Phấn đấu hơn 90% người dân trên 18 tuổi được tiêm vaccine

Thứ hai, 04/10/2021 10:43

Ngày 2-10, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Chính phủ đã dành thời gian họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và 705 huyện, thị xã, thành phố trong cả nước về công tác phòng, chống dịch COVID.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã và đang nỗ lực hết mình để nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất vaccine để tiêm miễn phí cho nhân dân.

Đang nỗ lực hết mình

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, có hiện tượng nhiều người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương di chuyển tự phát về quê. Do đó, Thủ tướng kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vaccine đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội. Nếu người dân thực sự có mong muốn về quê vì các lý do khác nhau thì các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa người dân về quê, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Củng cố, phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; sẵn sàng tăng cường y tế lưu động, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế; hạn chế thấp nhất các ca tử vong. 

Thủ tướng nhấn mạnh, chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã và đang nỗ lực hết mình để nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất vaccine để tiêm miễn phí cho nhân dân; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để chủ động vaccine trong nước. Phấn đấu đến cuối năm bao phủ được hơn 90% người dân trên 18 tuổi tại tất cả các địa phương được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và có kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi...

Liên quan đến việc phân bổ vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, dự kiến trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Bộ Y tế tiếp cận khoảng 150 triệu liều vaccine, trong đó từ nay đến cuối năm dự kiến về khoảng 54 triệu liều. Bộ đã dự kiến kế hoạch phân bổ từng tuần với từng loại vaccine khác nhau để phân cho các địa phương theo quy định, căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương.

Về việc người dân thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương về quê tự phát, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa địa phương có công dân và thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức cho người dân đăng ký nguyện vọng. Về tỉnh nào, tỉnh đó sẽ cử người vào đón, đưa công dân về địa phương để thực hiện cách ly và giám sát y tế. Thời gian qua, một số tỉnh đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số công dân tự phát di chuyển khỏi thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo, khi người dân về, các địa phương tiếp nhận và đưa vào khu cách ly để theo dõi y tế, tránh lây lan dịch bệnh.

Tích hợp thẻ xanh COVID-19 trên căn cước công dân

Hiện nay, thẻ căn cước công dân đang được tích hợp nhiều tiện ích hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, như: thông tin thẻ xanh COVID-19, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe và nhiều tiện ích khác. Về thông tin thẻ xanh COVID-19, công dân đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng dịch sẽ được tích hợp thẻ xanh, tiêm một mũi được tích hợp thẻ vàng trên căn cước gắn chip. Đây là những thông tin được đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an  cho biết chiều 2-10.

Tính đến nay, Bộ Công an đã trả khoảng 45 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử tới tay người dân. Chip điện tử được tích hợp trong căn cước công dân gồm các trường thông tin cơ bản của công dân, có chứa thông tin sinh trắc học, ảnh chân dung và vân tay theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO. Tất cả các thông tin lưu trữ đều được bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.

Đặc biệt với tình hình phòng chống dịch cấp bách như hiện nay, công dân sử dụng duy nhất thẻ căn cước công dân gắn chip được tích hợp những tiện ích, như: tích hợp thông tin thẻ xanh COVID-19, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về người được hưởng chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19...; tích hợp người phụ thuộc đi cùng với người có căn cước công dân gắn chip (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự...).

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội khẳng định, công dân có thể sử dụng duy nhất thẻ căn cước gắn chip để thực hiện giao dịch đối với những tiện ích nêu trên. Cơ quan chức năng đảm bảo dữ liệu công dân được đối sánh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua quy trình xác minh đảm bảo chính xác.

Bên cạnh đó, dữ liệu công dân được bảo đảm bảo mật tuyệt đối, không ai có thể đọc và sao lưu dữ liệu cá nhân, dữ liệu được tích hợp trên căn cước công dân. Dữ liệu được cập nhật, bổ sung từ rất nhiều nguồn như cơ quan y tế, tổ chức, doanh nghiệp, thông tin tiêm chủng, F0 hay F0 khỏi bệnh.

Ngoài các tiện ích trên, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết công dân có thể dễ dàng đăng ký điểm checkpoint cho nơi ở hoặc dán trên các trụ sở, cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị hoặc nơi công cộng. Chức năng quản lý điểm checkpoint giúp doanh nghiệp, tổ chức theo dõi, quản lý về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 của cán bộ, nhân viên và khách ra vào trụ sở cơ quan. Từ đó chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, kịp thời.

QUỲNH NHƯ – TTXVN

Chuẩn bị 2 kịch bản tăng trưởng

Thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 2-10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong báo cáo Chính phủ, Bộ đã trình hai phương án tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm dựa trên cơ sở kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm và một số điều kiện đặt ra. 

Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý IV-2021 phải đạt mức tăng trưởng 7,06% trở lên. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu 3,5% thì quý IV phải đạt được 8,84% trở lên.

Với mức tăng trưởng quý từ 7% trở lên, ông khẳng định trong quá khứ Việt Nam đã đạt được… song với quý IV-2021 có nhiều điểm đặc biệt và phụ thuộc rất nhiều vào đề án thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19.

“Để đạt được mục tiêu này, đối với doanh nghiệp phải được hoạt động (tức là không bị đóng băng, đóng cửa) và lao động phải được dịch chuyển. Do đó tới đây cùng với quy định về y tế, chúng tôi hy vọng lao động được dịch chuyển an toàn và và hàng hóa phải được lưu thông (lưu thông giữa các địa phương, bao gồm cả hàng hóa đầu vào và đầu ra), mới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, ông Phương nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy sản xuất, trong giai đoạn này cả nước đang bắt đầu thực hiện lộ trình mới (chủ yếu là phục hồi) nên các khu vực doanh nghiệp và khu vực kinh tế đạt được 80% công suất cũng là thành công lớn để phục hồi kinh tế.

“Kỳ vọng với các nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của các doanh nghiệp, mong rằng quý IV chúng ta có thể đạt được mục tiêu 7% đã từng đạt được trong quá khứ, có như vậy mới đạt được kỳ vọng đề ra”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Q.N

------

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị cung ứng kít xét nghiệm công khai, minh bạch, đảm bảo cạnh tranh về giá 

Chiều 2-10, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề giá test kit xét nghiệm COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, Bộ đã có nhiều văn bản hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cho người dân và công nhân trong doanh nghiệp. Bộ đã hướng dẫn cụ thể đối tượng nào được ưu tiên xét nghiệm sàng lọc và gộp mẫu xét nghiệm. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị cung ứng kit xét nghiệm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký để đảm bảo tính cạnh tranh về giá.

Đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong cung cấp test COVID-19. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp test xét nghiệm hàng tuần cập nhật công khai giá trên Cổng của Bộ, tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký, tạo cạnh tranh lành mạnh. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có nhiều công điện, văn bản chỉ đạo nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong việc mua sắm sinh phẩm; đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sở y tế, thanh tra tỉnh tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị cũng như kiểm tra, thanh tra các cơ sở cung cấp dịch vụ xét nghiệm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ cũng thành lập đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ làm trưởng đoàn, đang đi kiểm tra, thanh tra ở các tỉnh mà Bộ cho rằng cần phải xem xét trước để chấn chỉnh.

Thông tin thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Bộ Y tế đang triển khai thanh tra công tác xét nghiệm, giá test còn phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc, chất lượng, số lượng, diễn biến dịch bệnh tại thời điểm mua…

Q.N