Phải xử lý tận gốc nạn bạo hành trẻ em
“Không điều gì có thể lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến bạo hành trẻ em gia tăng hiện nay ngoài sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Nói thẳng ra, chính sự vô cảm, yếu kém về năng lực, chuyên môn của một số cá nhân làm công tác bảo mẫu đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không thể chấp nhận”, Luật sư Đỗ Pháp–Trưởng văn phòng Luật sư Đỗ Pháp nhấn mạnh như thế khi trả lời phỏng vấn Báo Công an TP Đà Nẵng về tình trạng bạo hành trẻ em đang gây bức xúc trong dư luận.
Luật sư Đỗ Pháp (ảnh) cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nạn bạo hành trẻ em là do sự suy đồi đạo đức. |
P.V: Thưa Luật sư, ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng bạo hành trẻ đang có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây?
Luật sư Đỗ Pháp: Có thể nói, nạn bạo hành trẻ em đã trở thành một vấn nạn lớn, xã hội đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nếu bây giờ tra trên mạng về những vụ bạo hành trẻ, chỉ chưa đầy một giây kết quả cho thấy hàng trăm, hàng nghìn vụ việc khiến ta phải giật mình. Tuy nhiên, một điều ai cũng biết đó chỉ là những con số thống kê những vụ đã bị phát hiện, xử lý. Đằng sau đó vẫn còn nhiều trẻ phải chịu cảnh bị bạo hành, lăng mạ mà ta không hề hay biết. Tất cả là mảng đen trong một xã hội đang hướng đến sự công bằng, hỗ trợ phát triển toàn diện về mọi mặt, nhất là đối với trẻ em.
P.V: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự gia tăng nạn bạo hành trẻ em như hiện nay?
Luật sư Đỗ Pháp: Có một câu chuyện bi hài mà tôi muốn kể để chúng ta cùng thấy, rằng, sau mỗi vụ bạo hành trẻ người ta lý giải nguyên nhân là do một số cơ sở nuôi nhận trẻ quá tải. Rằng một giáo viên phải trông coi hàng chục trẻ trong một không gian chật hẹp trong khi trẻ thì hiếu động, ham chơi nên mới tạo tâm lý ức chế, giáo viên không kiềm chế được bản thân... Đó là những lý do không thể chấp nhận. Chuyện ở đây là đạo đức, lối sống, sự coi thường trẻ em của những con người này. Ngoài ra, chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc là do thiếu sự quan tâm, trách nhiệm của gia đình, xã hội, nhà trường. Bất kể trong trường hợp nào, xã hội nào, trẻ em cũng luôn được bảo vệ nhưng thực tế chưa được chú trọng đúng mức. Ví như trong trường hợp nhận thấy một giáo viên có dấu hiệu, dù nhỏ nhất, làm tổn thương đến trẻ thì đã có cơ sở xử lý, cho nghỉ việc ngay chứ làm gì phải đợi đến sự việc đã rồi mới giải quyết.
Một thực trạng nữa là bạo hành trẻ em còn xuất hiện trong đời sống hằng ngày khi nhiều kẻ xấu lợi dụng sự ngây thơ, trong sáng của trẻ em để biến thành những công cụ kiếm tiền. Điều đó là do sự thiếu sự giáo dục, quan tâm của gia đình, xã hội khiến trẻ em phải mang những “căn bệnh” tinh thần nguy hại suốt cả cuộc đời.
Để ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em cần sự vào cuộc quyết liệt của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. |
P.V: Nhiều ý kiến cho rằng luật pháp hiện tại có nhiều quy định nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi bạo hành trẻ em song vẫn còn lỏng lẻo, khó áp dụng vào thực tế nên tình trạng bạo hành vẫn cứ tiếp diễn, quan điểm của ông như thế nào về ý kiến trên?
Luật sư Đỗ Pháp: Điều này đã quá rõ ràng, khi chúng ta đã có luật trẻ em điều chỉnh mọi hành vi, trong đó có những hành vi ngăn chặn bạo hành trẻ em, các văn bản dưới luật cũng có, xã hội cũng đã vào cuộc rồi nhưng tôi nghĩ thực tế áp dụng không đồng bộ, chưa quyết liệt, và đặc biệt không kịp thời dẫn đến hậu quả khó lường. Bởi, khi đã xảy ra mọi việc không còn đóng khung mà đi theo một chiều hướng rất khó xử lý. Cụ thể, luật quy định nếu tính chất, mức độ nghiêm trọng như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc bằng các hành vi: đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm... có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác theo điều 110 Bộ luật hình sự 1999. Với tình tiết là phạm tội với trẻ em, mức hình phạt sẽ là phạt tù từ 1 năm đến 3 năm theo khoản 2 điều 110 Bộ luật hình sự. Còn nếu hành vi đối xử tàn ác gây thương tích cho người bị hành hạ, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, những trường hợp bị xử lý hình sự hoặc phạt tù nặng vẫn rất ít được áp dụng vì nhiều lý do khác nhau. Ở đây chủ yếu là những trường hợp phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng đối với các hành vi xâm phạm về thân thể, gây tổn hại đến sức khỏe trẻ em theo Điều 27 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP.
P.V: Vậy, làm thế nào để ngăn chặn vấn nạn này?
Luật sư Đỗ Pháp: Nếu trường hợp đã xảy ra rồi ta mới vào cuộc xử lý thì tôi nghĩ đó chỉ là phần ngọn, quan trọng ở đây là phải xử lý tận gốc. Nghĩa là cần có sự vào cuộc từ cộng đồng, xã hội, các bậc cha mẹ, thầy cô. Tất cả phải ý thức được rằng trẻ em rất dễ bị tổn thương, không thể mất kiểm soát, thiếu quan tâm đến trẻ dù chỉ trong tích tắc. Một điều nữa là với những vụ bạo hành trẻ cần phải xử lý mạnh tay, những trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải được dập tắt kịp thời.
P.V: Xin cảm ơn ông!
PHI NÔNG (thực hiện)
Đà Nẵng tổng rà soát các cơ sở giáo dục mầm non
Liên quan đến vấn nạn bạo hành trẻ em gia tăng hiện nay, đặc biệt sau vụ bạo hành xảy ra tại trường mầm non Mầm Xanh TPHCM, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Theo đó, UBND TP yêu cầu các bên liên quan có báo cáo chuyên đề về loại hình ngoài công lập, các lớp độc lập tư thục quy mô từ 8 – 50 trẻ và nhóm dưới 7 trẻ. Đồng thời yêu cầu rà soát lại toàn bộ đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và người lao động làm việc tại các trường mầm non tư thục, nhóm lớp độc lập tư thục theo đúng quy định pháp luật. Theo UBND TP việc kiểm tra, rà soát nhằm đảm bảo một môi trường an toàn, lành mạnh trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP. Kết quả kiểm tra, rà soát gửi về Sở GD&ĐT trước ngày 20-12.