và đội ngũ y, bác sĩ, gián tiếp gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội khiến dư luận hết sức bức xúc, ảnh hưởng xấu đến ANTT trên địa bàn thành phố.

Sau khi nắm bắt tình hình, lãnh đạo CA tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo CATP Vinh xác lập Chuyên án 1119G để điều tra, triệt phá đường dây làm giả giấy tờ này. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án (BCA) tập trung thu thập tài liệu chứng cứ về quá trình làm giả giấy tờ, từ đó tiến hành bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội. Qua theo dõi, nắm tình hình địa bàn, nghiên cứu phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng, các TS phát hiện Lê Thị Bích (thường gọi là Vân, 1954, trú P. Ngọc Lâm, Q. Long Biên, TP Hà Nội, đang tạm trú TP Vinh) có nhiều biểu hiện nghi vấn liên quan đến đường dây làm giả GKSK nói trên. Bích được xem là đối tượng cầm đầu, móc nối với các đối tượng trên địa bàn thực hiện việc làm giả tài liệu con dấu của các bệnh viện trên địa bàn TP Vinh để làm giả GKSK. Tuy nhiên, khi thu thập tài liệu chứng cứ từ nhiều nơi khác nhau thì hầu hết các đầu mối thông tin, người thực hiện giao dịch đều không biết Lê Thị Bích là ai, ở đâu, chỉ biết có một người tên là Vân nói giọng Bắc. Chính điều này đã gây không ít khó khăn trong quá trình điều tra, phá án.

Sau một thời gian tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp vào cuộc quyết liệt để thu thập tài liệu, chứng cứ, BCA xác định trong quá trình thực hiện các giao dịch, Lê Thị Bích thường lấy tên là Vân. Ngày 28-11, nhận thấy thời cơ đã chín muồi, BCA đã quyết định triển khai các mũi công tác lên đường phá án. BCA đã thực hiện lệnh khám xét và giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 3 đối tượng: Lê Thị Bích (còn gọi là Vân), Trương Thị Tình (1963, trú P. Đông Vĩnh, TP Vinh) và Phan Thị Thành (1963, trú P. Quán Bàu, TP Vinh) về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Khám xét nơi ở của các đối tượng, BCA đã phát hiện, thu giữ 210 GKSK giả của Bệnh viện Cửa Đông, Bệnh viện Thái An; 9 con dấu giả các loại; 4 điện thoại di động và nhiều tài liệu, đồ vật khác có liên quan.

Tại CQĐT, bước đầu các đối tượng đã khai nhận cách thức hoạt động của đường dây làm giả GKSK này như sau: Lê Thị Bích lấy mẫu GKSK rồi sao thành nhiều bản hoặc sử dụng mẫu GKSK trong các tập hồ sơ xin việc rồi giao cho Trương Thị Tình, Phan Thị Thành và một số đối tượng khác viết giả nhận xét, chữ ký của bác sĩ. Sau khi viết xong, Tình và Thành đưa đến điểm hẹn đưa cho Bích để Bích đặt khắc dấu tên của các bác sĩ và dấu của một số bệnh viện để đóng dấu lên các tờ GKSK trước khi đem bán.

Điều đáng nói, để qua mặt lực lượng chức năng cũng như tránh trường hợp bị phía nhận hồ sơ phát hiện là GKSK giả, Bích dùng dấu tròn làm giả con dấu của các bệnh viện hết sức tinh vi. Con dấu mà Bích sử dụng để đóng lên GKSK giả không phải là 1 con dấu nguyên vẹn mà được cấu tạo từ 2 bộ phận tách rời, cất giấu ở 2 vị trí khác nhau, gồm bộ phận tên bệnh viện và bộ phận dấu tròn ghi mã số thuế. Bích sẽ đóng dấu tròn trước để sẵn khi chuẩn bị giao cho khách sau đó mới đóng thêm dấu tên bệnh viện vào phía trong thành con dấu hoàn chỉnh rồi đưa đi cất giấu tại nhiều địa điểm.

Do có mối quan hệ thân thiết với một số cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm trong chợ Ga Vinh và một số địa điểm khác nên Bích đã quảng cáo với họ khi khách cần GKSK sẽ gọi điện cho Bích cung cấp. Sau khi nhận điện thoại từ khách, Bích sẽ kẹp mỗi lần 3 - 5 tờ GKSK trong tập quảng cáo sản phẩm hàng hóa nào đó đưa đi giao. Theo đó, giá nhập cho các đầu mối đối với GKSK của Bệnh viện Cửa Đông là 27 nghìn đồng (photo đen trắng), của Bệnh viện Thái An là 40 nghìn đồng (photo màu).

Việc làm GKSK giả của Lê Thị Bích đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài, nhiều cơ quan chức năng xác minh, xử lý nhưng chưa có kết quả. Hiện, chuyên án đang tiếp tục được điều tra mở rộng để làm rõ các đối tượng có liên quan, đồng thời hoàn tất hồ sơ xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

DƯƠNG HÓA