Phá đường dây lừa đảo qua mạng hàng chục tỷ đồng
Chỉ với một chiếc điện thoại trong tay, các đối tượng đã lên mạng để tìm kiếm những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài sau đó giả danh những người này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người thân. Với chiêu trò này, các đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng của các nạn nhân trong cả nước.
Hai trong số 3 đối tượng trong chuyên án. |
Giữa tháng 8-2020, ông L.T.H. (1959, trú P. Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) đến Cơ quan CSĐT CATP Vinh trình báo với nội dung: Ông vừa bị một đối tượng giả danh là con gái của mình thông qua mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt số tiền 64 triệu đồng. Theo lời kể của nạn nhân, ngày 20-8, ông H. nhận được tin nhắn zalo của con gái tên là L.T.L. với nội dung: Nhờ chuyển số tiền 30 triệu đồng đến số tài khoản ngân hàng đã nhắn trong điện thoại. Tiếp đó, người tự xưng là chị L. tiếp tục nhắn tin nói bố chuyển thêm 34 triệu đồng nữa vào thẻ ATM của một ngân hàng khác với lý do để đổi ngoại tệ có việc cần gấp.
Do ông H. vẫn thường trò chuyện với con gái thông qua facebook, zalo nên khi thấy ảnh đại diện là con gái mình, ông H. không chút nghi ngờ mà đi vay mượn tiền để chuyển 2 lần tiền theo yêu cầu của con gái. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại bằng số điện thoại con gái thường dùng, ông H. mới tá hỏa biết mình bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tiếp đó, cơ quan CA tiếp tục nhận được đơn trình báo của chị N.T.V.N. (1992, trú TP Vinh) với nội dung tương tự: Chị N. bị một đối tượng mạo danh em chồng mình là chị L. và sử dụng mạng viber để nhắn tin rủ chị kinh doanh đổi ngoại tệ. Thấy ảnh đại diện của em chồng, chị N. không mảy may nghi ngờ và 2 lần chuyển số tiền hơn 78 triệu đồng qua số tài khoản ATM của 2 người khác nhau do “em chồng” gửi.
Tiếp nhận đơn trình báo của bị hại, các trinh sát (TS) Đội CSHS CATP Vinh nhanh chóng vào cuộc xác minh. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Lãnh đạo CATP Vinh đã quyết định xác lập chuyên án để đấu tranh.
Sau một thời gian sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án cũng đã xác định được danh tính nhóm đối tượng “siêu lừa đảo” này gồm: Lâm Ngọc Yến (1988, trú P. 4, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau); Phạm Hồ Quân (1990, trú xã Đông Hòa Hiệp, H.Cái Bè, Tiền Giang) và Lưu Nhựt Trường (1997, trú P. Mỹ Hòa TP Long Xuyên, An Giang). Tuy nhiên, để truy lùng, bắt giữ các đối tượng thì không phải là điều dễ dàng. Đây là chuyên án lớn, các đối tượng hoạt động trên “không gian ảo” nên việc chỉ đạo được Thiếu tướng Võ Trọng Hải, Giám đốc CA tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm.
Sau khi xác định nơi ở của các đối tượng, hàng chục TS, điều tra viên (ĐTV) đã lên đường vào miền Nam phối hợp với các lực lượng liên quan chia thành nhiều mũi để truy lùng theo dấu vết của các đối tượng.
Ngày 4-10, phát hiện các đối tượng đã xuất hiện tại địa phương, Ban chuyên án đã quyết định phá án. Đồng loạt các tổ công tác ập vào bắt giữ 3 đối tượng trên. Khám xét tại chỗ, Ban chuyên án thu giữ 2 máy tính bảng, 6 ĐTDĐ, 5 thẻ sim, 4 thẻ ATM của các ngân hàng. Các đối tượng được di lý về trụ sở Cơ quan CSĐT CATP Vinh để đấu tranh, làm rõ.
Bước đầu Lâm Ngọc Yến khai nhận: Trước năm 2018, Yến từng có thời gian làm ăn sinh sống tại nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian sống ở nước ngoài, Yến không lo tu chí làm ăn mà lừa đảo một số người Việt sinh sống ở nước ngoài bằng thủ đoạn như trên.
Năm 2018 Yến về Việt Nam câu kết với Quân và Trường để hình thành ổ nhóm “siêu lừa đảo” trên mạng. Các đối tượng thay nhau vào các trang mạng xã hội, các hội nhóm, trang kinh doanh buôn bán, vào trang cá nhân tìm hiểu “con mồi”. Nạn nhân mà chúng nhắm tới hầu hết là người Việt đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài. Sau khi tìm hiểu nhân thân của những người này, chúng mua “sim rác”, lấy ảnh đại diện lập viber, facebook, zalo để nhắn tin lừa người thân trong gia đình chuyển tiền vào tài khoản.
Theo khai nhận, ngày 20-8, Lâm Ngọc Yến sử dụng ĐTDĐ đăng ký tài khoản viber và zalo với tên “Ut Le”, để hình đại diện là chị L.T.L. và nhắn tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông L.T.H. (bố chị L.), tiếp đó Yến chiếm đoạt của chị N.T.V.N. tổng số tiền chiếm đoạt là 142 triệu đồng. Sau khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lâm Ngọc Yến không sử dụng tài khoản viber và zalo mang tên “Ut Le” nữa, đồng thời hủy sim hòng xóa dấu vết. Theo tài liệu của cơ quan CA cùng với lời khai của các đối tượng, từ năm 2018 đến nay, nhóm đối tượng đã lừa đảo của 28 bị hại ở các tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số tiền 16 tỷ đồng.
DƯƠNG HÓA