Pháp họp khẩn đối phó với biểu tình bạo loạn

Thứ bảy, 01/07/2023 09:10
Tổng thống Emmanuel Macron dự định đã rời hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) để quay trở về Pháp và tổ chức cuộc họp an ninh khẩn cấp tối 30-6 trong nỗ lực tìm cách giải quyết làn sóng biểu tình bạo loạn sau vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên vi phạm giao thông.
Cảnh sát chống bạo động bắt giữ người biểu tình quá khích tại Nanterre, ngoại ô Paris ngày 29-6. Ảnh: AFP
Người biểu tình đòi công lý cho Nahel. Ảnh: Getty Images

Biểu tình lan rộng

Biểu tình và bạo loạn đã bùng phát và xảy ra liên tiếp trong ba ngày qua sau khi vào sáng 27-6 (theo giờ địa phương) đã xảy ra vụ việc cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi tên Nahel M. vì không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát khi tham gia giao thông. Mẹ của thanh niên này đã kêu gọi cộng đồng mạng "đòi lại công lý" cho con trai.

Cho đến nay, làn sóng biểu tình bạo loạn tiếp tục lan rộng từ các làng mạc trên khắp nước Pháp cho đến trung tâm các thành phố lớn, bất chấp việc cơ quan công tố thông báo rằng viên cảnh sát nổ súng đã bị đưa ra tòa và đang bị điều tra tội giết người. Trong kết luận ban đầu được công bố vào ngày 29-6, công tố viên thành phố Nanterre cho biết, tình huống cảnh sát nổ súng sát hại thiếu niên 17 tuổi đã không hội đủ các điều kiện để sử dụng vũ khí.

Chính phủ Pháp ngày 29-6 đã triển khai hơn 40.000 cảnh sát và hiến binh trên khắp đất nước, bao gồm các đơn vị chiến thuật và chống khủng bố tinh nhuệ, để đối phó với các cuộc biểu tình lan rộng. Theo Bộ Nội vụ Pháp, khu vực thủ đô Paris và các vùng ngoại ô đã được tăng cường thêm 5.000 cảnh sát. Hơn 6.000 người đã diễu hành qua thành phố Nanterre trong ngày 29-6. Cuộc biểu tình kết thúc khi nhóm biểu tình đụng độ với cảnh sát. Đến 21 giờ (giờ địa phương), một chi nhánh ngân hàng Credit Mutuelle trong thành phố đã bị cướp phá và phóng hỏa.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin ngày 30-6 cho biết tổng cộng 667 người đã bị bắt giữ trong đêm 29-6 tại Pháp. Trong số những người bị bắt giữ, có 307 người ở vùng đô thị Paris. Thông báo trên trang Twitter, Bộ trưởng Gerald Darmanin miêu tả: "Một đêm bạo loạn hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với những biểu tượng của một cộng hòa với việc các tòa thị chính, trường học và cảnh sát đều bị tấn công hoặc phóng hỏa".

Một số thành phố, bao gồm Clamart và Compiegne, đã tuyên bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm. 4 trong số 18 khu vực của Pháp, gồm Bordeaux, Ile-de-France, Tours và Lille, đã tạm dừng tất cả các phương tiện giao thông công cộng. Các video trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy nhiều vụ cháy trên khắp nước Pháp, bao gồm cả tại một bến xe buýt ở ngoại ô phía Bắc Paris và một xe điện ở Lyon. Các dịch vụ xe điện và buýt ở thủ đô Paris đã tạm ngừng hoạt động sau 21 giờ hàng ngày, bắt đầu từ ngày 29-6, "để đảm bảo an toàn cho nhân viên và hành khách" trong bối cảnh các cuộc biểu tình dự kiến sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, biện pháp này cùng với việc thắt chặt an ninh dường như không phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng bất ổn vào đêm 29-6.

Tình trạng bất ổn hiện nay đã gợi lại ký ức về thời điểm năm 2005 khi chuỗi bạo loạn nổ ra làm rung chuyển nước Pháp trong ba tuần và buộc tổng thống lúc bấy giờ là Jacques Chirac phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Cảnh sát chống bạo động bắt giữ người biểu tình quá khích tại Nanterre, ngoại ô Paris ngày 29-6. Ảnh: AFP

Họp khẩn

Tổng thống Macron đã tổ chức một cuộc họp khẩn đầu tiên vào sáng 29-6 với các bộ trưởng cấp cao sau đêm thứ hai xảy ra tình trạng bất ổn và bạo loạn trên khắp nước Pháp. "Vài giờ qua đã xảy ra các cảnh tượng bạo lực chống lại các đồn cảnh sát cũng như các trường học và tòa thị chính. Đó là các tổ chức của Cộng hòa Pháp, vì vậy những cảnh tượng như thế này là "không thể biện minh", nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh. Hôm 28-6, Tổng thống Macron cũng đã kêu gọi người biểu tình bình tĩnh, nhấn mạnh rằng cái chết của thanh niên có tên là Nahel là "không thể giải thích và không thể tha thứ được". Lần này, ông Macron sẽ tiếp tục triệu tập cuộc họp khẩn nhằm nỗ lực tìm ra cách giải quyết làn sóng biểu tình bạo loạn đang "nhấn chìm" nước Pháp.

AN BÌNH