Phải dập được dịch trong 14 ngày giãn cách
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng chiều 8-8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, những ngày qua, thành phố tốn rất nhiều sức người, sức của cho công tác phòng chống dịch, vì thế, các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện phát mạnh cùng quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa để đẩy lùi đại dịch trong tối đa 14 ngày giãn cách xã hội.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP chiều 8-8. |
Lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa vẫn “nóng”
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, ngày 8-8, thành phố ghi nhận 68 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 42 trường hợp F1 đã được cách ly, 22 trường hợp trong khu phong tỏa và 4 trường hợp trong cộng đồng. Trong số 22 ca trong khu vực phong tỏa, 1 ca có triệu chứng đến khám tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; 6 ca lấy mẫu hộ gia đình tại P. Thọ Quang do liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Cảng cá Thọ Quang; 13 ca lấy mẫu tại P. Nại Hiên Đông liên quan đến F0 trước đó làm việc tại Cảng cá Thọ Quang; 2 ca tại Q. Liên Chiểu liên quan đến F0 trước đó. Trong 4 ca trong cộng đồng, có 2 trường hợp lấy mẫu hộ gia đình; 2 trường hợp lấy mẫu tại khu vực có nguy cơ cao. Sơn Trà vẫn đang là điểm nóng khi ghi nhận thêm 50 ca mắc mới trong ngày, tập trung tại một số địa phương như Nại Hiên Đông (16 ca), Thọ Quang (23 ca), Mân Thái (6 ca), An Hải Bắc (2 ca), Phước Mỹ (2 ca).
“Các khu vực trên địa bàn Q. Sơn Trà dù đã được áp dụng các biện pháp phong tỏa gần 10 ngày nhưng đến nay tốc độ lây lan vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ở những khu vực này, các ngành chức năng cũng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng nhưng qua 3 đến 5 lần xét nghiệm vẫn tiếp tục phát hiện ca dương tính mới. Điều này cho thấy, trong các khu vực phong tỏa nguy cơ lây nhiễm chéo vẫn rất cao”, bác sĩ Thạnh nhìn nhận.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, các địa phương có ca nhiễm trong khu vực phong tỏa không ngừng tăng, như phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang phải đánh giá lại công tác phòng, chống dịch của mình. Phải xem các ca mắc mới trong khu vực phong tỏa như là những ca trong cộng đồng vì bản chất nó đều có khả năng lây lan như nhau để từ đó nâng cao quyết tâm dập dịch. “Từng địa phương phải xác định được thời điểm cụ thể dập tắt được dịch bệnh. Bên cạnh, phải đặt mục tiêu không để tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu phong tỏa tiếp diễn. Địa phương nào không làm tốt công tác phòng, chống dịch, để dịch lây lan diện rộng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch chung của thành phố thì người đứng đầu mỗi địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Quảng nhấn mạnh.
Song song đó, ông Quảng cũng đề nghị các địa phương, nhất là các phường đang áp dụng các biện pháp cách ly y tế, phong tỏa trên địa bàn Q. Sơn Trà đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp F0, F1. Theo ông Quảng, mỗi ngày trôi qua, thành phố phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của để chống dịch, từ lấy mẫu, cách ly, đến điều trị bệnh, kể cả hy sinh lợi ích kinh tế… Thế cho nên, mỗi đơn vị, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm dập cho bằng được dịch trong tối đa 14 ngày để hạn chế thấp nhất những hậu quả để lại khi dịch đi qua.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp kiểm soát chặt chẽ tại các khu vực phong tỏa, không để tình trạng lây nhiễm chéo tiếp tục xảy ra. |
“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các khu vực phong tỏa nhưng một số nơi chưa kiểm soát được lượt người dân và phương tiện vào ra, ông Quảng yêu cầu phải chấn chỉnh ngay. “Về nguyên tắc, đã áp dụng biện pháp phong tỏa thì phải “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Phải cấm tuyệt đối các hoạt động của những người không có thẩm quyền vào ra các khu cách ly y tế, phong tỏa, kể cả các đoàn thiện nguyện. Từng địa phương phải linh hoạt, chủ động triển khai các hoạt động cung cứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu ở mức tối thiểu cho người dân trong khu phong tỏa chứ không phải để người khác tự do ra vào trao hỗ trợ”, ông Quảng chỉ đạo.
Theo ông Quảng, từ ngày 3-5 đến 9-7, Đà Nẵng chỉ phát hiện 250 ca mắc COVID-19 nhưng kể từ ngày 10-7 đến nay thành phố liên tiếp ghi nhận 1.283 ca mắc mới, gấp hơn 5 lần so với thời điểm hai tháng trước. Điều đó cho thấy, dù công tác phòng chống dịch của thành phố đang đi đúng hướng nhưng tốc độ lây lan của dịch bệnh là nhanh và mạnh hơn rất nhiều nên các cơ quan chức năng cũng như người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Nhằm sớm dập tắt nguồn lây trên địa bàn Q. Sơn Trà, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu quận chỉ đạo các phường nhanh chóng triển khai các chốt chặn, ít nhất mỗi chốt 2 người, chốt chặt tại các kiệt, hẻm trong các khu dân cư, tuyệt đối không cho người dân qua lại; tiến hành phong tỏa ngay những đường ngang ngõ tắt trên địa bàn quận. Bên cạnh, mỗi địa phương phải lập thêm các tổ COVID cộng đồng nhằm tăng cường kiểm soát dịch; chia nhỏ từng khu vực để áp dụng các biện pháp “phong tỏa trong phong tỏa”.
PHI NÔNG