Phải coi văn học nghệ thuật là một phương tiện hữu hiệu của công tác tư tưởng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy biểu dương, đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết 23 của các cấp ủy đảng, chính quyền Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong 15 năm qua, đồng thời nhấn mạnh: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23 có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với đời sống văn học, nghệ thuật nói chung, đội ngũ văn nghệ sĩ nói riêng. Thực hiện Nghị quyết, thành phố đã thành lập hội đồng nghệ thuật, xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng; các chế độ, chính sách dành cho văn nghệ sĩ cũng được quan tâm. Đồng thời định kỳ tổ chức tọa đàm, tiếp xúc, trao đổi để nắm bắt tình hình và giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh liên quan đến văn nghệ sĩ, trí thức thành phố. “Chỉ từ vài trăm hội viên khi mới thành lập, đến nay đã nâng lên 1.231 hội viên các hội chuyên ngành, trong đó có 05 Nghệ sĩ Nhân dân, 02 Nghệ nhân Nhân dân, 33 Nghệ sĩ ưu tú, 06 Nghệ nhân ưu tú. Nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu của thành phố đã được phong tặng các danh hiệu, giải thưởng lớn như: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Về chuyên môn chất lượng các tác phẩm, sản phẩm văn học nghệ thuật đạt được nhiều kết quả tích cực, có giá trị cao trong các mặt đời sống xã hội thành phố” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhìn nhận.
Thời gian đến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội; coi văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, có vai trò to lớn và là một trong những động lực trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Đà Nẵng, góp phần xây dựng VHNT thành phố xứng tầm với vị thế và là trung tâm văn hóa của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa nói chung và phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng, trọng tâm là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; bài phát biểu Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021 và phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Hội nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão năm 2023; Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Đề án “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng xây dựng thành phố an bình, đáng sống, hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025”.
Đặc biệt, Phó bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu phải coi VHNT là một phương tiện hữu hiệu của công tác tư tưởng. Bởi lẽ, ngoài chức năng giáo dục, thẩm mỹ, giải trí... VHNT còn có chức năng tư tưởng. Bằng tài năng và sự sáng tạo của mình, văn nghệ sĩ có thể làm nổi bật lên những vấn đề của thời đại, làm lóe sáng những khát vọng lớn lao, vạch con đường xóa bỏ áp bức, bất công thông qua các hình tượng nghệ thuật đặc sắc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đà Nẵng. Đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển VHNT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển hài hòa với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng đơn vị, từng ngành, từng địa phương. “Tôi đề nghị, phải khuyến khích các tầng lớp Nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa thành phố, tham gia vào việc sáng tạo, phổ biến và hưởng thụ các tác phẩm văn học nghệ thuật có tính thẩm mỹ giáo dục cao và gần gũi với đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Tập trung phát triển các loại hình nghệ thuật từ nghệ thuật đại chúng đến nghệ thuật bác học phù hợp với đặc điểm tình hình của thành phố, chú ý đến môi trường văn hóa, môi trường số, văn học nghệ thuật phải thích ứng linh hoạt, phải thể hiện hơi thở cuộc sống nhưng vừa định hướng cho người dân đến cái đẹp chân thiện mỹ, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn học nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của dân tộc, của thành phố” – Phó bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Báo cáo đánh giá tại hội nghị cho thấy, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy đảng và chính quyền thành phố đã nhận thức đúng đắn về tính đặc thù và có phương thức quản lý khoa học, phù hợp, có các chính sách linh hoạt đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật. Hầu hết các thiết chế văn hóa sau khi được đầu tư, nâng cấp, cải tạo đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, cũng như giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo quần chúng ở địa phương. Trong khí đó, lĩnh vực văn học, nghệ thuật thành phố ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí của mình trong công cuộc xây dựng, phát triển thành phố…
Nhân hội nghị này, Ban tổ chức đã tuyên dương, tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho 7 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 23.
Công Hạnh - Thùy Uyên