Phấn đấu hoàn thành mục tiêu “Thành phố môi trường”

Thứ năm, 08/01/2015 08:46

(Cadn.com.vn) - Chiều 7-1, UBND TP tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2008 – 2014 và đề xuất kế hoạch đến năm 2020 Đà Nẵng trở  thành “Thành phố môi trường”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án nhấn mạnh: Sau nửa chặng đường với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, Đà Nẵng đã có những thay đổi lớn về môi trường và phát triển bền vững, liên tục 4 năm liền Đà Nẵng được ghi nhận những thành tựu hoặc các giải thưởng lớn quốc tế về môi trường và biến đổi khí hậu. Diện tích không gian xanh đô thị được chú trọng đầu tư đạt 6,1m2/người, cao hơn chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ thu gom chất thải rắn dẫn đầu cả nước đạt 95%; chú trọng đầu tư và kiềm chế các điểm nóng về môi trường; vệ sinh hàng trăm lô đất trống, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; đầu tư hệ thống thu gom nước thải, cải tiến nâng cao phương thức thu gom quản lý rác thải...

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nêu ra một số hạn chế đó là tỷ lệ rác thải, nước thải tái chế, tái sử dụng; tỷ lệ người qua đời áp dụng hỏa táng (mới có 2.557 ca thực hiện) chưa đạt yêu cầu đề ra; chưa có giải pháp căn cơ, hiệu quả các điểm nóng về ô nhiễm môi trường như KCN Thọ Quang, kênh Phú Lộc...

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra "điểm nóng" môi trường kênh Phú Lộc.
Ảnh: X.Đ

Để có những giải pháp mang tính quyết định cho chặng đường “về đích” vào năm 2020 như kỳ vọng, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong thời gian đến tập trung cải thiện tốt các hạn chế về môi trường đã nêu trên; tiếp tục kiểm soát và xử lý dứt điểm tốt các điểm nóng về môi trường; xử lý dứt điểm xả thải cục bộ ra các lưu vực ven sông, biển và hồ đầm; tăng ngân sách cho sự nghiệp môi trường...

Là thành viên thường trực của Đề án, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN & MT đề nghị, lãnh đạo TP tiếp tục ưu tiên triển khai dự án hệ thống xử lý nước thải tập trung cho KCN Thủy sản; cải tạo nâng cấp trạm xử lý nước thải Phú Lộc; xây dựng 1 trạm quan trắc tự động môi trường nước sông Cu Đê và một trạm quan trắc nước biển ven bờ tại các bãi tắm du lịch phía Đông; đầu tư nâng cấp cải tạo hồ, đầm ô nhiễm khu vực nội thành; nâng cấp thêm các hệ thống xử lý nước thải y tế; khuyến khích các cơ sở công nghiệp trong KCN thực hiện tái sử dụng nguồn nước sau khi xử lý đạt yêu cầu; tập trung phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2016 – 2020; quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường như Câu lạc bộ môi trường, mái nhà xanh, tổ dân phố không rác, phong trào Ngày Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp, doanh nghiệp xanh...

Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở KH & ĐT, Đà Nẵng phấn đấu đạt “Thành phố thân thiện môi trường” cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách, nguồn vận động ODA, nguồn xã hội hóa và huy động sự đồng lòng của nhân dân toàn TP tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường...

Để giải bài toán khó trong Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đến năm 2020, là “Sức ép của sản xuất công nghiệp và vấn đề bảo vệ môi trường”. Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho rằng, công nghiệp TP phải chuyển biến căn bản, đột phá về chất lượng tăng trưởng và theo hướng tăng trưởng xanh. Ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, có hiệu quả, sức cạnh tranh cao; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp môi trường (như xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng các chất tái chế, sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo cho môi trường như bao nilon sinh thái); xây dựng lại hệ thống điện bằng cách ngầm hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới để thay thế dần...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận những ý kiến của các Sở, ban, ngành, đồng thời kêu gọi, để Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường vào năm 2020” cần có sự động thuận cao hơn nữa, sự chung tay góp sức của cộng đồng, sự thống nhất của các sở, ban, ngành, sự hỗ trợ tích cực của Trung ương, các tổ chức quốc tế và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.

Xuân Đương