Phần Lan gia nhập NATO

Thứ tư, 05/04/2023 09:05
Ngày 4-4, lá cờ Phần Lan màu trắng xanh tung bay trước trụ sở NATO, đưa nước này trở thành thành viên thứ 31 của khối.
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) trao văn kiện gia nhập NATO của Phần Lan cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) tại trụ sở NATO ở Brussels, ngày 4-4. ảnh: AP
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) trao văn kiện gia nhập NATO của Phần Lan cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) tại trụ sở NATO ở Brussels, ngày 4-4. ảnh: AP

Khoảnh khắc lịch sử

Thông tin về thời điểm gia nhập NATO được Văn phòng Tổng thống Phần Lan công bố hôm 3-4, lãnh đạo liên minh cũng xác nhận thông tin sau đó. "Ngày 4-4, chúng tôi sẽ chào đón Phần Lan với tư cách thành viên thứ 31 và tổ chức thượng cờ nước này tại trụ sở liên minh", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết. Buổi lễ gia nhập của Phần Lan rơi vào đúng vào ngày "sinh nhật" NATO, tức kỷ niệm 74 năm ngày ký kết Hiệp ước Washington thành lập liên minh vào 4-4-1949. "Đây sẽ là cột mốc tốt đẹp với an ninh của Phần Lan, khu vực Bắc Âu và toàn bộ khối", ông Stoltenberg cho biết

Hôm 30-3, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO. Điều này đồng nghĩa với Phần Lan sẽ chính thức được kết nạp, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tại hội nghị tiếp theo của NATO dự kiến diễn ra ở Lithuania vào tháng 7 tới. "Đó là một khoảnh khắc lịch sử đối với chúng tôi. Đối với Phần Lan, mục tiêu quan trọng nhất sẽ là nhấn mạnh sự ủng hộ của NATO đối với Ukraine khi Nga tiếp tục chiến dịch quân sự. Chúng tôi tìm cách thúc đẩy sự ổn định và an ninh trên toàn khu vực châu Âu - Đại Tây Dương", Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto tuyên bố.

Phản ứng của Nga

Theo AFP, Phần Lan có phần biên giới chung với Nga dài khoảng 1.300km và việc nước này gia nhập đã tăng gấp đôi biên giới của NATO với Nga.

Động thái Phần Lan gia nhập NATO được đánh giá là một đòn chiến lược và chính trị đối với Tổng thống Vladimir Putin. Từ lâu ông Putin nói rằng bất kỳ sự mở rộng quân sự nào của NATO về phía đông đều là mối đe dọa trực tiếp cho chủ quyền và an ninh Nga.

Việc gia nhập NATO đồng nghĩa Phần Lan sẽ được hưởng lợi từ điều 5 Hiến chương NATO - một nguyên tắc về phòng thủ tập thể, theo đó cuộc tấn công vào một thành viên của liên minh quân sự này "sẽ được coi là cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên". Việc tiếp nhận Phần Lan cũng giúp hoàn thành bài toán về địa lý của NATO bằng cách lấp đầy khoảng trống lớn trong khu vực Biển Baltic có tầm quan trọng chiến lược ở phía bắc châu Âu. Phần Lan sở hữu lực lượng vũ trang mạnh đáng kể, được huấn luyện tốt, với đội quân tinh nhuệ. Quốc gia Bắc Âu này cũng có một đội quân dự bị lớn và đang đầu tư mạnh vào trang thiết bị vũ khí mới, trong đó có hàng chục máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất. Không giống như hầu hết các thành viên của liên minh, Phần Lan đã không cắt giảm chi tiêu và đầu tư quốc phòng sau Chiến tranh Lạnh.

NATO đã nói rằng họ không có ý định ngay lập tức tăng cường sự hiện diện của mình ở Phần Lan. Nhưng một số thành viên đã triển khai quân đội ở nước Bắc Âu này tham gia các cuộc tập trận trong năm qua.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo, Moscow sẽ đáp trả việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO bằng cách củng cố hệ thống phòng thủ nếu cần. "Chúng tôi sẽ tăng cường tiềm lực quân sự của mình ở phía tây và tây bắc. Trong trường hợp triển khai lực lượng của các thành viên NATO khác trên lãnh thổ Phần Lan, chúng tôi sẽ thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo an ninh quân sự của Nga", RIA Novosti dẫn phát biểu của ông Grushko cho biết.

Số phận của Thụy Điển

Xuất phát từ những lo ngại an ninh sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát, tháng 5-2022, Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển đã tuyên bố từ bỏ lập trường trung lập, không liên kết quân sự để nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, tiến trình gia nhập liên minh quân sự NATO của Phần Lan suôn sẻ hơn so với Thụy Điển. Phần Lan đã nhận được sự ủng hộ từ cả 30 nước NATO, trong khi Thụy Điển vẫn gặp sự cản trở từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Các quan chức NATO ban đầu bác bỏ việc tách rời nỗ lực của hai nước nhưng ngày càng chấp nhận khả năng Helsinki gia nhập trước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đầu tháng 3 xác nhận sẽ ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO, sau khi nhận thấy quốc gia Bắc Âu đã có nhiều bước tiến thực chất trong cam kết an ninh với Ankara, trong đó có giải quyết mối lo về các nhóm ly khai lưu vong và bỏ lệnh cấm xuất khẩu quốc phòng. Tuy nhiên, ông Erdogan vẫn trì hoãn ủng hộ Thụy Điển tham gia NATO, cho rằng Stockholm chưa có nhiều hành động giải quyết mối lo an ninh của Ankara, bất chấp thỏa thuận về vấn đề này đã được ký giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Bắc Âu năm ngoái.

Các quan chức phương Tây đã bày tỏ sự lạc quan rằng Thụy Điển sẽ sớm theo chân nước láng giềng Phần Lan gia nhập NATO, tốt nhất là trước thềm hội nghị thượng đỉnh khối được tổ chức vào tháng 7 tại Vilnius, Lithunia.

AN BÌNH