Phải cấm cửa nhà thầu để trễ tiến độ công trình trọng điểm

Thứ năm, 08/04/2021 07:08

Trong cuộc họp thường kỳ chiều 7-4, lãnh đạo HĐND TP đề nghị lập danh sách những nhà thầu hồ sơ trên trời mà năng lực thì dưới đất để “cấm cửa” với các dự án sau. Ngoài ra, cũng phải kiểm điểm trách nhiệm Ban quản lý dự án, các đơn vị tham mưu trong công tác xét thầu.

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết kết luận giao ban thường kỳ.

Ông Lê Minh Trung - Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị quan tâm tiến độ các nhà máy xử lý rác thải rắn tại Khánh Sơn. Có thời điểm TP cho rằng nó cấp thiết đến mức độ tới năm 2023 không hoàn thành các nhà máy này thì Đà Nẵng không biết đem rác đổ đi đâu, nhưng bây giờ TP lại quên mất. “Tôi rất quan tâm tới dự án của Công ty Cổ phần môi trường Việt Nam, dự án được TP quá ưu đãi. Từ năm 2009 TP giao một khu đất 22 ngàn m2, năm 2014 giao tiếp 1 khu đất 78 ngàn m2, giao cả 2 khu đất không thu tiền. Năm 2015 Cty làm 1 nhà máy 200 tấn/ngày đêm, hoạt động được 5 tháng thì dừng từ đó đến nay. Đến năm 2019, Cty bảo không có tiền, liên danh với đối tác Hồng Kông, lấy luôn 2 khu đất đó làm tài sản để liên danh. Nhưng đất đó TP giao không thu tiền, là đất giao kinh doanh có lợi nhuận, không thể lấy làm tài sản đem ra góp vốn liên danh. Cty này đã hứa bốn, năm lần, và hứa sẽ làm trong năm 2021. Nếu Cty không làm thì để đơn vị khác làm, chứ không thể kéo dài mãi” - ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, hiện nay có một thực trạng là các đơn vị làm thủ tục đầu tư dường như làm cho xong, khi đi kiểm tra gần như không sát thực tế. Đề xuất 1 đường nhưng khi vào thực tế dự án nào cũng chênh vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Có dự án, thực tế không làm được, nhưng vẫn đề xuất. Do vậy, ông Trung đề nghị cần phải kiểm điểm trách nhiệm của BQL dự án, đặc biệt là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư. Song song với đó, ông Trung cũng yêu cầu đánh giá năng lực các nhà thầu đang thi công các công trình trọng điểm, động lực của TP. Khi làm hồ sơ dự thầu thì rất đẹp, năng lực rất hoàn mỹ, nhưng khi đi vào thực tế thi công thì một trời một vực.

Có thể kể ra hàng loạt dự án đã thấy rõ như đường và cầu qua sông Cổ Cò, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, đường vành đai phía Tây, đường DH2… “Như ở dự án đường và cầu qua sông Cổ Cò, công trình chặn cả dòng sông như thế nhưng loe ngoe trên công trường có hai mươi mấy công nhân. Vậy thi công cái gì, trong khi chuẩn bị mùa mưa tới, sắp hết thời hạn của hợp đồng mà cứ đủng đa đủng đỉnh như vậy. Do vậy tôi đề nghị phải rà soát, đánh giá, trước mắt với công trình trọng điểm. Nhà thầu nào không đáp ứng tiến độ thi công, vi phạm, gia hạn tiến độ thì TP xem xét lần sau không cho tham gia đấu thầu nữa. Xem như đã bị chấm 1 sẹo rồi, cái này luật cho phép. Chứ bây giờ cứ từ từ, một mình ông ấy dàn trải ra từ Hòa Vang tới Ngũ Hành Sơn chỗ nào cũng có mặt ổng cuối cùng ổng không thi công được. Thậm chí như đường vành đai phía Tây bây giờ nhà thầu bỏ đi rồi tìm không ra. Cái này đồng thời phải kiểm điểm trách nhiệm của BQL dự án, các đơn vị tham mưu trong công tác xét thầu”- ông Trung nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, nhà máy xử lý rác 650 tấn của Cty môi trường Việt Nam khi lập hồ sơ dự án gửi ra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã không nói sự thật nguồn gốc đất ban đầu, Bộ chỉ thẩm định đoạn sau, như vậy thấy đúng. Bây giờ phải thu hồi, chỉ triển khai dự án khi có văn bản đồng ý của Bộ TN&MT, bằng không nếu cố làm sẽ sai. Ông Chinh cũng thừa nhận thực tế việc lập thủ tục đầu tư không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều lần, điều này xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm, năng lực. Kế tiếp về năng lực nhà thầu, ông Chinh cũng thống nhất quan điểm nếu chậm trễ công trình do chủ quan thì sẽ không cho tham gia đấu thầu các dự án sau.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng chia sẻ một số vướng mắc liên quan tới dự án phát triển bền vững TP, tuyến cống Khe Cạn, việc giải tỏa Nhà máy thuốc lá xây dựng trường THPT Hòa Vang… Theo ông Chinh, dự án phát triển bền vững, nếu không quyết liệt thì giờ không biết tiến hay lùi. Hiện nay TP đã thống nhất dừng, theo đó ngày 30-6, Ngân hàng Thế giới đóng chi. Tuy nhiên, nếu không kịp điều chỉnh chủ trương, trình HĐND thông qua kỳ họp tới thì các hạng mục còn lại không triển khai được. Do vậy, hiện TP đang nỗ lực sớm trình điều chỉnh chủ trương đầu tư. TP sẽ bỏ ra 542 tỷ đồng thực hiện dự án, trong đó phần đền bù tư vấn ít, chủ yếu phần vốn của WB chiếm gần 190 tỷ đồng. Với dự án Khe Cạn, qua rà soát có nhiều vấn đề trước đây triển khai không đúng qui định. Vì vậy, TP sẽ điều chỉnh qui hoạch lại để thu hồi đất ít, đồng thời từ đó hoàn thiện tính pháp lý của cả dự án thì mới tiếp tục triển khai được. Còn nếu không làm việc này, không cưỡng chế người dân được, có 5 năm, 10 năm nữa cũng không thể triển khai dự án.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cho biết trong kỳ họp HĐND tới chưa trình dự án khu dịch vụ thương mại bến xe phía Bắc TP, tính toán phương án khác để khai thác sử dụng hiệu quả hơn. Tương tự, hệ thống camera giám sát điều chỉnh tới 550 tỷ đồng chuyển từ hình thức đầu tư PPP qua vốn đầu tư công rất lớn, mức độ chưa thực sự cấp bách, nên cần nghiên cứu thêm, nếu khả thi sẽ trình tại kỳ họp sau. Ngoài ra, Chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ các cụm công nghiệp, xử lý nghiêm tình trạng xây dựng trái phép nhất là ở Liên Chiểu, xem xét tiến độ đầu tư các Trạm trung chuyển rác.

“Trạm trung chuyển rác Nguyễn Đức Trung đã làm, hứa hẹn sạch đẹp, không có mùi hôi nhưng bây giờ ngược lại. Từ đó người dân thấy, không tin trạm trung chuyển rác Lê Thanh Nghị và Sơn Trà nữa. Vì vậy, vấn đề công nghệ, lấy ý kiến nhân dân phải rà soát, làm lại qui trình cho phù hợp. Nói gì cũng phải lắng nghe ý kiến người dân. Như trạm Lê Thanh Nghị đưa ra lấy ý kiến 100% người dân phản đối. Từ ông Bí thư chi bộ bảo làm trạm là nghỉ việc, xách đơn đi kiện. Do đó, phải sớm rà soát để quyết định, hoặc thay đổi hoặc tập trung thực hiện thì phải vận động tốt người dân”- Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết nói.

HẢI QUỲNH