Phải hết sức nghiêm túc trong công tác đảm bảo VSATTP

Thứ ba, 30/08/2016 09:24

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-8, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp thông qua phương án thành lập cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm (ATTP), kế hoạch truyền thông tổng thể về ATTP, quy định quản lý thức ăn đường phố, đề án quản lý ATTP đến năm 2020 từ trang trại đến bàn ăn và quy định phân công, phối hợp trong quản lý về ATTP... Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đã thẳng thắn phê bình thái độ, trách nhiệm của một số sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Trách nhiệm của một số ngành chưa nghiêm túc

Mở đầu cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đặt câu hỏi: “Hiện nay trên địa bàn thành phố có bao nhiêu bếp ăn tập thể và ngành Y tế đã tiến hành kiểm tra được bao nhiêu bếp? Trả lời vấn đề này, đại diện lãnh đạo Chi cục ATVSTP thành phố cho biết, hiện toàn thành phố có hơn 7.000 bếp ăn tập thể, được phân loại quản lý 3 cấp gồm trạm y tế xã, phường (bếp ăn dưới 50 suất), các quận, huyện (bếp ăn 50-200 suất) và Chi cục ATVSTP (bếp ăn hơn 200 suất). Đến thời điểm hiện tại, Chi cục ATVSTP mới kiểm tra được khoảng 56% số bếp ăn. Riêng việc kiểm tra các bếp ăn trường học thì đến tháng 9, khi bước vào năm học thì mới bắt đầu triển khai. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đã phê bình Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc đã không lĩnh hội hết các văn bản, kế hoạch thành phố ban hành. “Kế hoạch của UBND thành phố ban hành cuối tháng 7 vừa qua phải kiểm tra 100% các bếp ăn tập thể, trong tháng 8 này phải kiểm tra bếp ăn các trường học. Đề nghị Sở Y tế trả lời rõ câu hỏi vì sao Chi cục ATVSTP đến thời điểm hiện tại lại cho rằng chưa nhận được kế hoạch của thành phố. Khi hỏi đến thì các anh lại trả lời chúng em chỉ tiến hành kiểm tra định kỳ. Chỉ nói chung chung và rất mơ mơ, màng màng”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP tiếp tục đặt câu hỏi: “Lâu nay lãnh đạo Sở Y tế đã có xuống quận, huyện để cùng tiến hành kiểm tra các bếp ăn tại trường học chưa?”. Tiếp nhận những câu trả lời không chắc chắn từ lãnh đạo Sở Y tế, Phó Chủ tịch UBND TP nói ngay: “Trước khi vào năm học mới thì các anh phải xuống quận, huyện tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và xem những bếp ăn bán trú đã ký cam kết đảm bảo VSATTP hay chưa. Chỉ còn mấy ngày nữa là khai giảng rồi mà các anh chẳng sốt ruột gì cả. Hỏi đến đâu thì các anh lại đem kế hoạch năm ra báo cáo, để khi xảy ra ngộ độc một đống thì kêu lãnh đạo thành phố xuống giải quyết. Khi nào Sở Y tế cam kết là đã đảm bảo được 100% trong bếp ăn tại trường học thì lãnh đạo thành phố mới có thể yên tâm được. Sau cuộc họp này tôi đề nghị các đồng chí chịu khó xuống tận các trường kiểm tra, hướng dẫn những vấn đề đảm bảo ATTP và yêu cầu họ ký cam kết để đảm bảo. Không giao trách nhiệm cho Chi cục ATVSTP và những người đứng điểm. Đừng để họ thích làm gì thì làm. Các anh đừng có đổ qua đổ về mà tội cho các cháu nhỏ. Ngoài ra, các anh hãy tiến hành kiểm tra và giải quyết dứt điểm tình trạng bán hàng rong, đồ ăn vặt trước cổng trường học. Nếu cần thì  xem xét đưa vào khuôn viên trường bán để giao trách nhiệm quản lý cho rõ ràng”.

Tại buổi làm việc, mặc dù đây là cuộc họp quan trọng và có quá nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực đơn vị phụ trách nhưng lãnh đạo Sở NN&PTNT đã không tham dự mà cử một chuyên viên đi thay. Chính vì vậy, trước khi vào những vấn đề chính liên quan đến ngành này, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đã mời chuyên viên này ra về và phê bình gay gắt thái độ của lãnh đạo Sở NN&PTNT. Phó Chủ tịch đề nghị Sở Nội vụ chính thức kiểm tra công chức, kiểm tra thực hành công vụ, thái độ làm việc của các sở, ngành liên quan đến việc thực hiện kế hoạch về ATVSTP, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh. “Có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đến 4 lần góp ý, bổ sung nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Điều này do trình độ của chúng ta yếu kém hay là thái độ, trách nhiệm chưa nghiêm túc”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nói.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra các cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn thành phố.
 
Ảnh: Công Khanh

Cần thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về ATTP

Công tác quản lý nhà nước về ATVSTP hiện nay được giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở Công thương, NN&PTNT tham gia. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt  Dũng, câu hỏi: “Các loại thực phẩm trên địa bàn thành phố hiện ô nhiễm ở mức độ nào và các đồng chí có dám chắc là trong cá, thịt không có độc không”. Tuy nhiên, đây là một câu hỏi khó nên các ngành liên quan vẫn không thể trả lời chính xác. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng, nguyên nhân xuất phát từ sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, sự chồng chéo trong công tác quản lý nên mọi nhiệm vụ đều triển khai một cách chung chung, không rõ ràng. Thậm chí, bản thân của một số sở, ngành cũng không có sự phân công cán bộ chuyên trách rõ ràng nên tiến độ thực hiện các kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP thành phố có sự chậm trễ, trùng lặp.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế, quy định về phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan. Một khi đã thông qua sẽ quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị. Các Sở Y tế, Công thương, NN&PTNT cũng như UBND các quận, huyện và xã, phường sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố đối với những nhiệm vụ liên quan đến đơn vị mình. Điều này đảm bảo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về VSATTP không bị gián đoạn, công tác quản lý không xảy ra tình trạng chồng chéo.

Theo Văn phòng UBND thành phố, tính đến thời điểm cuối tháng 8-2016, nhiều nhiệm vụ trọng tâm về ATVSTP của thành phố đã chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra. Trong đó có đề án “Quản lý an toàn thực phẩm theo quy trình từ trang trại đến bàn ăn” trên địa bàn thành phố đến năm 2020, quy định quản lý thức ăn đường phố theo tiến độ ngày 20-7 phải hoàn thành nhưng hôm nay vẫn tiếp tục họp và lấy ý kiến.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng khẳng định, quản lý ATTP theo quy trình từ trang trại đến bếp ăn và quản lý chặt thức ăn đường phố là biện pháp quản lý tốt nhất đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, nó đòi hỏi sự nỗ lực tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, ở nhiều khâu từ “trang trại đến bàn ăn”. Mục đích cuối cùng của công tác bảo đảm chất lượng ATTP là đảm bảo thực phẩm sạch, là nguồn dinh dưỡng cho sự phát triển và sức khỏe của người tiêu dùng, ngăn ngừa không để xảy ra các ca ngộ độc, vụ ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm độc tích lũy do thức ăn bị ô nhiễm. Chính vì vậy, đòi hỏi các cấp ngành phải thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về ATTP, hết sức nghiêm túc trong công tác đảm bảo VSATTP và đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật các biện pháp tiên tiến trong quản lý ATTP. Đồng thời, chú trọng công tác thanh, kiểm tra và tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội về giữ gìn vệ sinh, bảo đảm ATTP.

Lê Hùng