Phân cấp, phân quyền thì phải phân nguồn lực

Thứ bảy, 27/03/2021 08:27

Để hoạt động theo mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng sẽ thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều đơn vị được phân cấp, phân quyền lại than quá tải, áp lực vì việc tăng, trách nhiệm tăng mà biên chế và kinh phí không được phân kèm.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì hội thảo phân cấp quản lý nhà nước gắn với thí điểm chính quyền đô thị ngày 25-3.

Xin phân quyền, lại sợ ký

Hiện nay Đà Nẵng đã thực hiện phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực như quản lý đô thị, đất đai, đầu tư công… Song để thực hiện theo mô hình Chính quyền đô thị, việc phân cấp, phân quyền phải triệt để hơn. Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện việc cấp phép, thẩm định nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng đã được giao cho cấp quận, sắp tới sẽ giao luôn việc nghiệm thu công trình, như vậy người dân chỉ cần làm thủ tục xây dựng dưới quận. Tương tự về quản lý đất đai, việc phân cấp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện đã giao cho quận huyện, sắp tới sẽ tăng thẩm quyền của Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB). Ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc tăng quyền cho Chủ tịch Hội đồng GPMB quận huyện trong công tác bố trí tái định cư, quyết định mức hỗ trợ thêm là cần thiết. Bởi vì bây giờ tiến độ GPMB dự án nào chậm thì Chủ tịch Hội đồng GPMB ở đó phải chịu trách nhiệm. Gắn trách nhiệm cho họ, nhưng thực tế họ không có quyền. Ví dụ giờ dân xin đề xuất vượt ngưỡng mấy triệu đồng đền bù giải tỏa, quận không quyết được, cũng phải xin TP, rất mệt mỏi. Theo ông Chương, nhân lực thực hiện công tác GPMB hiện nay TP đang về cho đơn vị quận huyện, chứ chưa trú trọng phân theo dự án được triển khai trên địa bàn. Thành thử dẫn tới nơi thừa, nơi thiếu. Chẳng hạn năm nay TP tập trung 7 công trình trọng điểm động lực ở Hòa Vang trong khi đó ở Hải Châu, Thanh Khê hiện nay công tác GPMB không còn nhiều, nhưng nhân lực làm công tác này phân bổ theo quận huyện, ở Hòa Vang thậm chí ít hơn Hải Châu, Thanh Khê. Ông Chương đề xuất nên điều các bộ làm công tác GPMB ở các quận về tập trung cho Hòa Vang trong thời hạn nhất định.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Tôn- Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, địa phương đang có nhiều dự án trọng điểm triển khai, công tác GPMB đang rất “nóng”. Vì thế, ông Tôn đề nghị TP phân cấp mạnh mẽ, triệt để hơn trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng. Cụ thể, phân cấp cho huyện việc thu hồi, phê duyệt giá trị bồi thường hỗ trợ với tổ chức trong trường hợp đất do xã quản lý-hộ gia đình, cá nhân sản xuất; phân quyền phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất và đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ; phân quyền phê duyệt giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất để thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp được bố trí tái định cư… Cũng theo ông Tôn, hiện Hòa Vang đã có 8 xã đô thị loại V, vì vậy địa phương cần thêm nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đủ điều kiện tiến tới thành lập thị xã sớm nhất. Do đó, TP cần phân cấp, tăng nguồn kinh phí, hoặc tạo cơ chế cho địa phương. Chẳng hạn công tác phân cấp quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn phải gắn với nguồn thu ngân sách huyện được hưởng như vậy mới phát huy hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, công tác GPMB đã được phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm mạnh mẽ. Tuy vậy, trong quá trình làm, cấp được phân quyền lại ngại, miệng thì nói xin phân cấp, nhưng khi ký thì sợ, cuối cùng lại xin ý kiến.

Giảm trên, quá tải dưới

Ông Võ Nguyên Chương cho rằng, việc phân cấp không chỉ bổ dọc từ TP xuống quận, mà UBND TP cần mạnh dạn giao quyền cho các Giám đốc Sở. Bởi lẽ theo quy định pháp luật công chức thì người tham mưu vẫn chịu trách nhiệm cuối cùng. Thực tế ở Đà Nẵng người tham mưu vẫn chịu trách nhiệm cuối cùng trong hàng loạt vụ việc sai phạm xảy ra vừa qua. Cho nên, khâu thủ tục nào cần thiết cắt được thì nên cắt. Ví dụ phê duyệt thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thường dưới 100 triệu đồng, mà quy định phải UBND TP phê duyệt. Nhiều công trình nhỏ, làm DTM trình lên UBND TP phê duyệt, đi qua Sở lòng vòng một hồi rồi lên Văn phòng thẩm định, trình lãnh đạo TP ký. Việc này không hợp lý, hiệu quả công việc không cao. Trong khi doanh nghiệp đang tính bằng đơn vị giây thì bộ phận hành chính tính theo đơn vị ngày (mà còn mở ngoặc đơn ngày làm việc với ngày nghỉ), rất mất thời gian. Theo ông Chương, vừa rồi Sở TN&MT ký mấy thư xin lỗi với doanh nghiệp do chậm trễ thủ tục. Trong khi đó lỗi một phần ở Văn phòng UBND TP.

Bà Phan Thị Thắng Lợi- Phó chủ tịch UBND Q.Hải Châu cho biết, việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực như quản lý đô thị, đất đai, đầu tư công… xuống quận huyện đã giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân, giảm áp lực quá tải ở các sở ngành, đồng thời nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền tăng nhiệm vụ cho cấp quận huyện thì phải đi liền với tăng cường bộ máy, nhân lực, tài chính và các điều kiện cần thiết, có như vậy địa phương mới được “quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm”. Trong điều kiện tinh giảm biên chế hiện nay, nguồn nhân lực địa phương không đủ để đáp ứng giải quyết kịp thời. Thành thử giảm quá tải bên trên thì lại đẩy áp lực xuống dưới. Chưa kể, định mức chi hoạt động cho cán bộ công chức cấp quận thấp so với TP (cấp quận 36 triệu đồng/ người/năm, TP 52 triệu đồng/ người/năm). Trong khi quyền lợi không thay đổi nhưng công việc lại tăng, rõ ràng rất bất cập.

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, việc phân cấp, phân quyền để giảm áp lực công việc bên trên, nhưng cũng phải tính toán tập huấn, hướng dẫn bên dưới để đảm bảo hoạt động hiệu quả, không là vô hình dung đẩy cán bộ cấp dưới vào làm sai. Cũng theo ông Chinh, càng phân cấp mạnh mẽ, thì hiệu quả cải cách hành chính, giải quyết thủ tục cho người dân càng cao. “Hàng ngày tôi phải ký những việc không cần thiết, lẽ ra để thời gian làm việc khác. Ví dụ đề án quản lý rao vặt quảng cáo, cần phân quyền cho Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao làm là được” – ông Chinh nói.

HẢI QUỲNH