Phải có trách nhiệm bảo vệ lợi ích hợp pháp cho đồng nghiệp và cho chính mình

Thứ hai, 09/09/2013 16:28

(Cadn.com.vn) - Nhân sự kiện ra mắt văn phòng đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Đà Nẵng, nhạc sĩ Phó Đức Phương-Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng về một số vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc.

 P.V: Xin nhạc sĩ giới thiệu đôi nét về VCPMC?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: VCPMC thành lập năm 2002, là tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, phi chính phủ, phi lợi nhuận, đại diện theo ủy quyền của các tác giả trong việc bảo vệ và quản lý quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc và là cầu nối giữa người sử dụng âm nhạc với người nắm giữ quyền tác giả. Từ chỗ khi mới thành lập năm 2002 mới có 274 tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ký hợp đồng ủy quyền cho VCPMC làm đại diện quản lý, khai thác quyền tác giả, đến nay, VCPMC đã được khoảng 2.500 tác giả âm nhạc ủy quyền.

Hiện VCPMC là thành viên của Liên minh quốc tế các hiệp hội nhà soạn nhạc và lời (CISAC), có kết nối chặt chẽ và thường xuyên với gần 50 tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc trên thế giới thông qua các hợp đồng hợp tác song phương. Theo đó, các tác phẩm âm nhạc của Việt Nam được VCPMC khai thác và sử dụng không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam mà còn mở rộng đến 134 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngược lại, các tác phẩm âm nhạc của quốc tế cũng được quản lý, khai thác, sử dụng tại Việt Nam thông qua VCPMC.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (trái) và nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, Phó Văn phòng đại diện VCPMC
tại Đà Nẵng.

 P.V: Những lĩnh vực nào phải trả tiền bản quyền âm nhạc, thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Hiện nay, VCPMC đang thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong khoảng 20 lĩnh vực gồm: xuất bản; biểu diễn;  khách sạn;  quán karaoke; vũ trường; CLB khiêu vũ, cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, cửa hàng băng đĩa nhạc; nhà hàng; phát thanh; truyền hình; nhạc chuông, nhạc chờ; nhạc trên website; giao thông; nhạc dùng trong phim, clip quảng cáo... Năm 2012, VCPMC thu về hơn 48 tỷ đồng (khoảng hơn 2 triệu USD) tiền bản quyền âm nhạc, tuy so với các nước phát triển thì Việt Nam khó mà đuổi kịp về tiền bản quyền tác giả, nhưng dù sao, đấy cũng là một tín hiệu mừng. Năm 2013, chúng tôi đặt mục tiêu thu về 54 tỷ đồng tiền bản quyền âm nhạc.

 P.V: Là tác giả của các ca khúc nổi tiếng như “Hồ trên núi”, “Chảy đi sông ơi”, "Về quê”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Những cô gái quan họ”, “Huyền thoại hồ Núi Cốc”, ông cân bằng thế nào giữa vai trò của người quản lý với một nhạc sĩ sáng tác?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Nói thật là khoảng hơn 10 năm nay, tôi gần như đã “hy sinh” việc sáng tác và từ chối tất cả các lời mời sáng tác, tự nguyện dành thời gian, tâm sức cho công việc mới mẽ và nhiều  khó khăn này. Thực tế là có nhiều nhạc sĩ rất nổi tiếng với những sáng tác âm nhạc có thể nói là “để đời” như Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Hồng Đăng, Văn Dung, Phạm Tuyên... nhưng họ không bao giờ đi đòi tiền bản quyền.

Có lẽ trong suy nghĩ của họ, việc sáng tác ca khúc là sự cống hiến văn hóa, là do nỗi lòng, do tài năng thôi thúc. Với họ, bài hát của mình được nhiều người hát, nhiều người biết đến, được ghi tên tác giả đã là quý rồi, còn phần lợi nhuận thì không quan tâm lắm. Khi VCPMC ra đời và hoạt động đã giúp rất nhiều nhạc sĩ có được thu nhập tốt từ tiền bản quyền tác giả âm nhạc. Lúc đầu cũng gian truân lắm, bao nhiêu là va chạm, xung khắc với các đơn vị, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc, từng có lúc muốn buông xuôi, bỏ quách, nhưng rồi lại thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các đồng nghiệp và cho chính mình. Có được khoản tiền chính đáng này, các nhạc sĩ cũng đỡ vất vả trong cuộc sống, có thể bù đắp các tiêu hao về năng lượng, sức khỏe, trí tuệ và tiếp tục đầu tư cho các hoạt động sáng tạo trong âm nhạc.

Theo tôi, đó cũng  là cách để bảo vệ lợi ích cộng đồng, bảo vệ những sáng tạo trí tuệ, để nền âm nhạc nước nhà tiếp tục có nhiều sản phẩm mới có giá trị hơn, hay hơn để phục vụ cho công chúng, vì lợi ích của sự phát triển xã hội.

 P.V: Xin cảm ơn nhạc sĩ. Mong ông có nhiều sức khỏe để theo đuổi công việc đầy tâm huyết này.

K.Thanh

(thực hiện)