Phá sản vì kinh doanh qua mạng

Chủ nhật, 18/11/2007 00:00

Vì lo sợ các con nợ mất bình tĩnh bao vây đe dọa, ngày 5-11-2007, vợ chồng Thái Thị Thùy Trang (1969) và Hồ Ngọc Sinh (1964, cùng trú nhà số 773-Phạm Văn Đồng, P. Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai) đã gửi đơn khẩn cấp đến CAP Yên Thế, CAX Biển Hồ và CATP Pleiku (Gia Lai) đề nghị bảo vệ tính mạng và tài sản công dân. Đơn có nội dung tóm tắt như sau: Trong thời gian qua, vợ chồng Trang, Sinh có vay khá nhiều tiền của một số tổ chức tín dụng, bạn bè, người thân để đầu tư kinh doanh, mua bán nông sản. Tuy nhiên, do thị trường có nhiều biến động phức tạp, giá cả, cung cầu thay đổi bất thường nên việc kinh doanh buôn bán bị thua lỗ trầm trọng dẫn đến mất khả năng trả nợ.

Căn nhà số 773 (giữa) đường Phạm Văn Đồng, P.Yên Thế đã bị đóng cửa để trả nợ

Qua làm việc với CAX Biển Hồ và CAP Yên Thế, chúng tôi được biết, từ ngày 5-11-2007 đến ngày 10-11-2007, có rất nhiều người bức xúc đến trụ sở CAX và CAP tố cáo và đòi xiết nợ vợ chồng Trang, Sinh vì cho rằng họ có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”(?). Vợ chồng Trang, Sinh là chủ DNTN Bảo Huy (có trụ sở chính tại TP Pleiku) chuyên kinh doanh mua bán cà-phê và chăn nuôi. Hầu hết các con nợ đều là người thân và bạn hữu thâm tình của vợ chồng Trang, Sinh. Nhìn thấy cơ ngơi DN Bảo Huy khá vững vàng, lại vay với lãi suất ưu đãi (5%/tháng) nên mỗi khi vợ chồng Trang - Sinh huy động vốn thì mọi người đều háo hức cho vay mà không thực hiện đầy đủ các thủ tục ràng buộc về pháp lý. Đa phần các hợp đồng vay nợ đều được viết bằng giấy tay, không cần công chứng, chứng thực. Bằng hình thức này, vợ chồng Trang, Sinh đã vay của 10 người với số tiền gần 20 tỷ đồng. Chính vì thế, khi mất khả năng thanh toán nợ, các con nợ đều bức xúc cho rằng vợ chồng Trang, Sinh đã có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” một cách tinh vi.

Trong khi đó, theo thông tin từ người thân của bà Thái Thị Thùy Trang thì: vợ chồng bà Trang mất khả năng thanh toán nợ chứ không có ý định lừa đảo hay chiếm đoạt tài sản. Nguyên nhân dẫn đến việc bà Trang và ông Sinh vỡ nợ là do kinh doanh thua lỗ. Không như những đơn vị kinh doanh cà-phê khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai, vợ chồng Trang, Sinh không mua bán kinh doanh cà-phê bằng cách xây kho, trữ hàng rồi mua bán thực tế mà hai người này kinh doanh cà-phê với các “doanh nghiệp ảo” trên mạng. Hằng ngày, bà Trang lên mạng, truy cập vào trang web của các DN kinh doanh cà-phê trên internet để tìm đối tác bán cà-phê. Sau đó bà Trang cũng online để tìm DN mua cà-phê rồi bán lại hưởng sự chênh lệch. Việc thanh toán được thực hiện qua tài khoản tại các ngân hàng. Kiểu kinh doanh này bà Trang đã không kiểm soát được năng lực của các Cty trên mạng, không biết được đâu là Cty thật, đâu là Cty “ma”. Độ rủi ro cao nên việc vỡ nợ là điều rất dễ xảy ra. Tuy có nhiều thông tin khác nhau về nguyên nhân dẫn đến việc vỡ nợ của vợ chồng Trang, Sinh nhưng việc vỡ nợ là có thật. Ngày 14-11-2007, khi tiếp xúc với lãnh đạo CAP Yên Thế, chúng tôi được biết: các con nợ đã đến CAP rút đơn kiện. Vợ chồng Trang, Sinh đã đồng ý dùng tài sản của mình, trong đó có căn nhà 3 tầng khang trang tại số 773-Phạm Văn Đồng, P. Yên Thế và trang trại chăn nuôi ở thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ để trả nợ.  

Việc vỡ nợ với số tiền gần 20 tỷ đồng tuy chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, nhưng đây là bài học cảnh báo cho các DN khi thực hiện việc giao dịch kinh doanh với các đối tác qua những thông tin hư ảo trên internet.

Lê Duy