PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TP ĐÀ NẴNG VÕ DUY KHƯƠNG:

Phải có tư duy làm chủ thay vì chỉ nghĩ làm thuê

Thứ hai, 11/05/2015 07:55

(Cadn.com.vn) - Tại chương trình tuyển chọn dự án khởi nghiệp Đà Nẵng hôm 9-5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương nói: Được mấy em sinh viên ra trường có tư duy làm chủ hay chỉ nghĩ làm thuê?

Theo ông Võ Duy Khương, đối với bạn trẻ, khởi nghiệp đi liền với ý tưởng sáng tạo, và phải có văn hóa chấp nhận thất bại... mới mong có ngày thành công.

Không phải thi rồi để đó

Đầu vào chỉ là những ý tưởng kinh doanh nhưng đầu ra sẽ là doanh nhân. Để làm được điều đó là một quá trình kéo dài trong 3 năm qua 3 giai đoạn. Có thể hiểu ngắn gọn về chương trình 100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng do Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng đang triển khai là như vậy. Ông Lý Đình Quân- Phó chủ tịch Hiệp hội nói, ở các thành phố khác khi làm khởi nghiệp thường chỉ là cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp rồi dừng ở đó mà không chăm lo cho ý tưởng ấy phát triển. Vì thế, khi làm khởi nghiệp ở Đà Nẵng, Hiệp hội sẽ tiến hành theo một quá trình để đảm bảo rằng từ ý tưởng khởi nghiệp ban đầu sẽ được biến thành thực tiễn.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu, những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo và khả thi nhất của sinh viên sẽ được chọn lựa, bồi dưỡng, đào tạo. Giai đoạn kế tiếp, chủ nhân của các ý tưởng sẽ được đào tạo kỹ năng khởi sự doanh nghiệp với các chuyên gia khởi nghiệp uy tín. Cuối cùng, các ý tưởng đó sẽ được kết nối với các nguồn lực đầu tư từ vốn, nhân sự, thị trường và cả mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Trong giai đoạn 1 của chương trình 100 hạt giống doanh nhân có 43 dự án tham gia tuyển chọn. Ngày 9-5, ban tổ chức đã chọn được 20 dự án xuất sắc nhất để tiếp tục bước vào giai đoạn 2. Trong giai đoạn này, chủ nhân các dự án phải trải qua 10 chuyên đề với các chuyên gia đào tạo khởi nghiệp, từ đây lần lượt 50% trong số 20 dự án sẽ được loại dần. Ông Lý Đình Quân nói thêm, bên cạnh việc đào tạo, phát triển dự án, thì các Chương trình còn kết nối với các Quỹ đầu tư khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư biến các dự án thành hiện thực. Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cũng cho biết, TP sẽ chuyển đổi quỹ đầu tư phát triển sang quỹ khởi nghiệp để thúc đẩy chương trình khởi nghiệp của Đà Nẵng đi vào thực chất, có kết quả.

Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng Lê Văn Hiểu trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp
với các sinh viên.

Đừng chỉ nghĩ làm thuê!

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương nói, năm 2014 sau khi nghiên cứu lại mục tiêu phát triển Đà Nẵng, các ý kiến đều đi đến nhận định nếu không đầu tư phát triển doanh nghiệp, không mở rộng quy mô doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế thì Đà Nẵng sẽ không có động lực phát triển trong những năm tới. Trên tinh thần đó, ông Khương đánh giá Đề án phát triển DN đến năm 2020 của TP đã được các đơn vị triển khai tích cực, đơn cử như trong lĩnh vực khởi nghiệp thì việc chọn lựa, phát triển 100 hạt giống doanh nhân của Hiệp hội DNVVN Đà Nẵng là rất ý nghĩa.

Tuy vậy, ông Khương nhấn mạnh, cái chính phải tạo ra được văn hóa khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp của cả thế hệ thanh niên Đà Nẵng một cách mạnh mẽ, chứ không chỉ là 100 người. Ông kể câu chuyện để các “hạt giống doanh nhân” cùng suy ngẫm. Một tài liệu của Tổ chức kinh tế thế giới đánh giá, trong 12 nước tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được chia làm 3 nhóm. Ở nhóm các nước sáng tạo gồm Mỹ, Australia, Canada... Ở nhóm sản xuất gồm Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore... Còn lại, trong nhóm khai thác tài nguyên để phát triển chỉ có 2 nước là Việt Nam và Peru. Hàn Quốc chỉ mất 30 năm để đi lên công nghiệp hóa hiện đại như ngày nay, còn nước mình sau 40 năm quy mô nền kinh tế vẫn cứ... mình tiến được một bước, người ta đã tiến 5 bước.

Ở Đà Nẵng, ông Khương nói, mỗi năm có khoảng 30 - 40 ngàn sinh viên ra trường, thử hỏi bao nhiêu trong số đó có việc làm ổn định? Tình trạng thất nghiệp ở đô thị ngày càng tăng cao, trong đó có Đà Nẵng. Vấn đề ở chỗ nào? Bản thân các em ra trường chỉ nghĩ mình đi làm thuê, rất ít em có tư duy mình phải làm chủ. Vậy, vấn đề còn lại của chúng ta phải đưa tinh thần khởi nghiệp vào tận giảng đường cho sinh viên, thậm chí sớm hơn nữa là vào học đường. “Ở Mỹ, tinh thần khởi nghiệp người ta đưa vào trường học từ rất sớm để các em tự rèn luyện, có ý thức tự chủ. Còn ở mình chương trình học nặng về lý thuyết quá. Các trường phải chủ động đưa chương trình khởi nghiệp vào từ sớm chứ không phải đến lúc thất nghiệp rồi mới tính chuyện giáo dục khởi nghiệp”- ông Khương nói.

Cũng theo ông Võ Duy Khương, điều quan trọng trong khởi nghiệp là văn hóa biết chấp nhận thất bại. Ở mình cái tâm lý thất bại là xấu hổ, là vết nhơ phải bỏ đi nơi khác mới dám làm lại từ đầu. Ở các nước khác, thất bại 10 lần cũng là bình thường, xã hội không xem đó là người yếu năng lực. Từ ý tưởng không có thành công ngay được, đó là một quá trình, và trong quá trình đó nếu niềm tin, khát vọng không đủ lớn thì không thể đi đến thành công. “Khởi nghiệp đi liền với sáng tạo. Nếu ý tưởng không mới, không lạ thì rất khó thành công” - ông Khương nói.

Hải Hậu