Phải nghiêm trị

Thứ tư, 09/04/2014 00:10

(Cadn.com.vn) - Phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), ngày 8-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban, yêu cầu nghiêm trị những cán bộ vi phạm pháp luật, có hành vi bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trình bày cho biết, tình hình buôn lậu, hàng giả vẫn diễn ra phức tạp; việc triệt phá những đường dây lớn còn hạn chế, chỉ mới xử lý khâu lưu thông mà chưa xử lý cái gốc là từ khâu nhập khẩu; số vụ được xử lý còn ít, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế. Cả năm 2013, các lực lượng chức năng phát hiện hơn 32.000 vụ buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với trị giá gần 430 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ giảm gần 8.500 vụ (hơn 26%).

Buôn lậu vẫn diễn ra ở các tuyến biên giới như Việt Nam-Trung Quốc (các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh...). Đặc biệt, buôn lậu còn diễn ra ở tuyến biên giới biển, trong đó buôn lậu xăng dầu trên biển là vấn đề nóng trong năm 2013, đặc biệt là ở vùng biển Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Trên biển cũng diễn ra buôn lậu gia súc, gia cầm, phân bón. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các lực lượng cảnh sát biển, bộ đội Biên phòng, hải quan đã phát hiện, xử lý gần 940 vụ, thu phạt hơn 150 tỷ đồng. Cũng theo ông Hải, buôn lậu còn diễn ra trên các tuyến hàng không, trong các địa bàn nội địa...

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng buôn lậu diễn ra mạnh ở các tuyến biên giới, trong đó phức tạp nhất là tuyến biên giới phía Bắc, phía Nam, miền Trung, tiếp đến là hàng không, trên biển. Trong đó, ở tuyến biên giới phía Bắc chủ yếu buôn lậu gia cầm, thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thượng tướng Lê Quý Vương cũng đề nghị đánh giá lại vấn đề tạm nhập tái xuất hàng hóa nhập khẩu để có sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Góp ý vào phương hướng hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung đề nghị phải quy định rõ, mỗi địa bàn cần một lực lượng chịu trách nhiệm chính phối hợp với các lực lượng chuyên trách khác để quy trách nhiệm cụ thể khi xảy ra vụ việc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nếu để tình trạng này xảy ra nghiêm trọng và nhức nhối ở địa phương thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Khẳng định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo trong buổi lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần đề cử những người có năng lực tham gia Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố. Từng thành viên Ban chỉ đạo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp, giám sát lẫn nhau, xử lý nghiêm những vi phạm để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại.

Cho rằng, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng với quy mô lớn, phá hoại các hoạt động sản xuất trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan truyền thông đại chúng cần đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi, sâu đậm về vấn nạn hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại để nhân dân nâng cao nhận thức, tẩy chay những loại hàng hóa này nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân mỗi người.

Q.V