Phải ngăn chặn các "Mẹ Mười" tiếp theo

Thứ năm, 24/05/2018 07:26

Khách quan mà nói, vụ việc bạo hành nhẫn tâm ở nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng là nỗi ám ảnh lớn đối với con trẻ, cú sốc dành cho cha mẹ các em và gây phẫn nộ trong dư luận, là hiện tượng cá biệt chứ không phải là phổ biến. Nhưng đó là một lời cảnh báo mạnh mẽ đối với công tác quản lý nhóm trẻ gia đình.

Vào năm 2010, một em bé đã tử vong do sặc cháo trong một nhóm trẻ trên địa bàn quận Hải Châu. Không lâu sau đó, một bé khác cũng đã không qua khỏi cơn nguy kịch sau khi bị té dập đầu xuống sàn nhà, trong một nhóm trẻ thuộc địa bàn Q. Cẩm Lệ. Cái chết của một đứa trẻ là rất đau lòng nhưng thời điểm đó, sau những đau buồn, người ta thiên về việc đánh giá những sơ suất trong kỹ năng chăm sóc trẻ của người lớn tuổi khi kết hợp kiếm thêm thu nhập trong thời gian chăm bẵm con cháu của mình.

Cho đến ngày bảo mẫu Đinh Thị Hồng – là chủ một cơ sở chăm sóc trẻ được cấp phép hoạt động (với cam kết đầu tiên là tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em), giơ bàn tay của một người phụ nữ có sức vóc tát liên tục vào mặt một đứa trẻ khi nó nằm ngửa trên nền nhà, để ép nó ăn, thì không còn gì để nói nữa. Đó là câu chuyện đạo đức người trông trẻ.

Một người cha, người mẹ khi mang đứa con của mình đi gửi trẻ đều phải cắn răng gạt đi những nỗi lo. Vì những lo toan trong công việc, không còn sự lựa chọn nào khác, họ có thể xuê xoa chấp nhận thiếu sót về kỹ năng, nghiệp vụ của một người trông trẻ trong tư thế mình phải đi cậy nhờ. Nhưng tát vào mặt đứa trẻ chưa biết phản ứng gì ngoài khóc, bắt cởi trần nằm ngửa trên nền nhà, lật cổ để nhét cháo, xách cổ, bịt mũi chúng đem đi vệ sinh thì đó là cái tát không gì đau đớn, xót xa hơn.

Những cái tát nhẫn tâm ấy sẽ là vết thương lòng trong ba mẹ chúng. Cơ sở Mẹ Mười có đóng cửa thì hơn 1.000 nhóm trẻ độc lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn hoạt động, vì đó là nhu cầu thực tế của người lớn, cũng là bước đệm cần thiết trong quá trình phát triển thể chất, tinh thần của con trẻ. Xử lý nghiêm đối với bảo mẫu Đinh Thị Hồng là điều cần thiết, nhưng nó không quan trọng bằng việc rà soát, đưa ra quản lý hiệu quả đối với những nhóm trẻ còn lại (mà chưa chắc chỉ dừng lại ở con số 1.000 theo báo cáo từ các địa phương).

Điều đáng quan tâm là, chỉ đạo của thành phố đã được ban hành nửa năm nhưng chưa có báo cáo cụ thể nào, mà vụ việc bạo hành chỉ mới tung lên vài tiếng đồng hồ đã được lãnh đạo Phòng GD&ĐT Q. Thanh Khê báo cáo nhanh rằng “không có trẻ nào bị tổn thương về tinh thần và thể xác (kể cả các cháu có trong clip và hình ảnh được đăng trên mạng)! Có ai tin được dòng báo cáo nhanh đến mức không tưởng này không?

Người viết vẫn tin vào những cố gắng cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục của Đà Nẵng. Nhưng muốn quá trình ấy có kết quả tốt thì phải xử lý được những vụ việc được coi là cá biệt như Mẹ Mười, để không xảy ra những “mẹ” khác. Hẳn nhiên, nó không thể được thực hiện từ trên giấy!

CÔNG KHANH