Pháp bầu cử tổng thống vòng 1: Phép thử cho Châu Âu

Thứ hai, 24/04/2017 08:34

(Cadn.com.vn) - Pháp bắt đầu vòng đầu tiên cuộc bầu cử tổng thống khó đoán định nhất trong nhiều thập kỷ qua, với kết quả được coi là định hình tương lai của Liên minh Châu Âu (EU) đang bị ách tắc.

Ngày 23-4, khoảng 67.000 điểm bỏ phiếu chính thức mở cửa để đón khoảng 47 triệu cử tri đi bầu chọn ứng viên mà họ mong muốn lên nắm quyền lãnh đạo nước Pháp. Đây là sự kiện của nước Pháp nhưng kết quả của nó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tương lai của EU.

An ninh được thắt chặt tuyệt đối trong ngày bầu cử do mối lo ngại khủng bố, nhất là trong bối cảnh đất nước vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp kể từ vụ tấn công hồi tháng 11-2015 tại Paris. Có 11 ứng viên tham gia tranh cử tại vòng 1. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, 4 ứng viên được đánh giá có nhiều tiềm năng nhất là ứng viên độc lập Emmanuel Macron, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen, cựu Thủ tướng Francois Fillon và nhà lãnh đạo phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Melenchon.

Tuy nhiên, dự báo sẽ không có ứng cử viên nào giành đủ số phiếu quá bán trong vòng 1. Hai ứng viên dẫn đầu sẽ bước vào vòng 2, diễn ra vào ngày 7-5 tới.

An ninh được thắt chặt trong ngày bầu cử vòng 1 ở Pháp. Ảnh: CNN

Chú trọng an ninh, người di cư

An ninh, người di cư và nền kinh tế chắc chắn là những vấn đề quan trọng quyết định cuộc bầu cử lần này.

Nhiều cử tri nghĩ rằng, các chính sách nhập cư hiện nay làm trầm trọng thêm vấn đề thất nghiệp của Pháp và làm bùng nổ các vụ tấn công khủng bố chết người trong vài năm qua. Sau vụ khủng bố ở đại lộ Champs-Elysees, mối lo an ninh càng được chú trọng hơn. 50.000 cảnh sát và 7.000 binh sĩ được triển khai khắp nước Pháp để bảo vệ cử tri trong ngày bầu cử. Hiện chưa rõ là cuộc bầu cử sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sau cuộc tấn công trên đại lộ Champs-Elysees, nhưng có thể nói nó sẽ phần nào định hình lá phiếu của cử tri theo hướng có lợi cho hai ứng viên Le Pen và Francois Fillon.

Sau vụ tấn công, các ứng viên hủy bỏ các chiến dịch tranh cử trong ngày vận động cuối cùng theo lịch trình (21-4), thay vào đó, đưa ra các tuyên bố trên truyền hình, nhắm trọng tâm về an ninh và cam kết tiêu diệt nhóm cực đoan IS.

Phép thử với làn sóng chống Châu Âu

Pháp là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và đóng vai trò then chốt ở Châu Âu. Giới chuyên gia cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp chính là phép thử quan trọng đối với làn sóng chống Châu Âu và có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng chính trị trong phạm vi EU.

Bên cạnh mối đe dọa khủng bố gia tăng sau vụ tấn công tại đại lộ Champs-Elysees, thái độ chia rẽ đối với các vấn đề liên quan đến EU được coi là nhân tố quyết định có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Vì vậy, cần chú ý hai vấn đề trong cuộc bầu cử lần này ở Pháp. Thứ nhất, nó được xem như là một phép thử quan trọng đối với làn sóng chống Châu Âu gần đây và cho sự nổi lên của các phong trào cực hữu tại châu lục này. Thứ hai, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh có một loạt các cuộc bầu cử trên toàn thế giới, mà rất nhiều trong số đó mang lại kết quả bất ngờ, bắt đầu với cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi EU, tiếp đó là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử.

Giới quan sát cho rằng, tác động kết quả bầu cử có thể sẽ vượt khỏi biên giới nước này bởi trên thực tế Pháp không phải là quốc gia Châu Âu duy nhất nhìn thấy sự trỗi dậy của làn sóng chính trị dân túy. Các ứng viên quần chúng cũng đã làm rung chuyển nền chính trị  Hà Lan và Italia. Ở Đức, đảng chống nhập cư AfD có được sự ủng hộ lớn nhờ khai thác mối quan tâm số 1 về các khoản cứu trợ trong khu vực đồng EUR và gần đây nhất là dòng người nhập cư ồ ạt đến nước này.

Khả Anh

Lãnh sự quán Pháp tại New York sơ tán do đe dọa đánh bom

Lãnh sự quán Pháp tại New York, nơi hàng ngàn người Pháp sống tại Mỹ đăng ký bỏ phiếu bầu tổng thống ngày 23-4, được sơ tán ngay sau khi có mối đe dọa đánh bom.

Tổng lãnh sự Anne-Claire Legendre nói rằng, một chiếc xe đáng ngờ khiến cảnh sát nhanh chóng sơ tán mọi người tại tòa nhà lãnh sự quán. Hàng chục người ở trong tòa nhà vào khoảng 17 giờ (giờ địa phương) đợi trên vỉa hè trong khi các nhà chức trách kiểm tra xe. Tình hình trở lại bình thường sau đó khoảng 50 phút, các hoạt động bỏ phiếu cũng đã được tiếp tục.

T.V